Quy hoạch để có bản đồ khảo cổ được xem là nhu cầu bức thiết, nhằm tránh tình trạng xâm hại di tích khảo cổ.
Bình Định là vùng đất có bề dày về lịch sử và văn hóa. Trên vùng đất này hội đủ các nền văn hóa khác nhau từ tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh, Đông Sơn, Champa… Tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa với mức cao đặt các địa chỉ khảo cổ vào tình trạng bị đe dọa.
|
Di tích khảo cổ Truông Xe bị xóa sổ bởi tình trạng khai thác cát…
- Trong ảnh: Khai quật khảo cổ học tại di tích Truông Xe. |
Nét chấm phá đầu tiên
Hiện nay, không chỉ gánh chịu tác động xấu từ môi trường, các di chỉ khảo cổ học còn bị nhu cầu phát triển kinh tế, xây dựng công trình phục vụ dân sinh, khu công nghiệp, quá trình đô thị hóa… xâm hại. Có thể kể đến câu chuyện của những hiện vật trống đồng “vô tình nhặt được” trong quá trình thi công công trình hồ thủy điện Định Bình, huyện Vĩnh Thạnh; Di tích cấp quốc gia gốm Gò Sành nằm gọn trong khu dân cư, sản xuất nông nghiệp của người dân thôn Phụ Quang, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn. Hay, di tích khảo cổ Truông Xe bị xóa sổ bởi việc khai thác cát…
Quy hoạch khảo cổ được xem là biện pháp an toàn tối ưu, tránh tình trạng địa chỉ khảo cổ bị “xóa sổ”. Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định: “Chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng công trình ở địa điểm thuộc quy hoạch khảo cổ học có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền về VH-TT&DL tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ học trước khi triển khai dự án và thực hiện việc giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình đó”.
Từ tháng 8.2010, nhóm nghiên cứu do TS Đinh Bá Hòa - Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung - Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội - phụ trách đã triển khai công tác khảo sát, chấm điểm tọa độ, tiến hành lập bản đồ khảo cổ học Bình Định. Địa bàn khảo sát là một số xã của 3 huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ và An Lão. Kết quả khảo sát cho thấy, tiềm năng nghiên cứu khảo cổ học và trữ lượng di tích, di vật khảo cổ học ở Bình Định rất lớn. Nhưng, các di tích khảo cổ trên và dưới mặt đất này đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy nhanh và mạnh bởi sự gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa.
|
Một số hiện vật gốm Gò Cây Me được người dân địa phương cất giữ trong quá trình phát lộ. |
Việc tiến hành khảo sát trên diện rộng từ phía Bắc tỉnh xuống phía Nam tỉnh, lập bản đồ khảo cổ học và “số hóa” để tra cứu, giúp các nhà quản lý có những quyết định trong việc phê duyệt quy hoạch các khu kinh tế trên từ địa phương là vấn đề cấp thiết. Theo PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, công tác quy hoạch khảo cổ tuy còn khá mới mẻ, nhưng lại là vấn đề rất quan trọng và cấp bách ở nước ta.
Còn nhiều băn khoăn
Khoản 1, Điều 37 của Luật Di sản văn hóa quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức việc lập quy hoạch khảo cổ ở địa phương; phê duyệt và công bố quy hoạch sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL”. |
Khi vấn đề quy hoạch, xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, công trình xây dựng… ngày một nhiều, khảo cổ học phải đi trước, nghĩa là thăm dò khảo cổ (và khai quật nếu cần) trước khi xây dựng công trình. Theo TS Đinh Bá Hòa, vài chục năm qua, công tác khảo sát, khai quật khảo cổ của tỉnh được quan tâm nhưng chủ yếu phục vụ cho mục đích nghiên cứu, còn khảo sát trên hệ thống để phục vụ cho việc quy hoạch, lập bản đồ khảo cổ vẫn chưa được tiến hành. “Công việc này chính thức được khởi động từ tháng 8.2010 và dự kiến Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sẽ tiến hành đợt khảo sát thứ 2 vào năm 2012. Theo đó, việc khảo sát, quy hoạch, xây dựng bản đồ khảo cổ học cho tỉnh sẽ được thực hiện dần hằng năm”, TS Đinh Bá Hòa cho biết.
Quy hoạch khảo cổ và xây dựng bản đồ khảo cổ học là công việc khó khăn, tốn kém, đòi hỏi tính chuyên môn cao. Trong khi đó, nguồn nhân lực của Bảo tàng không đảm bảo về chuyên môn, cần sự hỗ trợ của các chuyên gia về khảo cổ học. Mặt khác, với kinh phí hạn hẹp, tiến độ thực hiện “túc tắc” như vậy thì sản phẩm cuối cùng - bản đồ khảo cổ tỉnh Bình Định - là mục tiêu khó thành hiện thực trong tương lai gần!
|