Bộ sưu tập chóp tháp Chăm phong phú nhất Việt Nam
20:16', 18/1/ 2012 (GMT+7)

Trong kiến trúc các tháp Chăm, ngoài tượng, phù điêu còn có một chi tiết cực kỳ quan trọng là đỉnh chóp tháp. Bộ sưu tập chóp tháp Bình Định đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh được xem là bộ sưu tập phong phú nhất ở Việt Nam hiện nay.

Ngoại trừ các tháp Chăm còn nguyên như tháp Nhạn (Phú Yên), tháp Pônaga (Nha Trang), tháp PôKlông Gia Rai (Ninh Thuận)… hầu hết các tháp Chăm còn lại đã bị mất phần đỉnh tháp. Tháp Chăm Bình Định cũng nằm trong tình trạng này, trừ tháp Dương Long. Do đó, một số người nghĩ rằng, tháp Chăm vốn dĩ không có đỉnh tháp…

 
Chóp tháp Đôi trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.   Ảnh: HOÀI THU
 

Thời gian qua, một số chóp tháp Chăm Bình Định được tìm thấy và lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Trong đó, chóp tháp Dương Long (Tây Sơn) có đường kính đáy 3m là loại chóp tháp kiểu tầng đẹp và lớn nhất hiện nay. Một phần của đỉnh tháp phía nam khu tháp Dương Long có hình dáng phía dưới tròn, chung quanh là những lớp cánh sen nhiều lớp, cánh của một đóa hoa sen đang nở. Năm 2006, trong khi khai quật tháp Dương Long, các nhà chuyên môn còn tìm thấy một đỉnh tháp của tháp Dương Long bao gồm nhụy bên trong và đài hoa bên ngoài.

Chóp tháp Đôi (Quy Nhơn) được phát hiện trong khi đào lấy đất gia cố trùng tu móng tháp vào năm 1991, ngoài đỉnh chóp tháp còn phát hiện được trụ minh văn, phù điêu người múa và một vài chi tiết rắn Naga.

Ngoài các đỉnh chóp tháp nói trên, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh còn đang lưu giữ một số đỉnh chóp tháp Chăm chưa xác định được địa chỉ cụ thể. Đó là một phần nhọn cuối cùng của đỉnh tháp, được Bảo tàng Quang Trung giao lại, có hình dáng cân đối, đỉnh tạo các gờ gồm 8 cánh úp vào bên trong tạo hình chóp nhọn, đáy hình bát giác, quanh thân tạo các cánh sen nhỏ. Một chóp tháp khác được phát hiện ngẫu nhiên tại một phế tích thuộc Thành Cha (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) có hình dáng nhỏ, đáy vuông, đỉnh tạo thành 8 cánh úp vào bên trong hình chóp nhọn, quanh thân tạo 8 cánh sen úp. Chóp tháp nữa do Bảo tàng Quang Trung giao lại, có đế vuông tạo thành 4 múi úp vào bên trong giống hình búp sen. Hay, chóp tháp được phát hiện khi lấy đất xây dựng tại một phế tích tháp Chàm tại thôn Xuân Mỹ (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) có hình dáng truyền thống, đế vuông, đỉnh nhọn, kích thước  khá lớn, quanh thân tạo 8 cánh sen mở.

Cuộc khai quật di tích tháp Mẫm trong năm 2011 đã tìm thấy 4 chóp tháp loại tháp nhỏ, đưa tổng số sưu tập chóp tháp của Bình Định lên 11 chóp tháp.   

 
Chóp tháp Dương Long trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Ảnh: HOÀI THU
 

Những chóp tháp nói trên đã góp phần làm phong phú bộ sưu tập điêu khắc Chăm ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, đồng thời khẳng định trong kiến trúc tháp có chi tiết đỉnh chóp tháp. Về thẩm mỹ, chóp tháp là một phần chi tiết trang trí rất quan trọng của tháp Chăm. Phân tích về tính đăng đối, nếu tháp Chăm không có chi tiết này thì tháp sẽ mất đi sự hoàn hảo trong kiến trúc, nên bất cứ tháp nào dù là Phật Giáo hay Hindu giáo kết thúc của tháp bao giờ cũng dồn về đỉnh.

Về chất liệu, tất cả các chóp tháp đều được chế tác bằng đá sa thạch. Nhưng, bộ sưu tập chóp tháp Chăm của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho thấy, người Chăm còn dùng cả đá hoa cương. Đây là vật liệu cứng, khó chế tác, nhưng dưới bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ điêu khắc Chăm, đã để lại những kiệt tác có một không hai trong điêu khắc, mà chóp tháp được phát hiện ở xã Phước Hiệp, Tuy Phước là một ví dụ.

Với người Chăm, tín ngưỡng Tháp là biểu tượng của núi Mêru thần thoại, mỗi tầng tháp như vậy là nơi trú ngụ ứng với một vị thần nhất định, đỉnh tháp là nơi cao nhất trong kiến trúc, cũng là nơi trú ngụ của vị thần tối thượng của người Chăm là thần Siva. Vì vậy, chóp tháp vừa là vật trang trí vừa là biểu tượng trong tín ngưỡng của người Chăm.

  • ĐINH BÁ HÒA
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chơi hội ngày Tết  (18/01/2012)
Đa dạng chương trình Tết trên truyền hình  (18/01/2012)
Nghệ sĩ “chạy sô” tết   (16/01/2012)
Tết này... xem Hội bài chòi  (16/01/2012)
Vách ngăn với Thiên đường là gì?   (14/01/2012)
Vẽ hình của Tết   (14/01/2012)
“Vẫn hướng bình minh ấm nắng trời”   (14/01/2012)
Nhiều hoạt động VHVN, TDTT mừng Xuân Nhâm Thìn 2012  (14/01/2012)
Khai mạc Hội Báo Xuân Nhâm Thìn  (13/01/2012)
Sẽ có 150 lô bán hoa   (12/01/2012)
Tiếp tục trùng tu, tôn tạo tháp Dương Long  (13/01/2012)
Phổ cập thông tin hiệu quả   (12/01/2012)
Nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân  (11/01/2012)
Chuyện kinh doanh karaoke  (11/01/2012)
Đôi điều về âm nhạc học đường  (09/01/2012)