Má và chợ Chạp
21:16', 7/1/ 2012 (GMT+7)

Má nói ở ngoài quê, chợ quán cách nhà dăm ba cây số là bình thường. Đã vậy, chợ nhóm theo phiên và ai cũng biết, cũng nhớ. Nên chừng cần bán, mua hay nhà có công chuyện là cứ theo đó mà cắp rổ đi. Không phải hồi tết nhất, giỗ quẩy thì cũng mua chút đỉnh đồ dùng trong nhà như bút vở cho con cháu, cái tim đèn, đôi dép… thêm ít đồ ăn. Nhiều khi, vườn nhà có mớ ớt, luống rau, buồng chuối, dăm trái đu đủ, vài cái mướp hương… cũng đem ra chợ bán.

Người nhà quê khổ trăm bề. Khổ từ hồi xới đất vun luống hoa màu cho tới hồi ươm trồng, tưới tắm, chăm chút, được thứ nào ngon lành màu mỡ thì đem bán. Còn mấy thứ eo sèo, xấu xí thì để nhà ăn. Má nói vô trong thành phố, sống không đất, không sân trước, vườn sau vậy mà thiệt hay. Cứ cái thứ nào ngon là mình được hưởng. Rồi, một thành phố có tới mấy cái chợ, ngày nào cũng nhóm.

Má rất thích đi chợ. Ngày thường má đi chợ đã mấy lần huống hồ khi gần Tết. Má mới đem cá về dặn tôi nấu canh và kho. Nghe tôi hỏi: “Đồ nấu chua đâu, má?”. Miệng à quên và chân má quay lại chợ tức thì. Rồi nửa người đã bước vô nhà mới hay chưa mua ớt, lại đảo ra chợ ngay. Gần tới Tết khi đang chạp, má đi chợ ngày không biết bao lần mà kể. Má phải đi nhiều hơn ngày thường gấp nhiều lần, để sắm sanh cho gia đình, để lo mua đồ biếu tết.

Tháng Chạp, má đi chợ muốn say. Đi rồi về nhà ngồi tính toán. Đường cho ai, bột ngọt cho ai, rồi chai dầu ăn, ràng bánh tráng… Má đi chợ từ đầu tháng cho tới chạng vạng chiều ba mươi. Chạp, tôi có cảm giác má đi rũ cả chân. Thằng Út hay chọc “Đồ má đi cho “mỏng cơm” quá mà cứ cho hoài. Tết nào cũng cho…”. Má la “Đồ tao cho mỏng mà tấm lòng tao dày thôi chứ!”.

Chạp hồi trước, má đi chợ nhiều hơn tôi là cái chắc rồi. Nhiều lắm! Rồi ít dần, ít dần và thôi hẳn. Không đi chợ được, tới tháng Chạp, ngó má bần thần… Má chỉ còn biết nhắc con dâu mua sắm thứ này, thứ khác. Nhưng giờ má chỉ nhắc con dâu mua đồ cho nhà dùng chứ không hề nhắc mua đồ đi cho. Rồi, má có thêm niềm vui là chờ con dâu đi chợ Chạp về, để hỏi thăm. 

Năm ngoái, miền trung tơi tả theo bão theo lụt. Nhìn con dâu xắn quần lội nước trùm áo lướt thướt ở chợ về, má thở dài khan. Hỏi mưa vầy “nẫu” mua bán chắc ế ẩm há con? Hỏi chứ mấy người bán đồ trưng tết, ngồi thông thốc giữa trời. Không sạp không mái chắc ướt hết há con? Rồi hỏi cái bà già đổ bánh thuẩn gần hàng cá, con hay kể đó, lạnh lẽo vầy có đi bán được không? Má hỏi. Con trả lời. Nghe trong giọng hỏi và giọng đáp có quá nhiều âm chùng đục, nghèn nghẹn.

Và, tôi lặng người nhận ra cả má lẫn tôi đều rất ghiền chợ Chạp. Chợ. Vẫn chợ. Tôi thường đi. Nhưng Chạp trước, rồi là Chạp này, nghe lòng rưng rức. Bước chân giữa chợ lựng chựng và mắt cay xè. Giờ, chợ Chạp, những háo hức cũ đã đi đâu hết. Bởi, không còn nữa một người luôn chờ mình đi chợ về để hỏi đủ thứ chuyện trần ai trong chợ…

  • NGUYỄN MỸ NỮ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đến năm 2015, Quy Nhơn có từ 4 đến 6 vũ trường  (06/01/2012)
Lan tỏa rộng, sâu   (05/01/2012)
Chuyện về những người bảo vệ di tích  (04/01/2012)
Nghệ sĩ của những kỷ lục  (05/01/2012)
Thêm một di tích lịch sử cấp tỉnh được công nhận  (02/01/2012)
Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm di tích tháp Bánh Ít  (02/01/2012)
Mùa vàng nghiên cứu văn hóa dân gian   (02/01/2012)
“Bảo hiểm” cho di tích khảo cổ   (02/01/2012)
Nhạc sĩ Vũ Trung đoạt giải Ba Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2011   (02/01/2012)
Dạ hội Mừng Đảng, Mừng Xuân đón giao thừa Nhâm Thìn  (02/01/2012)
Khai mạc Festival Hoa Đà Lạt 2012  (01/01/2012)
Lễ công bố phát sóng truyền hình Bình Định trên vệ tinh VINASAT - 1   (30/12/2011)
Anh họ  (31/12/2011)
Con đường còn dài  (29/12/2011)
Tiến sĩ Đinh Bá Hòa (Bình Định) đạt giải Ba B  (29/12/2011)