Tinh thần trách nhiệm cao, góp công lớn trong việc giữ gìn các di tích, thu nhập thấp, công việc thầm lặng… là những phác thảo đầu tiên chân dung những người làm bảo vệ di tích.
Nhiều năm qua, du khách đến tham quan di tích Tử Cấm Thành của Thành Hoàng Đế đã quen thuộc hình ảnh người bảo vệ Trần Đức Tâm (69 tuổi, ở xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) hiền lành, nhiệt tình. Gắn bó với công việc bảo vệ di tích từ năm 2005 đến nay nhưng lương của ông Tâm cũng chỉ ngót 800 ngàn đồng/tháng. Ngoài việc túc trực ở di tích mỗi ngày để mở cửa đón tiếp du khách, ông Tâm luôn làm tốt việc dọn vệ sinh, phát quang cây cối trong khu vực rộng lớn của Tử Cấm Thành và trồng thêm một số loại cây để tạo cảnh quan đẹp hơn cho di tích.
|
Thu nhập thấp, công việc nhiều, nhưng anh Nguyễn Văn Dũng vẫn muốn gắn bó dài lâu với việc bảo vệ di tích tháp Bánh Ít. |
Khu di tích chưa có nhà bảo vệ, nên những đêm ngủ lại ông Tâm phải kê tạm chiếc giường xếp trong lầu Bát Giác ngay cạnh bàn thờ để tiện việc trông coi di tích. Ông tự làm một bản nhỏ ghi số điện thoại di động của mình treo ngoài cổng di tích để khách cần thì dễ bề liên lạc. “Nhiều bữa hết giờ làm việc về nhà chuẩn bị ăn cơm, nhưng có đoàn khách xa đến gọi điện thoại, tôi phải lật đật chạy ra mở cửa để họ vào tham quan”, ông Tâm cho biết.
5 giờ chiều. Tôi đến di tích tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) và ngạc nhiên khi thấy bảo vệ Nguyễn Văn Dũng vẫn vui vẻ ngồi ở nơi làm việc. Anh cười – Mình nán lại chờ cho khách tham quan xong mới về, lỡ họ cần mình giúp gì đó. Anh Dũng bảo nối nghiệp của cha từ hơn nửa năm nay. Anh tâm sự: “Tháp Bánh Ít gắn với nhiều kỉ niệm tuổi thơ tôi. Dù thu nhập thấp, công việc bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh ở một khu vực đồi dốc rộng lớn như tháp Bánh Ít là tương đối nặng, nhưng tôi vẫn muốn gắn bó dài lâu với công việc. Nói thì có người sẽ cho là tôi nói quá đi nhưng tôi muốn góp phần công sức nhỏ bé của mình cho quê hương”.
Nghe tin UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng công trình Cụm di tích tháp Bánh Ít, không chỉ giới chuyên môn mà cả bà con địa phương nơi có tháp cũng mừng vui và hy vọng sẽ có thêm nhiều du khách ở khắp mọi nơi đến tham quan di tích. Trong niềm vui của nhiều người, tôi tin phần của anh Dũng có lẽ nhiều gấp đôi người khác.
Ngoài hai di tích trên, trong những năm qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch và UBND các huyện, thành phố cũng đã hợp đồng người bảo vệ các di tích trọng điểm khác như: di tích tháp Bình Lâm, tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long, Thành Hoàng Đế, vụ thảm sát Gò Dài, Đền thờ Đào Duy Từ, Đền thờ Tăng Bạt Hổ, Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi, Lăng Mai Xuân Thưởng, Di tích Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu, vụ thảm sát Tân Giản, vụ thảm sát Ngã ba Đình… Bằng ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, những người bảo vệ di tích đang ngày đêm âm thầm gìn giữ vốn quý của dân tộc.
|