Nụ cười đầu năm
11:21', 30/1/ 2012 (GMT+7)

* Tạp bút

1.

Chiều Mùng 5 tết, số điện thoại lạ nhấp nháy. Chị hả? Em đây. He he. Chỉ nghe giọng cười, tôi đã biết đó là ai. Đary - cô bé tôi quen hơn 10 năm có lẻ. Ngày đó em là một cô bé đánh giày kiếm tiền đi học, tôi tình cờ biết hoàn cảnh của em và viết báo. Một Việt kiều tốt bụng đã tài trợ cho em ăn học đến nơi đến chốn. Đồng lương tập sự mới ra trường không đủ trang trải bản thân, huống hồ em còn phải nuôi thêm đứa em gái đang học đại học, nên cuối tuần em còn tranh thủ chạy bàn nhà hàng, khách sạn.

… “Chị, tết này em về nhưng không ghé nhà chị được vì mải bận phụ má bán hàng. Chiều mùng 7 em lên xe cho kịp Mùng 8 vào làm việc trong Bình Dương rồi. Thêm một Tết nữa em “lặn” luôn đến ngày đi. Chị thông cảm cho em nghen…” - lại he he cười. Gần 30 tuổi vẫn chưa một mảnh tình vắt vai, lại lo nuôi đứa em gái học đại học 4 năm nữa. Em giờ lo toan nhiều hơn nhưng nụ cười, tiếng cười vẫn hồn nhiên.

2.

Bà nội 85 tuổi, từ cuối năm đến mấy ngày đầu năm vẫn miệt mài bán vé số. Mua không con? Dẫu là người xa lạ, nhưng mỗi khi gặp, tôi vẫn gọi là “bà nội”. Nội móm mém cười, hàm răng chỉ còn trơ lợi. Tuổi này, chẳng mấy ai còn đủ sức một ngày đi cả chục cây số, lại phơi sương, phơi gió. Nhưng nội quen rồi, ngày nào không đi không chịu được.

Ông bà có lương hưu, tằn tiện vẫn đủ sống, nhưng nội vẫn bán vé số. Ban đầu, cứ ngỡ nội làm vì vui, nhưng sau mới biết gia cảnh nội cũng éo le. Vì cháu hư, nội cắn răng bán nhà cho cháu trả nợ rồi về ở chung với con. Người già không hợp với lối sống của người trẻ nên ông bà lại thuê nhà ở riêng. Hai năm nay, ông yếu, chỉ còn nằm một chỗ. Nội vừa chăm chồng ốm vừa tranh thủ bán vé số. Khi nào ông đau nặng thì nội nghỉ hoặc nhờ con cháu lên trông.

“Con mua tờ 75 đi, nội chọn thường hên lắm…”- nội cười, tay chọn xấp vé số. Những nếp nhăn hằn lên gương mặt đen đúa vì nắng gió, mỗi khi nội cười lại hằn sâu thêm. Bạn bè của tôi họp mặt đầu năm tại quán cà phê hôm đó bảo, ít khi thấy bà lão nào có nụ cười lại tươi đến thế. Còn tôi, lại thầm chúc nội sang năm chân cứng đá mềm. Để người hàng xứ vẫn dịp thấy được nụ cười hồn hậu - dù - cuộc - sống - chẳng - như - mong - muốn của nội.

3.

Trong dòng người đẹp đẽ, thong dong vui xuân đầu năm, vẫn có những người vội vã, ngược xuôi chạy đua với với thời gian, tranh thủ mua bán trong mấy ngày Tết. “Làm việc cả năm, dịp Tết cũng muốn nghỉ lắm chứ. Ngặt nỗi, mấy hôm tết người mua vé số và báo nhiều hơn ngày thường nên không đành lòng nghỉ. Ngẫm lại, mình tự làm khó mình phải không cô”- một chị bán báo + vé số dạo quen đã  phân bua trong dịp đầu năm mới.

Mới 9 giờ sáng, nhưng chị đã bán hết veo số báo Tuổi Trẻ số Tân Niên, chưa kể đến một số khách rộng rãi “lì xì”, không lấy lại tiền thối. Ngày thường hiếm khi có chuyện đó. Chị bảo giá mà cả năm đều mua bán như sang nay thì sướng biết mấy, rồi cười nhẹ tươi rói.

Đến chúc xuân nhà cô bạn đồng nghiệp, thấy cô nở nụ cười mếu xệch khi kể lại chuyện người buôn hoa khóc trong đêm Giao thừa. Quất mua tại nhà vườn giá đã 200-300 ngàn đồng/cây, chưa kể đến tiền đúc chậu cảnh 15 ngàn đồng/cái. 9 giờ tối đêm Giao thưà, giá quất chỉ còn lại 100-150 ngàn đồng,  chỉ bằng phân nửa giá mua vào, vậy mà người đi mua “hoa ế” vẫn ỏng eo: “30 ngàn một chậu thôi nhé, giờ này không bán rẻ thì chỉ có nước vứt mà thôi”. Đắng lòng mà bán vậy, chị ơi.

4.

Nói chuyện hoa Tết, thì năm nay quả là năm “trái đắng” của những người mua đi bán lại. Mua đứt bán đoạn tại nhà vườn, ai cũng ngỡ có thể dễ dàng kiếm vài triệu tiền lời chơi Tết. Song le, năm nay mưa thuận gió hòa, hoa nhiều, cộng thêm kinh tế khó khăn, người dân đắn đo chi tiêu hơn trước, nên đến phút chót hoa bị “dội chợ”. Chiều 29 tháng Chạp, dạo chợ hoa, tôi thấy một anh chủ vườn bẻ hết các cành chúc đại đóa. Hỏi thì anh đáp bán chậu không được thì bán cành vậy. Không ngờ sáng kiến đó của anh lại hay, bởi giá một cành hoa lẻ thời điểm đó vẫn là 5.000 đồng, xem ra vẫn có giá hơn một chậu cúc đến chiều tối Giao thừa chỉ còn 50-100 ngàn đồng/chậu.

Người ta bảo hễ đầu năm mới mà vui vẻ, cười nhiều thì ắt may mắn cả năm. Bởi vậy, sáng đầu xuân ra đường, tôi luôn mong gặp những nụ cười tươi. Tôi thích nụ cười hồn nhiên trong trẻo, lạc quan  của Đary dẫu cuộc đời của em không hề suôn sẻ. Hay nụ cười hồn hậu của bà lão bán vé số kia. Tôi cũng không quên nụ cười như mếu của các nhà buôn hoa Tết năm nay trong đêm Giao thừa. Tết này, họ khó mà vui nổi.

Nụ cười tươi đầu năm, xem ra cũng rất khó, đối với một số người.

  • THU HÀ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Từ góc nhìn “chữ viết”  (30/01/2012)
Chầm chậm xuân ơi!  (29/01/2012)
Ngôi sao văn nghệ quần chúng   (29/01/2012)
Phúc lộc bay bay  (29/01/2012)
Khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật – báo chí  (29/01/2012)
Nghề nón ngựa Phú Gia  (29/01/2012)
Võ cổ truyền Bình Định góp phần tôn vinh võ Việt  (29/01/2012)
Tuồng dân lập: sức sống bền bỉ  (28/01/2012)
Xuân Thăng Long vang câu hát bài chòi Bình Định   (27/01/2012)
CLB Lân sư rồng Kỳ Hoàn giành giải Xuất sắc  (27/01/2012)
Lễ kỷ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (26/01/2012)
Phù Mỹ sôi nổi các hoạt động văn hóa mừng Xuân  (25/01/2012)
Quy Nhơn rộn ràng ngày tết  (24/01/2012)
Làng Sông và câu chuyện về chữ Quốc ngữ  (24/01/2012)
Nhớ bông mồng gà  (24/01/2012)