Tiếp nối thành công của Dự án Bảo tồn Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định, Tết Nhâm Thìn 2012, Hội đánh bài chòi cổ dân gian tiếp tục được tổ chức trong tỉnh và “hành phương Bắc” biểu diễn tại thủ đô Hà Nội.
Hội đánh bài chòi Tết
Hội đánh bài chòi cổ dân gian tại Chợ Gò, Tuy Phước Tết Tân Mão 2011 đã trở thành một “thỏi nam châm văn hóa” thu hút người dân tỉnh nhà. Từ thành công đó, ngành văn hóa tỉnh chủ trương nhân rộng Hội đánh bài chòi cổ ra nhiều địa phương, để loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc này lan tỏa sâu, rộng hơn nữa. Đợt tập huấn Hội đánh bài chòi cổ cuối tháng 11.2011 đã quy tụ 24 nghệ nhân, cán bộ văn hóa ở 7 huyện, thành phố trong tỉnh tham gia. Các học viên được hướng dẫn hô bài chòi, kỹ năng khai hội, kết thúc hội, chạy hiệu, cách dựng chòi… để có thể chủ động tổ chức Hội tại mỗi địa phương.
|
Tập hợp được đội ngũ nghệ nhân vững chuyên môn, giàu tâm huyết sẽ góp phần làm nên thành công của chuyến lưu diễn tại Hà Nội của Đoàn bài chòi cổ Bình Định. |
Sau đợt tập huấn, Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn quyết định tổ chức Hội đánh bài chòi cổ, xem đây là hoạt động “đinh” của Trung tâm trong dịp Tết này. Một số cán bộ, nhân viên của Trung tâm như nghệ sĩ Hoàng Việt, Quý Nhất… vốn am hiểu về nghệ thuật bài chòi cổ, tiếp thu nội dung tập huấn hội đánh bài chòi rất nhanh, cộng với lợi thế về lực lượng biểu diễn đông đảo đã giúp Ban tổ chức nhanh chóng triển khai hội. Ông Lê Chí Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, cho biết: “Kinh phí để tổ chức Hội đánh bài chòi khá lớn, nhiều công đoạn chuẩn bị tỉ mỉ, công phu nhưng hiểu được ý nghĩa và tính thu hút của loại hình này nên Trung tâm quyết tâm thực hiện”.
Hội đánh bài chòi cổ tại TP Quy Nhơn sẽ diễn ra từ ngày mồng 2 đến mồng 6 Tết, tại Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Từ ngày 21, 22 tháng Chạp, Trung tâm đã cho dựng chòi, trang trí không gian hội rực rỡ bằng hình ảnh 27 con bài, cờ hội… “Trung tâm chủ trương tổ chức, bài trí không gian hội sớm để tạo ấn tượng trực quan và thu hút sự quan tâm, chú ý của người dân. Còn cả tuần nữa mới khai hội nhưng không khí đã náo nức lắm, có khá đông người dân, bạn trẻ đến tham quan chòi, tìm hiểu về nghệ thuật đánh bài chòi cổ”, anh Hoàng Việt, cán bộ Trung tâm cho biết.
Trong khi đó, người dân Tuy Phước đang tiếc hùi hụi vì Hội chợ Gò tết này vắng trò chơi đánh bài chòi. Đã từng trải nghiệm không khí hội đánh bài chòi, người dân Tuy Phước không thể quên sức hấp dẫn mà trò chơi đặc sắc này mang lại.
Hội bài chòi diễn ra vào dịp Tết cổ truyền không chỉ là sinh hoạt cộng đồng vui tươi lành mạnh mà những câu thai dí dỏm còn mang tính giáo dục thẩm mỹ thâm thúy. Chung điều kiện kinh phí hạn hẹp và thiếu sự chủ động, các huyện có cử học viên tham gia tập huấn như Phù Cát, Tây Sơn… cũng không tổ chức được Hội đánh bài chòi cổ trong dịp Tết này trên địa bàn huyện, đây là điều rất đáng tiếc!
“Hành phương Bắc”
Thành công của Dự án Bảo tồn Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định đã mang lại kết quả ngoài mong đợi khi hội đánh bài chòi - một trò chơi dân gian, một hình thức diễn xướng dân gian đặc sắc của Bình Định - đã được phục dựng nguyên gốc và được biểu diễn ở nhiều địa phương trong tỉnh, thu hút nhiều người dân tham gia. Hơn nữa, nét đặc sắc của nghệ thuật bài chòi cổ Bình Định còn tạo được sự chú ý của giới nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Kết quả là nghệ nhân bài chòi cổ Minh Đức cùng 3 nhạc công về bài chòi cổ của Bình Định được Học viện Âm nhạc Huế mời ra biểu diễn trong Hội thảo quốc tế về đào tạo chuyên ngành Âm nhạc dân tộc, diễn ra vào nửa tháng 12.2011.
Nhận lời mời của Bộ VH,TT&DL, Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Sở VH,TT&DL Hà Nội, Đoàn bài chòi cổ Bình Định sẽ lên đường ra thủ đô Hà Nội để tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian tại Khu tưởng niệm nghĩa binh Tây Sơn (chùa Kim Sơn, quận Ba Đình, Hà Nội), Tết này. Đoàn đi gồm 17 người, trong đó 3 nhạc công (1 trống, 1 nhị kèn, 1 nhị hai), 7 nghệ nhân, diễn viên (Nguyễn Thị Minh Đức, Lâm Tới, Minh Tuấn, Nguyễn Phú, Hoàng Yến, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Hồng Loan), bộ phận kỹ thuật, hậu cần… do ông Nguyễn An Pha, nguyên Phó giám đốc Sở VH,TT&DL phụ trách nghệ thuật, điều hành Hội. Theo kế hoạch, Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định tại Hà Nội sẽ diễn ra từ mồng 5 đến mồng 8 tháng Giêng. Ngoài tổ chức Hội đánh bài chòi, các nghệ nhân sẽ giới thiệu đến khán giả thủ đô một số trích đoạn bài chòi cổ.
Theo Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Trung tâm cùng với Sở VH,TT&DL Hà Nội sẽ hỗ trợ mọi điều kiện để Đoàn bài chòi cổ Bình Định biểu diễn thuận lợi. Ngày 21.1, Trung tâm và Sở VH,TT&DL Hà Nội tổ chức họp báo, tuyên truyền về hoạt động này. Cũng theo Giáo sư Hoàng Chương, việc phục dựng hoàn chỉnh, nguyên gốc Hội đánh bài chòi cổ dân gian được xem là thành quả của ngành văn hóa Bình Định trong bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.
Tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định ngoài tỉnh là hoạt động tích cực quảng bá di sản bài chòi Bình Định. Đợt “ra mắt” quan trọng của bài chòi Bình Định tại thủ đô Hà Nội sẽ tác động không nhỏ tới chủ trương, hành trình đưa không gian văn hóa bài chòi Bình Định trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Do vậy, công tác chuẩn bị cần kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng nghệ thuật cũng như thành công chung của chương trình. Trong đó các anh hiệu, chị hiệu đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Nghệ nhân Minh Đức tâm sự: “Nhiều thành viên trong Đoàn là nghệ nhân, diễn viên không chuyên hoạt động tự do ở cơ sở, việc biểu diễn xa nhà, xuyên Tết còn mới mẻ… Tất cả bận bịu riêng tư đều gác lại, chúng tôi sẵn lòng hy sinh một cái Tết đoàn viên vì những mùa xuân của văn hóa truyền thống tỉnh nhà”.
|