Sắc – hương – vị ngày Tết quê tôi
12:12', 21/1/ 2012 (GMT+7)

Tầm giữa tháng Chạp, Tết đã ùa vào từng ngõ xóm nhỏ quê tôi. Nhà nhà nhộn nhịp chuẩn bị các nguyên liệu để làm bánh, ra đường ra chợ nghe người người xôn xao giá cả rau kiệu, sắm sanh, bánh trái chuẩn bị tết nhấtNăm nay mùa vui như rộn ràng hơn!

 

Một quầy bán nhiều loại bánh truyền thống trong chợ Bồng Sơn.

 

Bánh quê và sự trở lại của một giá trị văn hóa

Nhiều bà nhiều chị đi chợ lỡ quên một thứ nguyên liệu gì lại í ới gọi con vào và sai đi mua thêm, trẻ con thường trông tết, chỉ cần nghe mẹ nói con đi chợ mua thêm kí đường hay chục trứng để mẹ làm bánh Tết là ù té chạy đi, chứ cũng chẳng vòi vĩnh hay tị nạnh gì. Cứ như thể nếu không đi nhanh, mẹ mình sẽ không mang Tết về nhà nữa vậy.

Bánh thì đủ loại: bánh mứt, bánh nổ, bánh bột linh, bánh thuẫn, bánh ram, bánh hồng, kẹo hạt sen, mứt me, mứt gừng, mứt khế, kẹp đậu phồng, kẹo dừa khô… Loại nào cũng cần rất nhiều công, tỉ mỉ. Nhưng nếu có nhiều người chung tay sẽ thấy vui và mua xong việc.

Có một dạo những mặt hàng rực rỡ sắc màu xanh đỏ đã lấn át cái mộc mạc, giản dị của bánh quê. Nhưng rồi ai cũng dần nhận ra những thứ hương liệu pha sẵn, những bột béo, màu thực phẩm, chất bảo quản trong đó không thể sánh bằng vẻ ngọt dịu của nếp mới, béo ngầy ngậy của dừa, vị thơm của hương dứa trong bánh quê mình. Các loại bánh truyền thống với hương vị thơm thảo đặc trưng lại dần quay về trên cỗ bàn ngày Tết.

Năm nay, đâu đâu cũng thấy các bà các cô nói chuyện làm bánh. Giáp Tết, đến đầu đường dẫn vào chợ Bồng Sơn đã thấy ken dày những hàng bán bánh ít nếp, bánh ít lá gai, bánh chưng, bánh tro… Những người có tuổi, hấp háy mắt vừa mua bán vừa cười nói rộn ràng – Dường như sự trở lại của bánh quê không đơn giản chỉ là sự trở lại của một ngành thực phẩm, một loại sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà nhiều hơn, có lẽ đó là đáng được gọi là sự trở lại của một giá trị văn hóa.

Chị Nguyễn Thị Loan vừa thoăn thoắt bỏ bánh cho khách vừa tâm sự: “Những ngày Tết như thế này phải huy động cả nhà và nhờ thêm họ hàng cùng làm bánh mới kịp để bán. Người ta đặt mua về giỗ, chạp, hoặc để biếu cho bà con, bạn bè ở xa. Cũng có nhiều người ở các tỉnh xa đến đây làm việc tranh thủ về Tết đặt bánh để biếu cho người thân.”. Những “thương hiệu” bánh ở đây cũng chân chất, mộc mạc, gần gũi như bánh cô Ninh, cô Sáu, dì Loan…

Đến quầy bày bán hàng chục loại bánh truyền thống của chị Nguyễn Thị Lý trong chợ Bồng Sơn, thấy cảnh chủ khách đang “kì kèo”: “Thôi, chị để cái này cho em đi rồi làm cái khác cho họ?”. “Họ” ở đây là những người nhanh chân đặt hàng trước mới còn được sản phẩm ưng ý. Chen chân với những người khách, tôi cũng tranh thủ chọn cho mình những thứ bánh yêu thích đang rất “hút hàng” ngày Tết. Ôi, bánh quê thơm thảo của tôi…  

 

Giáp Tết, làng rau An Thái lại thành làng hoa.

 

Sắc hoa xuân quê hương

Có dịp về chơi ở làng rau An Thái thị trấn Tam Quan huyện Hoài Nhơn trong những ngày tháng Chạp, mới thật sự thấm được vẻ đẹp mê hồn của sắc hoa xuân. Trên những ruộng ngô, khoai ngày nào, giờ đây là bạt ngàn hoa với đủ các loại từ vạn thọ, cúc, đồng tiền, đến hàng trăm chậu hoa lily đang e ấp đón chờ xuân.

Thấy tôi say mê ngắm hoa, chị bán hàng cho biết thêm: “Đây là những chậu hoa lily đầu tiên được trồng trên đất Hoài Nhơn. Tổng cộng ban đầu có 1.400 chậu lily nhưng người dân quê mình chưa rành kĩ thuật chăm sóc nên chết không ít. Những bông hoa lily đang hé nụ này là thành quả ngọt ngào, đem đến sắc hoa mới cho mùa xuân quê hương.”. Hoa lily được trồng ở Hoài Nhơn không kém phần sắc hương so với các nơi khác. Nếu như thiên vị một chút thì hoa lily quê tôi còn đẹp hơn, vì nó không phải vượt qua hàng trăm cây số mới đến tay người thưởng lãm, tất cả màu sắc, ngay cả đất trong chậu hoa vẫn còn nguyên vẹn.

Chẳng còn mấy ngày nữa là Tết Nhâm Thìn 2012, đông đảo người chơi hoa đến tận ruộng để ngã giá với các chủ. Mỗi chậu hoa lily được trả giá từ 110.000-120.000 đồng. Có lẽ không mấy người nghĩ đến chuyện được mua rẻ mấy cành hoa, họ nghĩ đến sức tươi tắn của cây hoa và niềm vui được đi dọc những luống hoa hơn. Tôi tin là thế!

Năm nay, tôi  mua hoa lily về nhà chơi tết để giới thiệu với bạn bè, người thân. Hi vọng trong tương lai, nghề trồng hoa quê tôi sẽ  sớm xây dựng được thương hiệu trên thị trường, tạo nguồn thu nhập cao cho người dân từ những sắc hoa xuân tươi thắm.

  • ÁNH NGUYỆT
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Văn hóa lì xì  (20/01/2012)
Múa rồng  (20/01/2012)
Xông đất đầu năm  (19/01/2012)
Chiếu 7 phim Việt Nam phục vụ Tết  (19/01/2012)
Những bài thơ ký thác  (19/01/2012)
Khởi chiếu Thiên Mệnh Anh Hùng  (19/01/2012)
Trưng bày 100 tác phẩm   (19/01/2012)
Tuồng không chuyên “được mùa” diễn Tết  (18/01/2012)
Bộ sưu tập chóp tháp Chăm phong phú nhất Việt Nam  (18/01/2012)
Chơi hội ngày Tết  (18/01/2012)
Đa dạng chương trình Tết trên truyền hình  (18/01/2012)
Nghệ sĩ “chạy sô” tết   (16/01/2012)
Tết này... xem Hội bài chòi  (16/01/2012)
Vách ngăn với Thiên đường là gì?   (14/01/2012)
Vẽ hình của Tết   (14/01/2012)