Hoài Ân là một trong những địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) phát triển mạnh; lan tỏa rộng và sâu trong đời sống nhân dân. Thế mạnh của VNQC ở Hoài Ân là hát dân ca, bài chòi, múa dân gian, biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
1. Nói về phong trào VNQC ở Hoài Ân, mọi người đều nhớ đến các xã mạnh về hát dân ca, bài chòi, múa dân gian như Ân Hảo, Ân Tường, Ân Tín, Ân Thạnh, Ân Phong, Ân Nghĩa… Nhiều giọng ca như Kim Thành, Quốc Trạng, Văn Thạch (Ân Hảo), Công Hậu (Ân Thạnh), Lan Anh (Ân Tường), Quốc Nam, Văn Thường (Ân Nghĩa)… mỗi khi cất lên những điệu xuân nữ, xàng xê, hồ quảng… đã làm say đắm lòng người. Và, cũng có nhiều nhà sáng tác không chuyên nhiệt tình viết kịch bản dân ca, viết lời mới cho những điệu lý, câu hò gắn với cuộc sống hiện tại, đã khẳng định tên tuổi trên sàn diễn sân khấu VNQC của huyện như Thành Phước, Việt Quốc (Ân Hảo), Thế Nhân (Ân Phong), Ngọc Thành (Ân Thạnh), Quốc Nam (Ân Nghĩa).
|
Tiết mục múa của Đội VNQC xã Ân Hảo Tây tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Hoài Ân tháng 12.2011. |
Những lần tổ chức hội thi, hội diễn do huyện hay các ngành tổ chức, người đến xem rất đông. Họ đến không chỉ để thưởng thức nghệ thuật mà còn để được nhìn thấy những diễn viên “cây nhà lá vườn”.
2.Thế mạnh ấy đã và đang phát huy mạnh mẽ trong phong trào VNQC ở Hoài Ân. Các hội thi “Đàn và hát dân ca”, “Hát ru”, “Cô và cháu hát dân ca”… do ngành VH-TT huyện phối hợp với nhiều ngành, đoàn thể trong huyện tổ chức, đã tạo sân chơi bổ ích, lôi cuốn nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn huyện vừa mới diễn ra trong tháng 12.2011, một lần nữa khẳng định sức sống của các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc của các vùng đất rất dồi dào. Trong 100 tiết mục của 16 đơn vị xã, thị trấn, cơ quan, trường học đem về Hội diễn, đã có hơn 60 tiết mục thể hiện các làn điệu dân ca, bài chòi, múa dân gian, biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, có nội dung sâu sắc, được chắt lọc và biểu diễn nhuần nhuyễn đã để lại trong lòng người xem nhiều ấn tượng đẹp. Như múa “Mừng hội” của thị trấn Tăng Bạt Hổ, “Vót chông giữ đất” của Chi cục thuế, “Giã gạo nuôi quân” của xã Ân Tín; kịch “Kỳ diệu lời hát ru” của thị trấn Tăng Bạt Hổ, “Khởi sắc làng nghề” của xã Ân Hảo Đông; hòa tấu nhạc cụ dân tộc của xã Bok Tới và một số tiết mục bài chòi, hát dân ca của xã Ân Phong, Ân Sơn...
3. Bây giờ, Hoài Ân đã xuất hiện một lớp trẻ biết hát dân ca, có giọng hô bài chòi mượt mà, như Quang Đức (Chi cục thuế), Kiều Lan (Ân Tường Đông), Quốc Long (Ân Hảo Tây), Kiều Hoa và Hồng Hạnh (Ân Hảo Đông)… Hay, một lớp tác giả không chuyên viết dân ca, đặt lời mới cho các điệu lý, câu hò có nội dung sâu sắc như Hồng Hải (Ân Hảo Đông), Công Phong (Chi cục thuế), Thành Phước (Ân Hảo Tây).
Nhiều cán bộ phụ trách VH-TT cơ sở đã biết xây dựng chương trình, chọn lọc và khai thác các làn điệu dân ca, dân vũ, cơ cấu vào chương trình hợp lý, tạo sự hấp dẫn của hội thi. Trong khi, một số đơn vị có phong trào mạnh lâu nay vẫn duy trì và luôn có một lớp trẻ kế thừa tốt như Trung tâm Y tế, Chi cục thuế, Phòng Giáo dục-Đào tạo. Nổi bật trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn huyện vừa qua là Đội VNQC Công an huyện lần đầu tham dự nhưng đã gây được ấn tượng đẹp bằng sự nhập vai của các diễn viên không chuyên trong vở kịch “Quê hương”. Còn Đội VNQC của các doanh nghiệp chợ Mộc Bài - tập trung chủ yếu là chị em làm thương nghiệp- cũng lôi cuốn người xem bằng một chương trình sôi động.
Phong trào VNQC có phát triển hay không, ngoài các hạt nhân phong trào, yếu tố then chốt có tính chất quyết định chính là sự tham gia ngày càng đông đảo, tích cực của các tầng lớp nhân dân. Nơi nào có sự quan tâm của các cấp chính quyền thì nơi đó phong trào VNQC đi lên. Hy vọng, đội ngũ làm công tác VH-TT ở cơ sở có trình độ chuyên môn, nhiệt tâm, biết tiếp thu vốn văn hóa dân gian sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực cho phong trào VNQC ở địa phương.
|