Những môn thể thao và trò chơi dân gian đặc thù ở miền núi như: bắn nỏ, phóng lao, đẩy gậy, đi cà kheo..., khi phổ biến trong các trường dân tộc bán trú và nội trú, đã giúp học sinh gần gũi và gắn bó hơn với các loại hình văn hóa dân gian của dân tộc mình.
* Vui với đẩy gậy, đi cà kheo...…
Những ngày này, thầy và trò Trường PTDTNT tỉnh đang tất bật chuẩn bị cho các hoạt động chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đoàn. Thầy Nguyễn Văn Lập, Trưởng ban văn thể mỹ của Trường, cho biết: “Ngày 26.3 tới, Trường sẽ tổ chức đêm giao lưu văn hóa văn nghệ; trong đó, có các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, đập ấm. Các trò chơi này luôn thu hút nhiều học sinh tham gia chơi và cổ vũ. Thông qua các trò chơi, các em không chỉ khỏe mạnh, nhanh nhẹn mà còn đoàn kết, gắn bó với nhau hơn. Đặc biệt, các em tỏ ra tự tin ở những trò chơi đặc thù miền núi như đẩy gậy, đi cà kheo… Những ngày lễ, Tết, Trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi đấu thể thao và trò chơi dân gian để các em vui chơi. Nhiều năm nay, thế mạnh về thể thao của Trường là môn bắn nỏ. Lần nào tham dự Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, vận động viên của chúng tôi cũng đạt giải thưởng cao”.
|
Bắn nỏ là một trong những môn thể thao phổ biến trong các trường PTDTNT. Ảnh: Thu Hà |
Cũng có thế mạnh về bắn nỏ là Trường PTDTNT huyện Vĩnh Thạnh. Trường đã thành lập 2 đội tuyển ở hai khối THCS và THPT. Mỗi đội có khoảng 7-8 em. Nhiều thành viên trong hai đội này được Phòng GD-ĐT huyện chọn vào đội tuyển bắn nỏ của Phòng để tham dự các kỳ thi cấp huyện, tỉnh hoặc được Trường PTDTNT tỉnh chọn tham gia các Hội thi VH-TT các trường PTDTNT toàn quốc. Dịp 26.3 tới, Trường sẽ tổ chức cắm trại và tổ chức nhiều trò chơi dân gian.
* Chọn trò cho các em chơi
Bên cạnh việc dạy và học, việc nỗ lực tạo những sân chơi thể thao và phổ biến các trò chơi dân gian của các trường dân tộc bán trú và nội trú trong tỉnh là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, qua một cuộc khảo sát nhỏ tại 9/13 trường dân tộc nội trú trong toàn tỉnh, trừ ba môn thể thao bắn nỏ, phóng lao, đẩy gậy khá phổ biến, các trò chơi dân gian đặc trưng miền núi được đưa vào rất ít. Thầy Nguyễn Công Trường, cán bộ Phòng GD-ĐT huyện An Lão, cho rằng: “Để phổ biến và nhân rộng trò chơi dân gian các dân tộc trong tỉnh vào trường học, cần có sự nghiên cứu, sưu tầm và chọn lọc để đưa các loại hình phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Để làm được điều này, ngoài cố gắng của ngành giáo dục, có lẽ cần có sự hỗ trợ của ngành văn hóa. Mới tuần trước, tôi thấy học sinh của Trường PTDTNT An Lão chơi bắn bi 6 người một lúc. Thấy trò chơi rất thú vị, tôi hỏi các em về nguồn gốc và cách chơi, các em trả lời không hiểu rõ, chỉ thấy các bạn ở làng chơi sao thì bắt chước chơi vậy thôi. Thực tế lâu nay, các trò chơi dân gian ở trường đều do các em mang từ làng đến rồi cùng nhau chơi”.
Là những ngôi trường đặc thù dành cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số, ngoài việc dạy và học, quan tâm truyền đạt cho các em những kiến thức về văn hóa, giúp các em gần gũi và gắn bó hơn với các loại hình văn hóa dân gian của dân tộc mình là điều cần thiết. Nên chăng, trong thời gian tới, các ngành liên quan cần quan tâm nhiều hơn đến việc sưu tầm và đưa các trò chơi dân gian bổ ích, lý thú vào trường học. Tổ chức các cuộc thi trong trường, nếu có thể thì cùng giao lưu với các trường bạn, tạo những không gian, thời gian vui chơi lành mạnh; tiến tới đưa trò chơi dân gian trở thành một trong những cách giải trí hàng ngày của học sinh miền núi.
|