Bình Định điện tử ngày 23.7.2011, mục Văn hóa - Nghệ thuật, đăng bài “Nhong nhong nhong, ngựa ông đã về...” của tác giả Nguyễn Thanh Quang. Bài viết ca ngợi công đức của Khám lý - Cống quận công Trần Đức Hòa, bậc “khai quốc công thần” của nhà Nguyễn Gia Miêu. Những nội dung viết về Trần Đức Hòa, chúng tôi xin không bàn ở đây. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin trao đổi với tác giả Nguyễn Thanh Quang vấn đề liên quan đến đồng dao: “Nhong nhong nhong, ngựa ông đã về/ Cắt cỏ Bồ đề cho ngựa ông ăn”.
Theo tác giả Nguyễn Thanh Quang, câu đồng dao trên là nói về Khám lý phủ Quy Nhơn, Cống quận công Trần Đức Hòa (?). Tôi thấy băn khoăn, bởi lẽ, không rõ tác giả dựa trên nguồn sử liệu hay tư liệu nào mà lại khẳng định rằng câu đồng dao “Nhong nhong nhong, ngựa ông đã về/ Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn” là nói về Khám lý phủ Quy Nhơn, Cống quận công Trần Đức Hòa? Phải chăng tác giả đã dựa vào địa danh Bồ Đề rồi lấy câu đồng dao “Nhong nhong nhong, ngựa ông đã về…” để gán cho Trần Đức Hòa?
Theo tôi, từ xa xưa, câu đồng dao trên gắn liền với cuộc chiến đấu mưu trí, dũng mãnh của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi chỉ huy. Theo sử cũ, tháng 11.1426, Lê Lợi chuyển đại bản doanh từ Đông Phù Liệt sang bến Bồ Đề ở bờ Bắc sông Nhị (tức Gia Lâm, Hà Nội ngày nay) và dựng chòi cao để hàng ngày theo dõi quân địch ở trong thành. Cùng với kế “tâm công”, Lê Lợi còn cử các tướng giỏi trực tiếp chỉ huy vây hãm các cửa thành; có lần siết chặt vòng vây, nghĩa quân đã bắt được 3.000 quân lính, 500 voi ngựa. Liễu Thăng vừa vào Lạng Sơn đã bị vây hãm ở Chi Lăng rồi bị chém chết; Mộc Thạnh vừa đến Tuyên Quang, biết tin Liễu Thăng bị giết cũng vội vàng rút lui… Được tin thắng trận, người dân Bồ Đề đua nhau đem gạo, thịt đến đại bản doanh của nghĩa quân Lam Sơn khao quân. Nhiều người dân trong vùng đi cắt những gánh cỏ non cấp cho đoàn ngựa chiến…
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia xác định: Bồ Đề hiện nay là một phường thuộc quận Long Biên, TP Hà Nội. Sở dĩ gọi là “Bồ Đề” vì xa xưa trong làng có 2 cây bồ đề cao, nổi bật giữa những làng quê ven sông Hồng… Bồ Đề xưa cũng là tên một bến nước thuộc làng Phú Viên (tức Bồ Đề) ở ven sông Hồng về phía Gia Lâm. Cuối năm 1426, Lê Lợi đem quân từ Lam Sơn (Thanh Hóa) ra đánh quân Minh, đã đóng quân ở đây để vây thành Đông Quan. Ở đây, có 2 cây bồ đề lớn, doanh trại của Lê Lợi tại đây còn được gọi là “dinh Bồ Đề”. Cỏ Bồ Đề ở đây, là cỏ mọc ở vùng Bồ Đề.
Nhân đây, cũng xin nói thêm, nếu chỉ dựa vào địa danh Bồ Đề để gán câu đồng dao “Nhong, nhong, nhong…” vào nhân vật lịch sử thì nhiều khi trở nên ép uổng và có phần võ đoán. Bởi lẽ, không riêng Hoài Nhơn có địa danh Bồ Đề, mà một số địa phương khác cũng có địa danh này, đơn cử như: Chùa Bồ Đề ở quận Long Biên (Hà Nội), xã Bồ Đề thuộc huyện Bình Lục (Hà Nam), làng Bồ Đề thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), sông Bồ Đề chảy trên địa bàn xã Tam Giang, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau)… Ngay trên địa bàn tỉnh ta cũng còn một địa danh khác mang tên Bồ Đề là chùa Bồ Đề ở thôn Tài Lương, xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn)… Chỉ có điều, những cái tên Bồ Đề trên không liên quan gì đến câu chuyện “cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn” mà người dân Bồ Đề ở Gia Lâm xưa dành cho nghĩa quân Lam Sơn.
|