Đề nghị bài chòi Bình Định là DSVHPVT:
Con đường còn dài
22:33', 29/12/ 2011 (GMT+7)

Tỉnh Bình Định vừa đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét, trình các cấp có thẩm quyền đề nghị UNESC0 công nhận “Không gian văn hóa bài chòi Bình Định là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) của nhân loại”. Đây là điều không dễ vì để được như thế bài chòi Bình Định phải hướng đến mục tiêu rất cao.

 

Hội đánh bài chòi cổ dân gian ở Bình Định là nét độc đáo của bài chòi Bình Định đã được phục dựng.

 

Theo Giáo sư Trần Văn Khê, người đã có nhiều kinh nghiệm làm cố vấn thì việc lập hồ sơ đề cử DSVHPVT thế giới phải đáp ứng 4 điều kiện. Thứ nhất là bộ môn nghệ thuật được đề cử phải có bề dày lịch sử được giới thiệu bằng văn bản, căn cứ trên những bằng chứng, văn kiện sử liệu hay hiện vật. Thứ hai là bề sâu nghệ thuật của bộ môn, nét độc đáo so với các loại hình nghệ thuật trên thế giới. Thứ ba là tuy bộ môn nghệ thuật đó hay nhưng có nguy cơ tàn lụi, bị bỏ quên do kinh tế, thị hiếu, sinh hoạt thay đổi. Thứ tư là cần có sự quan tâm đồng bộ từ chính quyền đến nghệ nhân và quần chúng, muốn bảo tồn loại hình nghệ thuật này.

Do phải hội đủ nhiều điều kiện nên việc đề nghị vinh danh theo một khái niệm rất rộng lớn như “Không gian văn hóa bài chòi Bình Định” rất khó làm rõ một cách cụ thể, khoa học như yêu cầu. Thay vào đó, nên chăng cần cô đọng lại một nét độc đáo đặc trưng tiêu biểu nhất của bài chòi Bình Định để đề cử. Việc làm rõ bề dày và bề sâu lịch sử của bài chòi Bình Định một cách khoa học cũng là điều không đơn giản. Bởi nhìn nhận một cách khách quan, bài chòi Bình Định trong nhiều năm qua chỉ thực sự tập trung cho sân khấu ca kịch bài chòi, với sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo tồn và phát huy của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Còn cội nguồn của không gian văn hóa bài chòi Bình Định vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm mà mới chỉ có một số hoạt động đáng chú ý như thành lập CLB Bài chòi cổ dân gian Bình Định (năm 1998), phục dựng Hội đánh bài chòi cổ dân gian ở Bình Định (năm 2011) của Sở VH-TT&DL. Các tác phẩm nghiên cứu về bài chòi Bình Định cũng nhiều, nhưng bài bản và quy mô của một công trình khoa học cấp tỉnh thì cũng mới chỉ có đề tài khoa học “Sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi bài chòi dân gian cổ truyền Bình Định” của cố NSƯT Phan Ngạn.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo ra sự độc đáo riêng cho không gian văn hóa bài chòi Bình Định là phải khẳng định nghệ thuật bài chòi được ra đời từ mảnh đất Bình Định. Cho đến nay, sự khẳng định này chỉ mới dừng lại ở ý kiến còn ở dạng chung chung của một số nhà nghiên cứu (hầu hết đều là người Bình Định), chứ chưa có một công trình nghiên cứu khoa học cụ thể nào để chứng minh. Bài chòi có mặt ở nhiều tỉnh, thành khu vực Nam Trung Bộ, một số nhà nghiên cứu cũng đã khẳng định bài chòi ở một vài địa phương trong khu vực cũng có bề dày và bề sâu… Do đó, đề cử không gian văn hóa bài chòi Bình Định là kiệt tác DSVHPVT của nhân loại chắc chắn sẽ gặp nhiều ý kiến phản biện. 

Việc đề nghị tôn vinh bài chòi Bình Định ở tầm thế giới là một tín hiệu ban đầu đáng mừng cho sự bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Thế nhưng, đây là một con đường rất dài, cần phải nghiên cứu tìm ra hướng đi cụ thể, khoa học thì mới có thể hi vọng đến đích…

Tại Việt Nam hiện có 6 DSVHPVT thế giới đã được công nhận: Hát xoan là DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp (công nhận năm 2011). Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng ở Hà Nội là DSVHPVT đại diện của nhân loại (năm 2010). Ca trù là DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp (năm 2009). Dân ca Quan họ là DSVHPVT đại diện của nhân loại (năm 2009). Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và DSVHPVT thế giới (năm 2005), DSVHPVT đại diện của nhân loại (năm 2008). Nhã nhạc cung đình Huế là DSVHPVT thế giới (năm 2003), DSVHPVT đại diện của nhân loại (năm 2008).

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiến sĩ Đinh Bá Hòa (Bình Định) đạt giải Ba B  (29/12/2011)
Cần thêm sự đổi mới  (28/12/2011)
Người đẹp đất Võ  (28/12/2011)
Nuôi dưỡng phong trào ở cơ sở  (26/12/2011)
Cần ưu tiên đầu tư quy hoạch tôn tạo  (26/12/2011)
Điện ảnh Việt năm 2011 - Vận đen hay bi kịch?  (26/12/2011)
Phận bạc  (24/12/2011)
Mùa gieo cải  (24/12/2011)
“Cô đào lẳng” tài hoa  (24/12/2011)
Đài PT-TH Bình Định đoạt Huy chương vàng phóng sự dài  (23/12/2011)
Khai trương phòng chiếu phim 3D  (22/12/2011)
Giai điệu Giáng sinh  (22/12/2011)
“Nhưng trái tim còn ấm tươi màu”  (22/12/2011)
Nhiều hoạt động mừng Xuân Nhâm Thìn 2012  (21/12/2011)
Những tồn tại ở Bảo tàng Quang Trung  (21/12/2011)