Bình Định là nơi hội tụ, kế thừa và phát huy cao độ những giá trị tinh hoa độc đáo của nền võ học cổ truyền Việt Nam. Từ khi nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo kiệt xuất của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ, võ học Bình Định đã có bước phát triển toàn diện…
Và từ đây địa danh Bình Định - Tây Sơn đã được gắn kết và đi vào lịch sử như một bản hùng ca bất diệt, tạo nên cốt cách, niềm tự hào và những câu ca trong dân gian được người đời truyền tụng để minh chứng cho nét đặc thù của người dân đất Võ.
Võ cổ truyền Bình Định là sự kết tinh và hoà quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau (của người bản địa, võ từ Bắc Hà vào, Trung Hoa sang...) tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh tuý nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng võ học chân truyền của dân tộc.
1.
Trước thời Tây Sơn, võ cổ truyền Bình Định còn ở dạng sơ khai, hình thành chủ yếu dựa trên các thao tác lao động và sử dụng công cụ lao động hàng ngày.
Đến thời Tây Sơn, bắt đầu có sự giao lưu, hoà nhập giữa các dòng võ và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng. Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn được sử sách ghi nhận là thời kỳ hưng thịnh và phát triển rực rỡ nhất, và nâng lên trở thành quốc võ thông qua việc ban hành các chính sách, khuyến khích mở trường võ, trọng dụng người giỏi võ và tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, chọn lọc để xây dựng nên nền võ học chân truyền, bao gồm cả võ lý, võ đạo, võ lễ, võ thuật, y võ, nhạc võ... đây chính là nền tảng cơ bản, tạo ra nền móng vững chắc góp phần đưa Bình Định trở thành cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam.
Sự phát triển của võ cổ truyền Bình Định gắn liền với sự ra đời của các địa danh nổi tiếng như: An Vinh, An Thái, Thuận Truyền... và nhiều anh hùng hào kiệt, võ quan, võ sư nổi tiếng: các thủ lĩnh nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ; các vị Đô đốc: Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết...; các võ sư: Trung Quân, Bầu Đê, Hồ Nhu, Nguyễn Văn Thành, Hà Trọng Sơn, Tạ Cảnh Thâm, Biện Quyền, Phạm Định, Lương Công Hoàn, Bản Hào, Quách Cang, Lê Đình Ngại, Hồng Kim Nghi, Tạ Đáng, Phan Thọ, Trần Dần, Lâm Ngọc Phú, Phi Long Vịnh, Lý Xuân Hỷ,...
Đặc biệt trong kho tàng võ cổ truyền Bình Định hiện nay còn lưu giữ nhiều bài võ đặc sắc góp phần làm cho võ Bình Định thêm nổi tiếng: bài “U Linh Thương” của vua Lý Công Uẩn, “Hùng Kê Quyền” của Nguyễn Lữ, “Lôi Long Đao” của Đô đốc Võ Văn Dũng, “Song Phượng Kiếm” và “Tuyết Hoa Song Kiếm” của Đô đốc Bùi Thị Xuân, “Lôi Phong Tùy Hình Kiếm” của Đô đốc Trần Quang Diệu và nhiều bài quyền, roi đặc trưng của Bình Định như: “Roi Hắc Đảnh Ô Sơn”, “Roi Thái Sơn”, “Ngọc Trản Quyền”…, qua thời gian, nó vẫn sáng chói như một “chén ngọc” với những bí quyết võ công vô giá.
2.
Trải qua hơn 200 năm với những bước thăng trầm, võ cổ truyền Bình Định không ngừng phát triển và có những đóng góp quý giá cho thể thao nước nhà và nền võ thuật Việt Nam. Võ Bình Định đang được gìn giữ và phát huy tốt, với hàng chục chi phái, hàng trăm võ đường, hàng vạn võ sinh theo học trên khắp cả nước, và cũng là nơi đóng góp nhiều vận động viên ưu tú làm rạng danh thể thao nước nhà trên các đấu trường khu vực và quốc tế như: Hiếu Hiền, Kim Liên, Bảo Thương, Trần Thi, Văn Cảnh, Văn Thắng, Công Bút. Trước khi đến với Wushu, Boxing, những vận động viên này đều là những võ sinh đã trưởng thành từ các môn phái của Hội Võ thuật Bình Định. Võ Bình Định cũng đã du nhập vào nhiều nước: Pháp, Ý, Mêhicô, Thụy Sỹ, Algiêri, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật… và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Thương hiệu võ Bình Định đã trở thành “cầu nối” quảng bá rộng rãi về đất nước con người Bình Định và Việt Nam qua ba lần đăng cai tổ chức Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam: lần thứ I (năm 2006) thu hút trên 500 võ sư, võ sĩ, võ sinh của 37 đoàn quốc tế đến từ 21 quốc gia, vùng lãnh thổ và 21 đoàn trong nước. Lần thứ II (năm 2008) thu hút trên 500 võ sư, võ sĩ, võ sinh của 73 đoàn đến từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ. Lần thứ III (năm 2010) thu hút trên 600 võ sư, võ sĩ, võ sinh của 70 đoàn đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ và 19 đoàn trong nước.
3.
Với mong muốn đưa võ cổ truyền Bình Định ngày càng phát triển ra thế giới và tôn vinh võ Việt, đồng thời xây dựng thương hiệu du lịch thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao, tháng 8/2012 Bình Định tiếp tục tổ chức Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV với sự đăng ký tham gia của trên 70 đoàn đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Liên hoan sẽ có nhiều hoạt động giao lưu, thi đấu sôi nổi: giải võ cổ truyền các Câu lạc bộ tỉnh Bình Định; giải cúp vô địch đối kháng toàn quốc; giải võ cổ truyền Bình Định mở rộng..., đặc biệt chương trình khai mạc, bế mạc Liên hoan và chương trình giao lưu, biểu diễn võ cổ truyền Việt Nam của các võ đường, môn phái đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới diễn ra ở thành phố Quy Nhơn và ở các võ đường, làng võ vang danh của Bình Định sẽ là dịp tôn vinh võ Việt và giới thiệu đến bạn bè quốc tế, du khách một nền võ học Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cùng với các hoạt động võ thuật, Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, du lịch sôi nổi hấp dẫn: Hội đánh Bài chòi, Liên hoan sân khấu Tuồng toàn quốc, Hội thi Người đẹp võ thuật, Hội thi Ảnh đẹp các kỳ Liên hoan, Chương trình triển lãm giới thiệu các loại binh khí, võ phục, tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, sản phẩm du lịch nổi tiếng của tỉnh... sẽ là những hoạt động giúp cho du khách và bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước con người, văn hóa Bình Định - cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam.
(Tạp chí Văn hóa Bình Định) |