Đón Tết cổ truyền Nhâm Thìn 2012, ngành Văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực xây dựng, tổ chức nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật để phục vụ người dân và du khách. Trong sự đa dạng, hấp dẫn của các chương trình, bản sắc truyền thống luôn được phát huy…
|
Hội đánh bài chòi cổ dân gian - một thú chơi tao nhã, vui tươi ngày xuân - đã hồi sinh. Ảnh: HOÀI THU
|
“Tâm điểm”: Hội đánh bài chòi cổ
Hội đánh bài chòi cổ tại TP Quy Nhơn do Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP Quy Nhơn tổ chức lần đầu tiên đã thu được thành công ngoài mong đợi. Hội đánh bài chòi do chính các cán bộ của Trung tâm đảm nhận việc tổ chức, sau khi họ được tham dự lớp tập huấn đánh bài chòi cổ của Sở VH,TT&DL. Theo kế hoạch, chương trình diễn ra từ mùng 2 đến mùng 6 Tết, nhưng đêm mùng 6, khi Ban Tổ chức tuyên bố bế mạc Hội đánh bài chòi cổ, nhiều người dân đã “phản đối” và đề nghị gia hạn thêm thời gian vì “còn muốn chơi nữa”. Và đơn vị tổ chức đã vui vẻ tăng thời gian phục vụ.
Biên đạo múa Hoàng Việt cho thấy sự đa năng khi làm tốt vai trò anh hiệu chính dẫn dắt Hội đánh bài chòi. Trong vai trò chị hiệu, giọng hát dân ca ngọt ngào Quý Nhất càng lôi cuốn khán giả hào hứng hưởng ứng trò chơi này. Cộng tác viên văn hóa Châu Hồng Tâm dù tiếp cận chưa lâu cũng đảm đương vai trò anh hiệu đầy hài hước và duyên dáng. Theo Ban Tổ chức, đêm mùng 2 Tết khai hội, nhiều người còn khá lạ lẫm với trò chơi này nên có chòi trống người chơi, nhưng các đêm sau, Hội đánh bài chòi đã thực sự thu hút, không chỉ những bậc trung niên, cao niên, mà cả thiếu niên, thanh niên cũng hào hứng tham gia. Khách lên chòi chơi có cả Việt kiều, người nước ngoài…
Đêm xuân, mưa xuân lây rây hạt; càng về khuya, sương xuống càng dày, hội đánh bài chòi cổ dân gian vẫn thu hút rất đông người dân chuộng văn hóa truyền thống. Đó là niềm động viên lớn cho những người tổ chức. Để đáp ứng lòng ái mộ của đông đảo người dân, các anh (chị) hiệu đã nỗ lực sưu tầm, góp nhặt, ứng khẩu nhiều câu thai hay, dí dỏm, không để trùng lặp, nhằm tạo sự tươi mới trong mỗi đêm hội. Khi Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định đi lưu diễn ở thủ đô Hà Nội về, các nghệ nhân, nghệ sĩ kỳ cựu như Lâm Tới, Minh Đức được mời tăng cường làm hiệu để phục vụ tốt người dân trong những đêm cuối.
Lung linh đêm tháp cổ
Đã thành thông lệ, từ Tết năm 2001 đến nay, chương trình Đêm hội Tháp Đôi gồm các tiết mục múa lân, múa rồng, văn nghệ mà tâm điểm là hát múa Chăm, lại đều đặn diễn ra vào tối mùng 2 Tết tại Tháp Đôi. Theo từng năm, chất lượng nghệ thuật của chương trình lại được đổi mới và nâng cao, huy động sự phối hợp giữa các đơn vị văn hóa, các đoàn nghệ thuật.
Không gian rộng lớn của Khu di tích Tháp Đôi như bừng sáng, đẹp cổ kính hơn trong mỗi dịp đêm hội này diễn ra. 19 giờ 30 phút mùng 2 Tết Nhâm Thìn năm nay, Đêm hội Tháp Đôi mở màn đầy khí thế với tiết mục biểu diễn lân, rồng đại náo. Tiết mục chủ đạo của đêm hội là các điệu múa Chăm truyền thống như múa quạt, múa đội lu, múa cung đình… được các “vũ công” biểu diễn uyển chuyển, tô điểm thêm vẻ huyền hoặc cho không gian cổ tháp. Múa Chăm đặc trưng với những động tác phẩy tay, lắc hông, chuyển gót chân… khoan thai mà mạnh mẽ, cộng với âm điệu nhạc réo rắt, trầm hùng đã phả một cảm xúc thưởng thức văn hóa - nghệ thuật mới cho khán giả Quy Nhơn trong mỗi dịp Tết cổ truyền.
Sân khấu truyền thống bận rộn diễn xuân
Người Bình Định đón Tết không thể thiếu ca kịch bài chòi và hát bội. Thói quen thưởng lãm nghệ thuật này dường như đã “lập trình” sẵn trong lòng người mộ bài chòi, mộ tuồng mỗi dịp xuân về. Những đêm xuân an lành mà thiếu tiếng trống chầu, trống chiến, hay giai điệu réo rắt của kèn, nhị; không trải qua cảnh xách đòn đến sân bãi ngoài trời chong mắt về sân khấu đơn sơ mà xem ca bài chòi, xem hát tuồng, chừng như ăn Tết kém vui. Bởi vậy mà, cả tỉnh có hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, thêm 12 đoàn tuồng dân lập, từ thành phố cho đến thôn quê, đâu đâu cũng thấy bài chòi, hát bội “phủ sóng”. Ngày thường chúng ta vẫn nghe “điệp khúc” sân khấu truyền thống gặp khó nhưng hễ Tết đến, mới thấy sức sống của sân khấu truyền thống mạnh mẽ thế nào trong lòng dân!
Lại một mùa xuân nữa, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, nghệ sĩ các đơn vị văn hóa, đoàn nghệ thuật đón Tết vội trong bộn bề chuyên môn phải đảm trách, hoàn thành. Với họ, một cái Tết thật sự ý nghĩa là được mang lại món ăn tinh thần cho người dân và du khách qua những chương trình mà họ dồn cả tài năng và tâm huyết để dàn dựng, thực hiện.
|