|
Nhà thơ Văn Trọng Hùng |
“Ở Côn Sơn đêm ấy vẫn lặng yên
Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách
Về khuya mưa như trút nước
Lê Lợi đến thăm
Nguyễn Trãi đã đi nằm”
(Đêm ấy ở Côn Sơn)
Tôi đọc những câu thơ kín đáo này mà chợt giật mình: hóa ra, nhiều khi “đi nằm” cũng là một thông điệp, một cảnh cáo. Nguyễn Trãi không chỉ là một nhà thơ lớn, ông còn là một nhà văn hóa lớn. Vì thế, những xử sự của ông có thể rất nhẹ nhàng nhưng đầy ẩn ý.
Tôi đã nghĩ vậy, rồi sực nhớ ra, mình đang đọc thơ Văn Trọng Hùng chứ chưa, và chắc là không, có hân hạnh được tiếp xúc trực tiếp với Nguyễn Trãi. Đọc những câu thơ của một thi sĩ hậu bối viết về Nguyễn Trãi mà cứ như mình đang diện kiến với Người, thật thú vị!
Văn Trọng Hùng chủ yếu viết kịch bản, anh rất khảnh khi làm thơ. Nhưng tôi xin bảo đảm, tất cả những kịch bản có chất lượng nhất của nhà viết kịch Văn Trọng Hùng sở dĩ có được, là nhờ tác giả của nó… làm thơ.
Nói như thế không phải để đề cao thơ, mà thực ra, thơ hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh như vậy. Nói như thế vì từ căn cốt, thơ luôn tạo cho người làm thơ những “vùng sinh quyển văn học” có độ phủ sóng rất rộng, giúp cho người làm thơ, sau khi có được những bài thơ hay, sẽ tiếp tục có được những tác phẩm khác có chất lượng, nếu họ muốn với ra, ngoài thơ. Nhất là kịch, loại hình văn học gần với thơ nhất.
Hiện tượng nhà thơ Lưu Quang Vũ, sau khi đã thành danh với thơ, đã xuất hiện như một “ngôi sao lạ” trên sân khấu kịch, là hiện tượng minh chứng khả năng sinh tạo của thơ cho những vùng văn học khác.
Nhưng với Văn Trọng Hùng, lại có điều đáng nói này, là sau khi thơ anh giúp anh đi vững vàng vào lĩnh vực sân khấu, thì ngược lại, chính sân khấu đã tác động ngược lại thơ anh rất đậm. Nhiều bài thơ của Văn Trọng Hùng trong tập thơ “Hầu chuyện tiền nhân” này có cấu trúc một màn kịch, thậm chí một vở kịch, dĩ nhiên là đã được ‘cô đặc” đúng như tính cách của thơ. Xin trích nguyên một bài thơ của Văn Trọng Hùng để thấy kịch đã thẩm thấu vào thơ như thế nào:
Gả con cho Trọng Thủy là cha
Hẹn hò với Trọng Thủy cũng từ cha
Vì cha không nói với con người con yêu là giặc
Người yêu nào khi chia xa mà chẳng hẹn ngày gặp mặt
Nên những chiếc lông ngỗng kia mới có ở dọc đường
Vậy mà, chẳng chút tiếc thương
Cha nỡ chém con không một lời giải thích!
Con không sợ chết
Chỉ buồn vì phải chết dưới gươm cha
Chỉ buồn vì nước mất và kẻ phụ tình ta!
Con không trách cha
Dẫu là vua, cha cũng chỉ người trần mắt thịt
Kẻ đáng trách là thần Kim Qui
Đã tặng nỏ thần cho cha, sao không giúp cha cách gìn giữ nó
Lại bảo con là giặc!
Con hóa ngọc trắng trong mà oan nghiệt
Cha ơi, con không cần người đời khen, chê, xót xa, thương tiếc
Chỉ muốn là Mỵ Châu thưở trước
Mỵ Châu bé bỏng của cha
Mỵ Châu chưa gặp Trọng Thủy bao giờ!
(Lời Mỵ Châu)
Có thể nhìn lịch sử từ nhiều góc độ khác nhau, nhất là với một sự kiện lịch sử phức tạp đa chiều như “cái chết của Mỵ Châu”. Nhưng tôi có cảm giác, cách lý giải “vụ Mỵ Châu” theo kiểu Văn Trọng Hùng là thấu tình đạt lý nhất.
Cả bài thơ như một độc thoại kịch, đúng hơn, như một vở kịch chỉ có một nhân vật-là Mỵ Châu. Nhưng qua lời trần tình của Mỵ Châu, từng lớp lang của một cấu trúc kịch hiện lên, và người ta có thể đọc hay xem nó theo kiểu “liên văn bản”, từ điểm kết nối này đi tới mối manh khác, từ nhân vật này hiểu ra người ngợm kia, thậm chí từ cấu trúc này có thể tưởng tượng ra những cấu trúc khác, từ cái kết này dẫn tới những cái kết khác. Đó là kịch theo trường phái Bertolt Brecht mà có lẽ Văn Trọng Hùng đã từng đọc tác phẩm của kịch tác gia Đức này-cũng là một nhà thơ lừng danh-và ngẫm ngợi, uẩn súc cho mình.
Thơ và kịch rất có duyên với nhau, là vậy. Tôi đoán, dường như trước hay sau khi viết một vở kịch lịch sử về một nhân vật lịch sử nào đó, Văn Trọng Hùng lại viết được một bài thơ cũng về đề tài đó. Anh không hề lẫn lộn giữa thơ với kịch, nhưng rõ ràng kịch và thơ ở anh đã có những tác động qua lại với nhau không một chút tình cờ.
Vậy thì, phải chăng, những vở kịch của Văn Trọng Hùng cũng là những vở kịch ký thác? Vì tôi đã đọc được những ký thác qua từng bài thơ của anh. Tôi cũng có dịp xem trực tiếp một vài vở kịch của Văn Trọng Hùng diễn trên sân khấu, và tôi cảm nhận được những ký thác từ những vở diễn ấy của anh.
Những ký thác trong thơ và kịch của Văn Trọng Hùng thường là những ký thác về tình người, về tình đời, về lẽ được mất của một đời người. Những nhân vật lịch sử thường được anh chọn cho những ký thác của mình đều là những nhân vật có nội tâm và cuộc đời phức tạp, đa diện, như Nguyễn Trãi, như Hồ Quí Ly… Nhưng ngay một nhân vật huyền thoại trong veo như Thánh Gióng mà cũng được Văn Trọng Hùng “ký gửi”, thì cũng lạ. Thử xem anh ký gửi điều gì nhé:
“Ta cứ nghĩ vẩn vơ
Ngày ấy nếu ông (Thánh Gióng-chú thích của người bình) làm vua
Rồi con cháu ông làm vua
Không biết được-thua
và bây giờ
có vết nhơ nào để lại (?)”
(Thánh Gióng)
Kể “nghĩ vẩn vơ” như thế thì oan cho Thánh Gióng quá! Nhưng, văn học có quyền đặt những giả định, và nếu giả định kia thành hiện thực, thì đơn giản, Thánh Gióng đã không còn là Thánh Gióng như dân tộc ta đã và sẽ tôn thờ. May quá, không biết may cho Thánh Gióng hay may cho dân tộc Việt Nam, Ngài sau khi thắng giặc đã bay tuốt về trời “vui thú điền viên”, như lời một bác nguyên lãnh đạo của chúng ta đã hồ hởi tuyên bố.
Tôi cũng đọc những bài thơ ký thác của Văn Trọng Hùng với tâm thế của một người thơ ngây đọc một người ngây thơ, như vậy, xem ra, có vẻ “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” rồi. Dẫu biết những điều ta khao khát, những điều ta muốn gửi gắm muốn ký thác rồi cũng chỉ là “những giấc mơ thôi”, nhưng như Trịnh Công Sơn viết: “Sống ở trên đời cần có một tấm lòng/Để làm gì em có biết không/Để gió cuốn đi…”. Thật may mắn cho những ai biết sống có tấm lòng, và bất hạnh thay cho những ai sống thiếu một tấm lòng. Dù chả biết làm gì, dù chỉ để gió cuốn đi…
Ngày giáp Tết Nhâm Thìn
|