Những năm qua, nhu cầu chép tranh ở Bình Định rất thưa thớt, thu nhập lại thấp nên không ít người quay ra làm panô quảng cáo hoặc kiêm thêm nghề làm non bộ. Chỉ còn mỗi Lê Sơn Tứ lấy chép tranh làm nghề cho thu nhập chính.
|
Họa sĩ Lê Sơn Tứ.
|
Lê Sơn Tứ thích vẽ từ nhỏ. Lớn lên, anh học nghề tại một số phòng tranh ở TP Quy Nhơn và Nha Trang (Khánh Hòa), học qua sách báo, bạn bè mà thành nghề.
1.
Chép giống y bức tranh thật chưa phải đã xong, cái chính là phải thể hiện được cái hồn của tác phẩm. Muốn làm tốt điều này, người chép tranh phải tìm tư liệu, thông tin về tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, để hiểu và cảm về tranh.
Hơn 30 năm cầm cọ, Lê Sơn Tứ đã nhân bản gần ba ngàn họa phẩm, chủ yếu bằng chất liệu sơn dầu trên vải bố. Dạo này, Lê Sơn Tứ chép rất nhiều tranh chân dung bằng chất liệu sơn dầu. Họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền bỏ nhỏ, tranh Lê Sơn Tứ chép thì không có gì phải chê, mỗi tội chờ hơi lâu. Hỏi Lê Sơn
Tứ thì anh cười phân bua: “Tính tôi làm khổ tôi thôi. Bình quân một bức tranh tôi phải chép một tuần, mười ngày mới xong. Nhiều lúc đơn hàng nhiều, cũng muốn chép cho nhanh, nhưng không làm được. Chép không vừa ý, tôi phải sửa đi sửa lại nhiều lần, đến khi thấy vừa mắt mới thôi!”.
2.
Trong khi nhiều người làm nghề chép tranh đã quay ra làm panô quảng cáo hoặc kiêm thêm nghề làm non bộ, thì Lê Sơn Tứ vẫn sống bằng nghề chép tranh. Cũng chính vì thế mà cuộc sống gia đình anh khá chật vật. Năm ngoái, ròng rã suốt 7 tháng trời, Lê Sơn Tứ thất nghiệp vì không có ai đến thuê chép tranh, đành phải đi vay để có tiền trang trải cuộc sống. Vài tháng nay, đơn hàng tấp nập, Lê Sơn Tứ phải khất khách hàng đến sau Tết.
|
Một tác phẩm của danh họa Renoir được Lê Sơn Tứ chép lại.
|
Mấy chục năm chép tranh, ngẫm lại Lê Sơn Tứ bảo làm nghề chép tranh phải chấp nhận nguyên tắc tranh phải đẹp, nhưng giá lại rẻ. Phải rất mê hội họa người ta mới thuê chép, gần như tất cả những người thuê chép đều không có điều kiện sở hữu tranh gốc. Nhưng họ khó tính và yêu cầu cao. Chép cho nhóm khách này dù sao cũng có chút vui vì họ lượng định được nỗ lực của mình. Một số khách hàng không quan tâm nhiều lắm đến chất lượng bản chép, chỉ cần giống là được. Họ, đôi khi không cần biết công sức người thợ đến đâu, hễ có giá là kỳ kèo bớt đi cho được. Vì mưu sinh phải chấp nhận họ chứ nhiều lúc thấy rất mệt.
Đến nhà Lê Sơn Tứ - trong một con hẻm sâu của khu vực 3, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn - thấy anh đang loay hoay bên cạnh một bức tranh cùng ngổn ngang sơn màu và đủ các cỡ cọ. Cầm một sấp ảnh mẫu khách đặt chép, hỏi anh có thấy nhàm chán, buồn tẻ khi cứ phải vẽ riết theo những đơn đặt hàng, Lê Sơn Tứ cười: “Một đơn đặt hàng đem đến cho tôi thu nhập, nhưng hơn hết là niềm vui được cầm cọ”.
Vợ làm ở Ga Diêu Trì ngày làm ngày nghỉ, ba đứa con nhỏ nheo nhóc, Lê Sơn Tứ “lãnh đủ” việc nhà và chăm sóc con cái. Anh bảo lúc túng quẫn, suy nghĩ đổi nghề cũng thoáng qua trong đầu, nhưng cũng chỉ dừng ở đó. Mê cầm cọ, Lê Sơn Tứ không nghĩ đến chuyện bỏ nghề chép tranh nữa.
Cũng như bao thợ chép tranh khác, Lê Sơn Tứ không xem nặng chuyện treo bảng hiệu. Trong góc phòng nhỏ, hàng ngày, anh lặng lẽ gửi niềm đam mê của mình. Có một dạo, anh cao hứng sáng tác tranh, tác phẩm được đánh giá cao và chọn treo tại một triển lãm tranh cấp tỉnh. Nhưng, cũng chỉ dừng ở đó. Lê Sơn Tứ quan niệm, người sáng tác tranh xem tranh là nơi đặt để khả năng, tâm hồn, chỉ khi có điều kiện vật chất tương đối thì anh mới nghĩ đến.
|