Phận bạc
21:52', 24/12/ 2011 (GMT+7)

Truyện ngắn của NGUYỄN QUANG QUÂN (Tuy Phước)

Ở vùng Sông Tình, có người con gái họ Nguyễn xinh đẹp và nết na. Sinh ra trong một gia đình nho giáo, nàng cũng theo đòi đèn sách. Cha là một học sanh, học rất giỏi, lúc mười bảy tuổi đã vào trường Giáo phủ Tuy Viễn, mỗi năm hai kỳ sát hạch, văn tài của ông thường được các giáo thụ khoa bảng xếp hạng ưu. Nhưng học tài thi phận, dự hai khóa thi hương cũng chỉ vào được trường nhì. Tự nghĩ mình không có số khoa bảng, ông về nhà mở trường dạy học. Vì là người học rộng, tuy không đỗ đạt gì, nhưng được kẻ sĩ hàng phủ huyện nể vì, học trò thụ giáo rất đông. Người anh cả cũng được tiếng thông minh học giỏi, năm hai mươi tuổi trúng tuyển làm học sanh trường Đốc tỉnh, được các thầy ngợi khen và tin tưởng tương lai sẽ là ông Cống, ông Nghè của tỉnh. Tiếc thay ông thất lộc sớm vì bạo bệnh, trong lúc tiền đồ đang rộng mở. Chỉ ba hôm sau, vợ ông cũng đi theo để lại trên đời một đứa con trai mà ngay lúc còn thơ ấu đã bộc lộ tư chất thông minh đĩnh ngộ.

Tuy là thân con gái, nhưng từ nhỏ nàng lộ rõ vẻ thông minh, sáng láng, đã theo học chữ Nho từ cha, rồi được anh cả mình trực tiếp chỉ dạy. Học đâu nhớ đó, tuy không đọ sức nơi trường thi, nhưng chữ nghĩa đủ hiểu sách vở thánh hiền, đối đáp văn chương linh lợi.

Một hôm, nàng qua nhà anh cạnh đó để nghe lóm giảng sách. Thấy nhà còn đóng cửa, mà đám học trò thì đang bàn tán xôn xao. Nàng hỏi qua mới biết, học trò đến học, thấy nhà đóng cửa mà bên trong thì nghe có tiếng rúc rích và tiếng giường kêu ọt ẹt, các trò bấm nhau cười. Thầy nghe thế liền ra câu đối, bảo nếu đối được thì mới mở cửa cho vào học:

“Sĩ đáo ngoại gia, thầm bất thầm, thì bất thì, thầm thì thầm thì”.

Các anh học trò trên tuổi nàng bí quá không biết đối sao. Nghe thế, nàng mỉm cười, hồn nhiên bảo: Thầy thương các anh nên chỉ ra một câu đối quen thuộc của dân gian. Thế thì các anh dùng câu này đối lại:

“ Sư ngọa trung phòng, ọt bất ọt, ẹt bất ẹt, ọt ẹt ọt ẹt!”.

Quả nhiên, câu đối vừa đọc lên, đã nghe tiếng khen của thầy: “Được lắm!” và hai cánh cửa rộng mở, học trò mừng rỡ ùa vào phòng học.

Đến tuổi cài trâm, nàng như một bông hoa đồng nội thơm nức sắc hương, bao nhiêu chàng trai nhìn ngó quanh nhà, bao đôi mắt dõi nhìn khi nàng bước chân ra khỏi cổng. Nhiều công tử nhà giàu trong phủ, ngoài huyện đánh tiếng mối mai, nhưng nàng vẫn thờ ơ, từ chối.

Hôm đó, có công tử con nhà thế gia trong huyện, bạn học của anh nàng đến thăm. Hai người ngồi nhà trên luận bàn thi phú. Anh nàng muốn giới thiệu cô em gái giỏi giang của mình cho bạn, nên đã dặn trước vợ mình nhờ em lo trà nước tiếp khách. Nàng vừa bưng nước lên, rót trà mời anh và khách, thì khách đã sỗ sàng cất tiếng:

- Này, nghe tiếng cô em hay chữ, nhờ cô giải giúp chữ này nhé!

Nói xong, anh ngâm nga:    

Lưỡng Nhật, bình đầu nhật.

Tứ Sơn, điên đảo sơn.

Lưỡng Vương, tranh nhất quốc.

Tứ Khẩu, tung hoành gian.

Đó là chữ gì vậy cô?

Nàng lễ phép thưa:

- Các anh là người tài cao, học rộng, hà cớ hỏi em chi? Nhưng thầy đã hỏi thì em xin đáp: Đó là chữ Điền.

- Cô giải thích rõ xem sao!

- Có gì khó hiểu đâu! Đó là chuyện cụ Trạng Mạc Đĩnh Chi đối đáp sứ Tàu. Câu đố có thể diễn giải như sau: Hai hình chữ nhất để bằng đầu, sóng hàng nhau - các cạnh của nó tạo ra chữ Điền. Bốn trái núi, điên đảo. Bốn chữ Sơn sắp ghép theo hai chiều, dọc - ngang, cũng tạo thành chữ Điền. Hai ông vua tranh nhau một nước. Hai chữ Vương ghép lại trên, dưới - cũng thành chữ Điền. Bốn cái miệng ở trong khoảng dọc, ngang - bốn chữ Khẩu ghép lại cũng tạo thành chữ Điền.

Thì ra cô đọc sách nhiều, kiến văn rộng, biết được giai thoại này, nên có thể giải ngay một câu đố khó đã làm cả vua tôi nước Nam lúng túng.

Chàng công tử ngẩn người ra nhìn cô gái, một mối xúc cảm dậy lên trong lòng: Cô ấy thật xinh đẹp và tài hoa, tiếng đồn quả chẳng sai! Sau lần gặp, chàng đã phải lòng cô gái, mấy tháng sau, chàng thưa chuyện với cha mẹ, xin hai thân hỏi cưới cô gái ấy cho mình. Hai nhà đều là thế gia trong huyện, môn đăng hộ đối, kết sui gia với nhau cũng tốt. Nhưng rồi…

Lúc ấy gia đình nàng rơi vào cơn quẫn bách. Vợ chồng anh cả qua đời, để lại đứa con côi mà cha mẹ nàng phải nuôi dưỡng. Rồi cha buồn cảnh nhà cũng mất sớm. Gia đình trong cơn khủng hoảng, lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu. Là thân con gái lớn, nàng phải trực tiếp săn sóc mẹ già, đứa cháu côi và đàn em bốn đứa sau mình.

Bao nhiêu việc nhà, ruộng nương, vườn tược, một tay nàng quán xuyến. Thế là tuổi cập kê qua đi nhanh chóng. Quanh năm suốt tháng đầu tắt, mặt tối lo toan công việc gia đình, không làm dung nhan tàn phai, ngược lại nhan sắc nàng ngày càng ngời ngợi như ánh trăng rằm. Ba, bốn năm sau, nhờ đôi tay thu vén của nàng, cảnh nhà đã trở lại phong lưu, thóc lúa đầy kho, của ăn của để sung túc. Mẹ già nhìn đứa con gái lớn mỉm cười tự hào, nhưng lòng vẫn đau đáu niềm riêng. Sao con lại phải muộn chồng?

Năm nàng mười chín tuổi, vâng lời mẹ và anh, nàng nhận lời kết duyên với một chàng thư sinh tân học, làm thư ký công sở, con ông Chánh làng bên. Ngày thành hôn, chú rể đau nặng phải võng đến nhà gái run rẩy làm lễ. Về nhà chồng, nàng một thân cáng đáng công việc nhà chồng, chăm sóc cha mẹ tuổi già và nuôi chồng đau yếu. Bệnh ông mỗi ngày một nặng, bao nhiêu thuốc thang cũng không chữa khỏi. Mấy tháng sau ông qua đời, chưa kịp động phòng với người vợ mới cưới!

Cha mẹ chồng khóc thương con trai đầu xanh ra đi, thôi đành phận số. Nhìn đứa con dâu hiếu nghĩa đủ đường, lại càng áo não hơn. Ông bà vẫn khuyên nàng quên đi đau buồn, đi thêm bước nữa.

Sau ba năm, nàng tái duyên với một ông học vấn tầm thường, nhưng tốt tính. Từ trước, ông vẫn mến mộ nàng, nhưng không dám hỏi. Lần này, trớ trêu thay, ngày cưới bà đau liệt giường. Võng hoa cô dâu là võng đưa người bệnh, người nhà cố gắng dìu đỡ nàng làm lễ. Từ đó, ông chăm sóc người vợ đau yếu của mình hết lòng, cho đến ngày bà mất. Duyên số trêu phận má hồng đến thế là cùng!

Nghe đâu, đến phút lâm chung, nàng vẫn gượng cầm lấy tay ông, mắt nhòa lệ mà như mỉm cười, đọc câu thơ tuyệt mệnh:

Hai chồng, em vẫn còn trinh

Phận sao bạc đến duyên tình trống không!

  • N.Q.Q
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mùa gieo cải  (24/12/2011)
“Cô đào lẳng” tài hoa  (24/12/2011)
Đài PT-TH Bình Định đoạt Huy chương vàng phóng sự dài  (23/12/2011)
Khai trương phòng chiếu phim 3D  (22/12/2011)
Giai điệu Giáng sinh  (22/12/2011)
“Nhưng trái tim còn ấm tươi màu”  (22/12/2011)
Nhiều hoạt động mừng Xuân Nhâm Thìn 2012  (21/12/2011)
Những tồn tại ở Bảo tàng Quang Trung  (21/12/2011)
Nâng chất, nâng tầm  (21/12/2011)
Có một Tiểu Mục Đồng  (20/12/2011)
Hội báo xuân - một nét đẹp văn hóa  (19/12/2011)
Giỗ nhà thơ  (19/12/2011)
Tưởng niệm 26 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu  (18/12/2011)
Bàn tay trong một bàn tay  (18/12/2011)
“Tự hào là con gái Bình Định”  (17/12/2011)