LTS: Sau khi đăng bài viết “Dự án tôn tạo đình Cẩm Thượng (Quy Nhơn): Liệu có… đem cổng chùa cắm trước đình? (báo Bình Định số ra ngày 11.7.2011), chúng tôi nhận được bài viết Cổng Tam quan đâu phải là riêng của chùa của tác giả Văn Công. Báo Bình Định đăng bài viết này để rộng đường dư luận.
Thực ra, về Tam quan có khá nhiều thuyết, nhiều cách hiểu và lý giải khác nhau. Phật giáo Thiền tông cho rằng, Tam quan là “Tam giải thoát môn” gồm cửa Không (còn gọi là Không môn, Không giải thoát môn); cửa Vô tác (còn gọi là Vô tác môn); cửa Vô tướng (còn gọi là Vô tướng môn). Cổng Tam quan chùa biểu tượng cho Tam Giải thoát môn để vào được Niết bàn. Do đó mà cổng chùa dù xây một cửa cũng vẫn gọi là Tam quan hay Tam môn.
|
Cổng đình làng Lệ Mật (Gia Lâm - Hà Nội) được xây dựng theo kiểu cổng Tam quan. |
Đối với cổng Tam quan chùa, trong 3 lối đi, thường thì cửa giữa lớn hơn hai cửa bên; vách cổng có thể là gỗ hay xây tường gạch hoặc đá; phía trên lợp mái; hai bên lối đi thường đắp câu đối, trán cửa ghi tên chùa… Tuy nhiên, không phải Tam quan chùa nào cũng giống nhau. Theo đó, có chùa dựng Tam quan bằng cách xây tường gạch (hoặc đá), nhưng có chùa lại xây theo kiểu tứ trụ. Nghĩa là, người ta dùng bốn trụ biểu, hai trụ giữa cao hơn hai trụ bên để chia thành ba lối đi; phía trên nối liền bốn trụ biểu là xà cách điệu làm trán cổng. Đơn cử như Tam quan chùa Quốc Ân (Huế). Trong khi đó, có chùa làm Tam quan với quy mô 2-3 tầng mái, hoặc xây cả gác bên trên (ví dụ như Tam quan chùa Thiên Mụ - Huế)… Không ít chùa lại không xây dựng Tam quan với 3 cửa, mà thực hiện “biến thể kiến trúc” khá đa dạng, phong phú. Chẳng hạn, cổng chùa Diệu Viên ở Huế, hay cổng chùa Thập Tháp (Bình Định) chỉ có một cửa; trong khi đó Tam quan của chùa Sét (Hà Nội), chùa Bối Khê (Thanh Oai - Hà Tây cũ) lại có tới 5 cửa. Và, điều cần lưu ý, cũng là chùa nhưng đối với các nước không thuộc Phật giáo Thiền tông thì không xây cổng Tam quan làm lối vào chùa…
Thực tế trong tiến trình lịch sử hàng ngàn năm, cổng Tam quan đã được “Việt hóa” và được áp dụng ở rất nhiều đền, đình, miếu, đạo quán, thánh thất, dinh thự, phủ, cổng thành và cả… trường học. Chỉ riêng ở đất nước ta cũng có thể thấy vô vàn đình, đền, miếu, thánh thất, dinh thự… có cổng được xây dựng theo lối Tam quan. Xin đơn cử một số cổng Tam quan của các công trình, di tích đã tồn tại bao đời nay trên đất nước ta, như: Đền Hùng (Phú Thọ); đền Bà Triệu (Thanh Hóa); đền Kiếp Bạc (Chí Linh - Hải Dương); đền Quan Thánh (Hà Nội); đền Trần (Bãi Sậy - Hưng Yên, thờ Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn)… Về đình thì đơn cử như Tam quan của các đình: Thổ Hà (Bắc Giang); Cổ Loa (Thanh Oai - Hà Nội); đình làng Lỗ Giang (Cẩm Lệ - Đà Nẵng); đình làng Khúc Thủy (Đông Anh - Hà Nội); đình làng Tri Thủy (Ninh Chữ - Ninh Thuận); đình làng Vạn Phúc (Hà Nội); đình làng So (Quốc Oai - Hà Tây cũ); đình làng Phú Nhi (Sơn Tây); đình làng Phú Hội (Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận); đình làng Mộ Trạch (Hải Dương); đình làng Lệ Mật (Gia Lâm - Hà Nội); đình làng Phước Hòa (Tam Kỳ - Quảng Nam)…
Như vậy, có thể thấy, cổng Tam quan không phải “của riêng chùa”, mà từ lâu đã được sử dụng đối với nhiều công trình kiến trúc đền, đình, miếu, dinh, thánh thất…
|