“Số điểm mai hoa thiên địa xuân”
21:16', 9/1/ 2012 (GMT+7)

“Số điểm mai hoa thiên địa xuân” (tạm dịch: hoa mai điểm nở, cả đất trời vào xuân) - xin được mượn ý thơ trong bài “Mai hoa thi” nổi tiếng - tương truyền do Thiệu Ung, đời nhà Tống, Trung Quốc sáng tác, để nói đến cuộc trình diện và hội ngộ của mai xuân Bình Định tết này. Hội thi mai xuân nghệ thuật lần II do Hội Sinh vật cảnh TP Quy Nhơn tổ chức, sắp diễn ra những ngày cuối tháng Chạp…

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Hội Sinh vật cảnh TP Quy Nhơn tổ chức Hội thi mai xuân mừng tết. Hội thi lần này mở rộng thành phần tham gia là hội viên, người trồng mai, chơi mai ở Quy Nhơn và nghệ nhân các huyện trong tỉnh.

 

“Tổ chức hội thi này, đó là cách chúng tôi để cho cái đẹp đi tìm sự cộng hưởng, để nhân cái đẹp hơn lên”- Chi hội trưởng Chi hội mai nghệ thuật TP Quy Nhơn Huỳnh Đông Dương nói.

 

mai xuân hội ngộ

Theo ông Huỳnh Đông Dương, Chi hội trưởng Chi hội mai nghệ thuật, Hội Sinh vật cảnh TP Quy Nhơn, tránh tình trạng một số người tham gia lợi dụng hội thi làm nơi giới thiệu và bán mai, Ban tổ chức hội thi quy định mỗi cá nhân, đơn vị được tham gia tối đa 15 tác phẩm. Mai dự thi, trưng bày triển lãm phải đạt các yêu cầu về chất lượng. Điểm mới tại Hội thi năm nay là tác phẩm mai được phân ra 3 kích cỡ: tiểu, trung, đại; cơ cấu giải thưởng cũng được trao cho từng loại. Mai dự thi không được có tên của chủ nhân, mà chỉ đánh số thứ tự và giám khảo là người thưởng ngoạn.

Nghệ nhân Nguyễn Quý, hội viên Chi hội mai nghệ thuật TP Quy Nhơn sở hữu vườn mai trên 200 chậu. Đến thăm vườn mai gặp lúc anh đang mải mê ngắm 4 chậu mai bộ Tứ linh sẽ tham gia hội thi. Anh Quý chia sẻ: “Cứ đà nắng ấm thế này thì mấy trăm chậu mai vườn nhà tôi sẽ bung nụ đúng tết. Ngay cả không được giá, xuất vườn chậu nào thì mai nở đúng tết với người trồng mai đã là hạnh phúc. Tôi đã nhắm bộ mai Tứ linh để tham gia hội thi từ đầu năm, nên đổ công chăm sóc rất nhiều; búp mai to, khỏe, chi chít thân, chắc chắn sẽ trổ hoa đúng hẹn, lượng hoa dày và đẹp!”.

Trong giới trồng và kinh doanh mai ở Quy Nhơn, Hồ Tiến Dũng là gương mặt khá trẻ. Năm nay 34 tuổi, anh Dũng đã có thâm niên gần 10 năm “nuôi” mai. Tại Hội thi mai xuân năm 2011, một trong hai chậu mai mini anh Dũng tham gia đã đoạt giải Ba. Ngoài ra, chậu mai quý này còn nhận được hai giải thưởng khá ấn tượng là: giải Nhất Hội mai xuân tỉnh năm 2003 và giải Nhất mai bonsai tại Festival hoa Đà Lạt năm 2005.

“Hội thi mai xuân năm nay, tôi góp chút hương sắc cho xuân 2 gốc mai cỡ đại và 4 chậu mai tiểu. Người trồng mai chúng tôi hiểu rằng cây mai mất “ngai” trên thị trường cây cảnh vài năm gần đây; thay vào đó là sanh, lộc vừng và những cây cảnh cỡ đại bạc tỉ. Tuy nhiên, người trồng mai, chơi mai đều tin, vẻ đẹp của mai vẫn luôn chiếm vị trí nhất định trong lòng người thưởng ngoạn, đặc biệt trong những dịp Tết đến Xuân về”, anh Dũng tâm sự.

Sự cộng hưởng của cái đẹp

Được tham quan nhiều vườn mai, ngắm cả ngàn gốc mai ken đặc búp xanh, đặc biệt không thể cưỡng lại sức hút của những cây mai “tuyển” chuẩn bị tham dự hội thi mai đẹp - có thể thấy mai kiểng dáng thế bonsai đa dạng đang được ưa chuộng, thay cho dáng trực truyền thống. Anh Quý chia sẻ: “Vẻ đẹp của mai không chỉ căn cứ vào yếu tố hoa đẹp, mà bộ rễ, gốc, dáng thế… ngày càng được đề cao”. 

Hội thi mai xuân nghệ thuật lần II sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 28 tháng Chạp, ở phía Bắc Quảng trường trung tâm TP Quy Nhơn. Ngoài ý nghĩa tạo không gian văn hóa thưởng hoa, du xuân cho người dân, hội thi cũng là dịp tôn vinh giá trị tinh thần cây hoa mai và những người trồng mai đã có công chăm sóc, phát triển một loài hoa truyền thống có giá trị văn hóa lâu đời.

Trừ mai tứ quý cho hoa quanh năm bốn mùa, các loại mai còn lại thay lá một lần trong năm và nở hoa vào mùa xuân. Hoa mai vẫn được xem là loài hoa đặc trưng nhất của mùa xuân. Để mai khoe sắc đúng dịp Tết, người trồng mai phải rất nhọc công. Bởi thế, từng gốc mai mang đến hội thi mai xuân, trình làng trước đông đảo khách thưởng ngoạn, chứa đựng tấm lòng chia sẻ sở thích ngắm hoa, thưởng mai của người trồng mai. Đó chính là mục đích, ý nghĩa lớn nhất của hội thi mai xuân mà những người tổ chức tâm huyết muốn duy trì thành hoạt động thường niên vào mỗi dịp tết đến.

Trong suốt một năm dài, mai chỉ một lần khoe vẻ đẹp vào dịp xuân đến. Một cây mai đẹp thể hiện óc sáng tạo, thẩm mỹ và tài nghệ, kinh nghiệm trồng mai, chăm mai của chủ nhân. Có thể thấy nỗi khao khát chia sẻ cái đẹp rất đáng nhận được hồi đáp, thưởng lãm. “Những gốc mai mang dự thi, dù người xem thưởng lãm theo cách nào cũng đã là hạnh phúc của người trồng mai, chơi mai. Tổ chức hội mai xuân là cách để chúng tôi tìm sự cộng hưởng cho cái đẹp, để nhân cái đẹp hơn lên”, anh Dương chia sẻ.  

  • SAO LY
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoàng Thùy trở thành Viet Nam’s Next Top Model  (09/01/2012)
Lời thì thầm trong đêm  (08/01/2012)
Lặng lẽ Lê Sơn Tứ  (07/01/2012)
Má và chợ Chạp  (07/01/2012)
Đến năm 2015, Quy Nhơn có từ 4 đến 6 vũ trường  (06/01/2012)
Lan tỏa rộng, sâu   (05/01/2012)
Chuyện về những người bảo vệ di tích  (04/01/2012)
Nghệ sĩ của những kỷ lục  (05/01/2012)
Thêm một di tích lịch sử cấp tỉnh được công nhận  (02/01/2012)
Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm di tích tháp Bánh Ít  (02/01/2012)
Mùa vàng nghiên cứu văn hóa dân gian   (02/01/2012)
“Bảo hiểm” cho di tích khảo cổ   (02/01/2012)
Nhạc sĩ Vũ Trung đoạt giải Ba Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2011   (02/01/2012)
Dạ hội Mừng Đảng, Mừng Xuân đón giao thừa Nhâm Thìn  (02/01/2012)
Khai mạc Festival Hoa Đà Lạt 2012  (01/01/2012)