Nghệ thuật múa rồng từ lâu đã quen thuộc với người dân nhiều vùng, miền trong cả nước. Tuy mới xuất hiện ở Bình Định khoảng 5 năm, nhưng múa rồng đã phát triển khá mạnh. Các đội múa rồng trong tỉnh đang tích cực tập luyện để biểu diễn chào đón năm mới Nhâm Thìn 2012.
|
Đội múa rồng CLB Kỳ Hoàn biểu diễn tại Bảo tàng Quang Trung trong dịp Tết Tân Mão 2011.
|
Sinh động múa rồng
Thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước là nơi xuất hiện đội múa rồng đầu tiên của tỉnh. Đội lân xóm 6, thôn Vân Hội 1, thị trấn Diêu Trì đã luyện tập múa rồng nhiều năm qua để chương trình biểu diễn thêm sinh động. Anh Nguyễn Việt Điệp, phụ trách đội lân sư rồng xóm 6, cho biết: “Các đội khác mua dụng cụ múa rồng vải ở TP HCM, còn chúng tôi tự làm dụng cụ. Đầu rồng được làm chắc chắn theo đúng mẫu đầu rồng oai phong trang trí ở các đình, chùa. Các động tác múa phù hợp với lực lượng, nhưng vẫn sinh động, hoành tráng”.
Từ sự thành công của đội múa rồng xóm 6, nhiều đội lân xóm khác của thị trấn cũng luyện tập múa rồng để cùng thi tài trong Hội thi múa lân truyền thống thị trấn Diêu Trì hằng năm.
Cách đây khoảng 2 năm, võ sư Lê Xuân Cảnh (xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn) đã cho võ sinh nam, nữ luyện tập biểu diễn các động tác múa rồng uốn lượn đẹp mắt và mạnh mẽ. Múa rồng của võ đường Lê Xuân Cảnh còn hừng hực khí thế nhờ dàn trống hội 12 chiếc đánh lên vang vọng, tạo cảm giác phấn khích cho người xem.
Đội múa rồng đầu tiên và duy nhất ở TP Quy Nhơn hiện nay là của CLB lân sư rồng Kỳ Hoàn, hoạt động đã được 3 năm. Anh Trần Đoàn Vinh, Chủ nhiệm CLB lân sư rồng Kỳ Hoàn, giảng giải: “Múa rồng có hai hình thức là múa rồng đơn (10 người, chín cán, một châu) và múa rồng đôi (số người múa gấp đôi). Múa rồng đòi hỏi tinh thần tập thể rất cao, những người sử dụng cán phải phối hợp ăn ý để điều khiển rồng tạo nên những động tác, màn diễn sinh động theo từng chủ đề. Hiện, các đội múa rồng giỏi có thể biểu diễn đến 20 động tác với kỹ thuật khó. Còn đội múa rồng của chúng tôi cũng luyện được gần chục động tác như rồng xếp số 8 một bên và hai bên, xếp hình sao, rồng lượn, luồn, nhảy…”.
Múa rồng chào đón năm rồng
Theo yêu cầu của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, hai tháng trước, CLB lân sư rồng Kỳ Hoàn đã đầu tư 10 triệu đồng mua thêm một bộ dụng cụ múa rồng ở TP HCM để biểu diễn múa rồng đôi trong chương trình Dạ hội giao thừa, đêm 29 tháng Chạp năm Tân Mão (ngày 22.1). Tiết mục múa rồng đôi của CLB lân sư rồng Kỳ Hoàn hứa hẹn sẽ tạo không khí rộn ràng đầy màu sắc khi “cặp rồng về” đón xuân mở màn chương trình dạ hội, rồi xuất hiện ở tiết mục cuối như lời chúc đầy may mắn chào đón năm mới.
Anh Trần Đoàn Vinh cho biết thêm: “Đây là lần đầu tiên múa rồng đôi xuất hiện ở Bình Định. Đội đã tích cực tập luyện để đem đến tiết mục mới lạ, ấn tượng trong đêm hội giao thừa. Hiện tại, chúng tôi đã nhận được nhiều lời mời biểu diễn múa rồng ngay từ sáng mùng Một Tết”.
Năm Nhâm Thìn 2012 đánh dấu bước ngoặt khi An Nhơn lên thị xã. Chương trình văn nghệ chào đón giao thừa ở thị xã An Nhơn cũng sẽ được tổ chức hoành tráng hơn mọi năm. Đội múa rồng, lân võ đường Lê Xuân Cảnh được mời góp mặt trong chương trình này. “Tôi đã cho các võ sinh tập thêm nhiều động tác múa rồng mới, đẹp mắt để biểu diễn trong chương trình đón chào năm mới nhiều ý nghĩa”, võ sư Lê Xuân Cảnh tâm sự.
Võ sư Lê Xuân Cảnh cũng cho biết, trong ngày mùng Một Tết, đội múa rồng của võ đường cũng sẽ đi biểu diễn ở nhiều nơi để tạo không khí tưng bừng, gửi lời chúc may mắn đến mọi người. Sau đó, đội sẽ biểu diễn trong giải thi đấu võ thuật cổ truyền của thị xã An Nhơn, được tổ chức tại xã Nhơn Phúc.
|