Tổ chức lễ hội vui xuân:
Cần thêm sự đổi mới
20:39', 28/12/ 2011 (GMT+7)

Việc các lễ hội vui xuân được tổ chức hàng năm có ý nghĩa thiết thực, tạo không khí tươi vui, thư giãn cho người dân. Ở Bình Định, tuy các lễ hội đã đáp ứng khá tốt điều này, nhưng thường vẫn chỉ quẩn quanh những hoạt động quen thuộc và đơn điệu. 

Mùa xuân đến cũng là lúc bắt đầu mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Trong dịp này, các địa phương trong tỉnh đều có những lễ hội truyền thống phục vụ người dân vui chơi, như: Lễ hội chợ Gò, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Gò Bồi (huyện Tuy Phước); Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (huyện Tây Sơn); Lễ hội Vía Bà (huyện An Nhơn); Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Đèo Nhông-Dương Liễu (huyện Phù Mỹ); Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Đồi 10 (huyện Hoài Nhơn)… Nhưng, các lễ hội mùa Xuân ở Bình Định trong những năm qua thường chỉ tổ chức những hoạt động quen thuộc, gây nên sự đơn điệu và nhàm chán. Vì thế, vấn đề đặt ra là cần làm tốt công tác tổ chức, nghiên cứu đổi mới hoạt động để nâng cao chất lượng và tạo sức cuốn hút đối với đông đảo người dân.

 

Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa hàng năm cần được nâng tầm tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc hơn. 

 

Ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tuy Phước, cho biết: “Nhờ dự án phục dựng của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Lễ hội chợ Gò năm ngoái lần đầu tiên có tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian của Bình Định, hiệu ứng rất tích cực, thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong hội chợ Gò năm nay, chúng tôi dự định sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này”. Việc chợ Gò được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam-Vietkings đề cử trong danh sách 100 phiên chợ độc đáo ở Việt Nam càng làm cho “chợ mỗi năm chỉ họp một lần” thêm nổi tiếng và đặc sắc hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện nâng tầm công tác tổ chức lễ hội chợ Gò phục vụ du lịch lên quy mô cấp tỉnh; đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của phiên chợ độc đáo này.

Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa từ lâu đã là một trong những lễ hội lớn và tiêu biểu nhất của tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, lễ hội này chỉ thực sự quy mô, sôi động vào những năm chẵn, kỷ niệm lớn; những năm lẻ thì chủ yếu là tổ chức phần lễ, còn phần hội là các hoạt động văn hóa, thể thao quen thuộc mang tính chất “phụ trợ”. Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Năm nay, trong Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, chúng tôi sẽ phối hợp Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức một số hoạt động tạo điểm nhấn tươi mới, như: triển lãm ảnh nghệ thuật, thi gói bánh ít để tạo sự sinh động hơn”.

Trong chuyến làm việc tại tỉnh Bình Định mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, đã đồng ý với đề xuất nâng tầm Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa để thu hút du khách. Đây là hướng đi đúng. Nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên bản sắc riêng cho Lễ hội Đống Đa chính là việc tổ chức các hoạt động phong phú và mang đậm bản sắc riêng. 

 

Hiệu ứng của việc tổ chức các hoạt động mới như Hội đánh bài chòi cổ dân gian ở Lễ hội chợ Gò Tết Tân Mão 2011 rất cao.

 

Những lễ hội lịch sử cách mạng cần được đầu tư nhiều hơn trong công tác tổ chức. Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Phù Mỹ, cũng khẳng định địa phương khó có thể tổ chức Lễ hội chiến thắng Đèo Nhông-Dương Liễu quy mô lớn hơn nếu không có sự hỗ trợ của tỉnh. “Trong lễ hội năm nay, chúng tôi đã mời các hội, đoàn thể cùng tham gia nhiều trò chơi dân gian như kéo co, đua xe đạp chậm, tải lương thực và đạn dược ra “chiến trường”… để tạo không khí đoàn kết, đông vui hơn”, ông Vinh cho biết thêm. Trong tương lai việc quy hoạch, nâng cấp các lễ hội lịch sử cách mạng như Lễ hội chiến thắng Đèo Nhông-Dương Liễu trở thành lễ hội cấp tỉnh là cần thiết để tôn vinh, thu hút thêm đông đảo mọi người tìm về với truyền thống lịch sử cách mạng.

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người đẹp đất Võ  (28/12/2011)
Nuôi dưỡng phong trào ở cơ sở  (26/12/2011)
Cần ưu tiên đầu tư quy hoạch tôn tạo  (26/12/2011)
Điện ảnh Việt năm 2011 - Vận đen hay bi kịch?  (26/12/2011)
Phận bạc  (24/12/2011)
Mùa gieo cải  (24/12/2011)
“Cô đào lẳng” tài hoa  (24/12/2011)
Đài PT-TH Bình Định đoạt Huy chương vàng phóng sự dài  (23/12/2011)
Khai trương phòng chiếu phim 3D  (22/12/2011)
Giai điệu Giáng sinh  (22/12/2011)
“Nhưng trái tim còn ấm tươi màu”  (22/12/2011)
Nhiều hoạt động mừng Xuân Nhâm Thìn 2012  (21/12/2011)
Những tồn tại ở Bảo tàng Quang Trung  (21/12/2011)
Nâng chất, nâng tầm  (21/12/2011)
Có một Tiểu Mục Đồng  (20/12/2011)