Bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Bình Định:
Từ góc nhìn “chữ viết”
10:37', 30/1/ 2012 (GMT+7)

Sau nhiều năm biên soạn đến cuối năm 2008, ba bộ chữ viết Chăm Hroi, Bahnar và Hrê được in ấn, phát hành làm thỏa mãn ước mơ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Định.

 

Già làng. Ảnh: HỒ VIỆT QUỐC.

 

1.

Trải qua hàng ngàn, hàng vạn năm, dân tộc nào cũng vậy, đã tự tạo cho mình một truyền thống văn hóa quý báu trên chặng đường dài chinh phục tự nhiên và đấu tranh xã hội để tồn tại, phát triển ngày càng văn minh, tiến bộ hơn. Song, ở đồng bào các dân tộc thiểu số, chữ viết ra đời muộn, nên từ xưa đến nay, những tinh hoa văn hóa bao đời cha ông chắt lọc được chỉ truyền lại cho đời sau qua trí nhớ của người già: cha mẹ dạy con, ông bà khuyên bảo cháu, già làng chỉ bảo mọi thành viên trong làng thực hiện luật tục truyền thống… Tất cả chỉ bằng “truyền miệng”, không được bảo tồn bằng văn bản, cho nên mất mát đi rất nhiều.

Ngày nay, thực hiện chủ trương của Đảng trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Các thôn, làng ở miền xuôi cũng như miền núi đang ra sức xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là một cuộc vận động rộng lớn, huy động mọi tầng lớp nhân dân và hệ thống chính trị để xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống và hiện đại.

Muốn thế, cần nắm vững văn hóa truyền thống cha ông để lại ở từng làng, từng vùng miền của từng dân tộc để loại trừ những yếu tố lạc hậu, lỗi thời, phi văn hóa; đồng thời xác định đúng những tinh hoa văn hóa truyền thống nhằm vận dụng vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới.

2.

Hiện nay, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi tỉnh ta còn không ít già làng ở độ tuổi tám, chín mươi là những người vừa còn lưu giữ ít nhiều vốn văn hóa truyền thống của cha ông để lại, vừa có quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thấm nhuần sâu sắc đường lối cách mạng của Đảng và Nhà nước. Đây là lớp người rất đáng quý, giúp cho đời nay và cả đời sau biết được truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Song, lớp già làng này đang mai một dần vì tuổi cao sức yếu. Cho nên việc sưu tầm văn hóa cổ truyền của từng dân tộc thiểu số ở miền núi tỉnh ta là việc cần làm ngay. Ba bộ chữ viết các dân tộc thiểu số mới ra đời là một phương tiện đắc lực giúp chúng ta ghi chép lại văn hóa cổ truyền của từng dân tộc để vừa bảo tồn, vừa làm tài liệu nghiên cứu cho đời nay và mãi mãi về sau.

Từ ngày đất nước thống nhất đến nay, đã có nhiều công trình sưu tầm nghiên cứu về văn hóa các dân tộc thiểu số ở Bình Định của các tác giả trong và ngoài tỉnh, kể cả các tác giả người dân tộc thiểu số, song tất cả đều được in ấn bằng chữ Quốc ngữ. Chữ viết các dân tộc thiểu số ra đời sẽ tạo điều kiện cho việc sưu tầm, nghiên cứu, có điều kiện ghi chép lại các di sản văn hóa truyền thống của từng dân tộc xưa nay chỉ được truyền miệng; ghi lại các sáng tác dân gian thưở xưa bằng chữ dân tộc. Và, cũng đặt ra yêu cầu cho các nhà nghiên cứu người dân tộc khác phải biết tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng nghiên cứu của mình. Có thế, mới phản ánh đúng tình, ý khi thu thập tư liệu từ già làng, nắm bắt từng nếp sống văn hóa, từng luật tục của người xưa để lại; mới thấy hết cái hay, cái đẹp khi nghệ nhân dân gian diễn xướng một làn điệu dân ca, một hơmon hay một câu chuyện cổ. Không những thế, kết quả sưu tầm, nghiên cứu được ghi chép thành văn bằng tiếng dân tộc hay ghi âm, ghi hình đưa vào kho tư liệu được bảo quản tốt để vừa giữ gìn truyền thống văn hóa cho từng dân tộc vừa tạo điều kiện nghiên cứu lâu dài.

Sự nghiệp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số không chỉ là trách nhiệm của những người làm công tác văn hóa ở miền núi, mà phải là sự nghiệp của quảng đại quần chúng, của từng người, từng gia đình, từng dòng họ, từng xóm làng.

Vì vậy, trước hết phải vận động mọi tầng lớp đồng bào dân tộc thiểu số học chữ viết của dân tộc mình. Vận động các nghệ nhân dân gian mô tả lại từng điệu múa, từng nhạc cụ dân gian; ghi chép lại từng hơmon, từng làn điệu dân ca cổ đang lưu truyền đó đây. Bởi vì, không làm được như thế, một ngày không xa, người Bahnar không còn ai biết múa đâm trâu, kể hơmon; người Chăm Hroi không còn ai biết múa Koh lơ toan, hát Kơnát; Người Hrê không còn ai biết múa rung chinh, hát Kachoi, Ka luối. Thế là sẽ để mất đi biết bao vẻ đẹp văn hóa cổ truyền của các dân tộc thiểu số.

Tâm huyết với việc giữ gìn tinh hoa văn hóa của dân tộc mình, nhiều năm trước đây, các già làng và trí thức dân tộc thiểu số thông thạo chữ quốc ngữ đã tự phiên âm tiếng nói của dân tộc mình để ghi lại cho đời sau những di sản văn hóa cha ông để lại. Song, mỗi người có cách phiên âm ghi lại thành chữ dân tộc khác nhau, nên khó hiểu đối với người đọc, giá trị phổ biến rất hạn chế.

3.

Ba bộ chữ của ba dân tộc thiểu số ở Bình Định mới ra đời, đang dạy thí điểm và chỉnh sửa theo yêu cầu của đồng bào các dân tộc để ngày một sát đúng và chuẩn xác hơn. Tuy vậy, về cơ bản đã quy định cách phiên âm, viết chữ thống nhất ngôn ngữ của từng dân tộc. Cho nên, từ nay trở về sau không chỉ người sưu tầm, nghiên cứu mà tất cả những ai tâm huyết với việc giữ gìn tinh hoa văn hóa cổ truyền của các dân tộc thiểu số cần thống nhất cách ghi tiếng nói các dân tộc theo quy định bộ chữ Nhà nước đã ban hành.

Có như thế, việc giữ gìn, phổ biến những giá trị tốt đẹp trong văn hóa cổ truyền của từng dân tộc thiểu số mới đạt yêu cầu mong muốn. Từ đó, việc vận động đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số và cán bộ công tác ở vùng dân tộc thiểu số học chữ viết dân tộc thiểu số là điều rất cần thiết.

  • NGUYỄN XUÂN NHÂN

(Tạp chí Văn hóa Bình Định)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chầm chậm xuân ơi!  (29/01/2012)
Ngôi sao văn nghệ quần chúng   (29/01/2012)
Phúc lộc bay bay  (29/01/2012)
Khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật – báo chí  (29/01/2012)
Nghề nón ngựa Phú Gia  (29/01/2012)
Võ cổ truyền Bình Định góp phần tôn vinh võ Việt  (29/01/2012)
Tuồng dân lập: sức sống bền bỉ  (28/01/2012)
Xuân Thăng Long vang câu hát bài chòi Bình Định   (27/01/2012)
CLB Lân sư rồng Kỳ Hoàn giành giải Xuất sắc  (27/01/2012)
Lễ kỷ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (26/01/2012)
Phù Mỹ sôi nổi các hoạt động văn hóa mừng Xuân  (25/01/2012)
Quy Nhơn rộn ràng ngày tết  (24/01/2012)
Làng Sông và câu chuyện về chữ Quốc ngữ  (24/01/2012)
Nhớ bông mồng gà  (24/01/2012)
Mùng Một dự Hội Chợ Gò  (23/01/2012)