Ngày hội Văn hóa - Thể thao (VH-TT) cấp xã là dịp sinh hoạt, thưởng thức văn hóa Việt Nam, thi đấu thể thao giữa “người trong nhà” với nhau, có tác dụng lớn trong việc kích thích, nuôi dưỡng phong trào ở cơ sở và tăng tình đoàn kết cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều cái khó làm cho ngày hội này chưa lan rộng và duy trì ổn định…
|
Ngày hội VH-TT cấp xã nếu được tổ chức rộng khắp, thường kỳ có tác dụng nuôi dưỡng, thúc đẩy phong trào VH-TT cơ sở và tăng khối đoàn kết trong nhân dân địa phương.
- Trong ảnh: Đồng bào dân tộc thiểu số vui chơi tại Ngày hội VH-TT xã Canh Thuận (Vân Canh).
|
“Động lực” của phong trào
Với hai nội dung trình diễn, tranh tài về VH, TT, ngày hội VH-TT cấp xã mang dáng dấp và màu sắc như ngày hội VH-TT miền núi, miền biển cấp huyện, tỉnh thu nhỏ. Tùy đặc điểm địa phương là xã miền núi, miền biển hay đồng bằng mà các nội dung văn hóa Việt Nam, thi đấu thể thao được chọn lọc tổ chức phù hợp để giữ gìn, phát huy văn hóa đặc trưng và thu hút người dân xã nhà.
Được huyện hỗ trợ một phần kinh phí, nhiều xã miền núi trong tỉnh đã tổ chức và duy trì ngày hội VH-TT cấp xã, điển hình là huyện An Lão. Từ năm 2005, ngành văn hóa huyện đã hỗ trợ chuyên môn, công tác tổ chức và phối hợp cùng 9 xã, thị trấn trong huyện tổ chức ngày hội này. Những năm đầu, hàng năm cả 9 xã, thị trấn đều tổ chức, đến năm 2009 mỗi năm chọn 3-4 xã tổ chức, từ đầu năm 2011 (đến năm 2015) 1 năm tổ chức 2 xã và luân phiên. Tại ngày hội, người dân tranh tài các môn thể thao phổ thông như bóng đá, bóng chuyền, thể thao dân tộc và trò chơi dân gian bắn nỏ, đẩy gậy, ném lao, chạy vượt dốc, đi cà-kheo, bên cạnh đó là các môn thi văn hóa: đánh cồng chiêng, văn nghệ quần chúng, ẩm thực, dệt thổ cẩm…
Định kỳ 2 năm 1 lần, 3 xã vùng cao của huyện trung du Hoài Ân là Đắk Mang, Bok Tới và Ân Sơn lại được hội ngộ, giao lưu, tranh tài tại Ngày hội VH-TT 3 xã vùng cao được luân phiên tổ chức. Ngày hội thu lại hiệu quả tích cực trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các đồng bào ở Hoài Ân trước nguy cơ mai một truyền thống nảy sinh từ quá trình cộng cư.
Là xã miền núi duy nhất của huyện Hoài Nhơn, đến nay xã Hoài Sơn cũng duy trì ngày hội VH-TT cấp xã lần thứ 3. Ngày hội được tổ chức lần đầu vào năm 2007. Đến ngày hội có khoảng 300-400 vận động viên, diễn viên quần chúng từ 12 thôn về vui chơi tranh tài. Ông Trương Quang Hồng, giáo viên Trường THCS Hoài Sơn, chia sẻ: “Ngoài ý nghĩa vui chơi giải trí, ngày hội VH-TT của xã còn thể hiện tính cộng đồng rất cao. Người dân tích cực tham gia vào đội thi đóng góp công sức, “tài lẻ”. Nhiều người sống ở xa cũng thu xếp công việc để về quê tham gia, đóng góp một phần kinh phí để ngày hội “xôm tụ” hơn”.
Cái khó “bó”... phong trào
Không có nguồn kinh phí tổ chức, cả 9 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Thạnh đều chưa tổ chức ngày hội VH-TT. Tìm hiểu tại huyện Phù Mỹ, ông Nguyễn Ngọc Đắc, Trưởng Phòng VH-TT huyện cho biết, thị trấn Bình Dương và xã Mỹ Trinh từng tổ chức ngày hội VH-TT song không đẩy thành định kỳ, các năm gần đây không tổ chức nữa. “Kinh phí tổ chức ngày hội cũng mất 30-40 triệu đồng, chỉ bằng nguồn xã hội hóa và huy động nhân dân. Với địa phương hoạt động xã hội hóa chưa mạnh như Phù Mỹ thì rất khó thành phong trào lan rộng và ổn định. Tác dụng nuôi dưỡng, kích thích sự phát triển VH-TT cơ sở, tạo đời sống văn nghệ, thể thao vui tươi lành mạnh; phát hiện hạt nhân… mà ngày hội mang lại là rất rõ ràng, song nếu không có nguồn hỗ trợ ban đầu làm tiền đề và hoạt động cũng không mang tính bắt buộc thì rất khó nhân rộng…”- ông Đắc phân tích.
Tại huyện Phù Cát, theo ông Lục Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT& TT huyện, chỉ có xã Cát Khánh là tổ chức được mô hình này gắn với dịp sinh hoạt văn hóa truyền thống của xã ven biển là lễ hội cầu ngư.
Một ví dụ về cách nuôi dưỡng phong trào VH-TT cơ sở khá hiệu quả của huyện An Lão - quán quân tại các kỳ lễ hội miền núi cấp tỉnh. Trước khi tham gia lễ hội miền núi cấp huyện và cấp tỉnh, các địa phương lần lượt tổ chức ngày hội cấp xã. Trong những dịp đó, cán bộ VH-TT của huyện luôn có mặt để hỗ trợ đồng thời “săn” vệ tinh. Nhờ vậy, lực lượng hạt nhân văn nghệ quần chúng và thể thao dân tộc truyền thống của huyện luôn hùng hậu, mang dấu ấn quần chúng.
Ở một khía cạnh khác, lãnh đạo ngành văn hóa các huyện đúc kết, một sân chơi VH-TT cấp cơ sở mang tính quy mô, đa dạng như ngày hội này, nếu địa phương tự tổ chức sẽ góp phần nâng cao ý thức xây dựng đời sống văn hóa của cán bộ và nhân dân. Đặc biệt, kỹ năng tổ chức, “lửa” phong trào của cán bộ chuyên trách VH-TT cũng được bồi đắp, góp phần nâng chất phong trào…
“Nếu có điều kiện duy trì tổ chức, ngày hội VH-TT cấp xã ngoài hiệu quả góp phần phát triển phong trào còn là bước chuẩn bị, tìm kiếm để xây dựng, bổ sung đội ngũ hạt nhân văn nghệ quần chúng, vận động viên để huyện tham gia 2 kỳ lễ hội miền núi và miền biển cấp tỉnh”.
Ông Lục Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT& TT huyện Phù Cát |
|