Chào đón năm mới Nhâm Thìn 2012, biên đạo Nhật Huy cũng bước vào năm tuổi của mình với nhiều dự định, khát khao cống hiến mới. 36 tuổi với hơn 20 năm gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng, Nhật Huy đã gặt hái rất nhiều thành tích.
|
Tiết mục “Ai về xứ Nẫu” trong Dạ hội giao thừa Chào đón Xuân Nhâm Thìn 2012 được Nhật Huy biên đạo phần múa. |
Từ niềm đam mê
Nhật Huy “máu lửa” với văn nghệ từ khi còn rất nhỏ. 12 tuổi đã dựng múa cho các tiết mục văn nghệ của lớp, rồi được bầu làm đội trưởng đội văn nghệ của Trường THPT Nguyễn Thái Học, Nhật Huy bắt đầu “nổi” khi phát huy được năng khiếu dựng múa, ca hát để giúp các chương trình văn nghệ của trường đạt giải cao tại các hội thi. “Khi dàn dựng các tiết mục múa, tôi muốn trang phục, đạo cụ phải thật đẹp nhưng kinh phí của lớp hạn hẹp nên đã vài lần bán xe đạp, dây chuyền để đầu tư cho chương trình văn nghệ của lớp. Dù ủng hộ tinh thần văn nghệ của con, nhưng mẹ tôi cũng đã đánh cho mấy trận vì dám “lấy của nhà làm văn nghệ”…”, Nhật Huy kể.
Tốt nghiệp THPT, Nhật Huy xin mẹ cho đi học múa nhưng không được. Anh bèn chọn cách tiếp tục theo đuổi đam mê của mình qua việc tham gia dàn dựng, biểu diễn trong các hoạt động văn nghệ quần chúng ở TP Quy Nhơn. Nhật Huy được các cán bộ của Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa tỉnh) tạo điều kiện phát huy năng khiếu, đồng thời khuyên nhủ cố gắng đi học múa một cách bài bản. Sợ xin phép lần nữa mẹ lại không cho, Nhật Huy đã trốn đi thi tuyển, khi đậu mới về thuyết phục gia đình chấp thuận. Nhật Huy tốt nghiệp lớp trung cấp chính quy diễn viên múa loại giỏi của Trường Múa TP Hồ Chí Minh và trở về phục vụ cho phong trào ở quê hương.
|
Biên đạo Nhật Huy dàn dựng hai tiết mục múa đều đoạt được huy chương Bạc Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc lần III - 2011. |
Đến những thành công
Điểm mạnh của biên đạo Nhật Huy là lựa chọn âm nhạc hay, trang phục đẹp cùng nhiều ý tưởng sáng tạo và biết lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người. Sở trường của Nhật Huy là dàn dựng các tiết mục múa hiện đại, nhưng 5 năm trở lại đây anh đã từng bước học hỏi để làm mới mình qua việc khai thác vẻ đẹp của các điệu múa truyền thống. Mỗi năm, Nhật Huy đều đi TP Hồ Chí Minh vài lần để theo phụ dàn dựng, học hỏi từ người bạn thân là biên đạo giỏi về múa truyền thống. Anh đặc biệt yêu thích và dàn dựng thành công nhiều tiết mục múa ngợi ca Đảng, Bác Hồ.
Nhật Huy: “Có người nói tôi chỉ giỏi bắt chước ý tưởng sáng tạo tác phẩm của người khác. Tôi thì nghĩ phải biết tìm tòi, học hỏi những cái hay. Sự “sao chép sáng tạo” của tôi luôn mang dấu ấn riêng, nhằm phát huy tài năng của diễn viên, đem đến nhiều tiết mục mới, sinh động hơn cho phong trào văn nghệ quần chúng tỉnh nhà”. |
Nhật Huy được mời dàn dựng rất nhiều chương trình lễ hội lớn của tỉnh, chương trình văn nghệ của các cơ quan, đơn vị, trường học… Và hầu hết các tiết mục do anh dàn dựng đều đạt giải cao ở các hội diễn, cả cấp khu vực và toàn quốc. Trong năm vừa qua, Nhật Huy đã gặt hái được nhiều thành công: dàn dựng chương trình văn nghệ cho Cảng Quy Nhơn đoạt giải Nhất toàn đoàn trong Hội diễn văn nghệ quần chúng ngành hàng hải toàn quốc. Dàn dựng hai tiết mục múa cho Nhà Văn hóa Lao động tỉnh đoạt được hai huy chương Bạc Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc lần III…
Nhật Huy cho biết, thử thách lớn nhất trong nghiệp biên đạo của anh chính là dàn dựng múa cho các vở diễn sân khấu. Khi được mời dựng múa cho vở diễn “Thời con gái đã xa”, đạo diễn, NSƯT Hoài Huệ yêu cầu dựng cảnh múa người đàn bà gánh đồng nát đi trong đêm đầy u uất… Đang bí, chợt nhìn thấy một chiếc đèn báo bão treo lơ lửng trước nhà NSƯT Hoài Huệ, Nhật Huy bật ngay lên ý tưởng đưa chiếc đèn báo bão vào các động tác múa trong vở diễn, gây được nhiều ấn tượng, cảm xúc...
Nhật Huy tâm sự: “Có được thành công ngày hôm nay, tôi không bao giờ quên sự giúp đỡ của các chú, anh, chị ở Trung tâm Văn hóa tỉnh. Tôi dự định mở một công ty tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật bán chuyên nghiệp; có điều kiện sẽ xây dựng nhà trưng bày trang phục, đạo cụ múa mà tôi đã tốn rất nhiều tiền để làm trong những năm qua. Tôi cũng sẽ nỗ lực học tập để nâng cao trình độ, dàn dựng các tiết mục có chiều sâu nội dung và chất lượng nghệ thuật cao hơn…”.
|