Bản sắc lịch sử, địa lý, văn hoá của xứ sở hun đúc, tạo nên truyền thống, tính cách con người. Nếu Xuân Diệu - có lần “mạo muội” nhận xét có một cô gái rất độc đáo trong chất thơ, trong chất sống, chất tình ở đây, thì có lẽ ông vua thơ nhạy cảm này cũng đã thấy cái “độc đáo” ấy trong hình tượng người phụ nữ Bình Định. Và nếu nói rằng, thượng võ hào hùng và tình sâu nghĩa nặng là hai nhân tố cơ bản quyện vào nhau trong cốt cách truyền thống của người Bình Định, thì đều có in đậm dấu trong hình tượng cô gái Bình Định mà ca dao đã ghi lại:
|
Nữ sinh trường Quốc Học Quy Nhơn. |
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền
Tinh thần thượng võ hào hùng ấy của người phụ nữ mà ngày nay ta gọi là nết đẹp khỏe. Xét cho cùng, cũng truyền thống chung của người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất... “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Tinh thần ấy được gắn liền với mảnh đất Tây Sơn, với nữ tướng Bùi Thị Xuân:
Ai về Bình Định mà coi
Coi bà nữ tướng cưỡi voi đánh cồng
Âm vang hào hùng đầy dũng khí ấy đã được phát huy trong cuộc kháng chiến diệt Tây, đuổi Mỹ “Về xem con gái Định Quang/ Tay bồng tay bế ra đàng đánh Tây”. Nét đẹp ấy của cô gái Bình Định tưởng chừng như mâu thuẫn với “nữ tính dịu dàng, đằm thắm, chịu khó, chịu thương”. Nhưng không, họ lại rất chất phát như vùng đất của lúa khoai nuôi họ lớn, mặn mà đằm thắm như vị mặn của biển Đông, của đầm Thị Nại, sống chắt chiu nhưng biết hy sinh, phóng khoáng như cái hiu hiu, cái man mác của gió nồm ru hời suốt một dải dài duyên hải.
Là người Bình Định, chắc ai cũng đã từng một lần nghe ru... như một lời hoài niệm, nhớ về, ước mong:
Chiều chiều ai đứng ngõ ta
Quần đen áo trắng nết na dịu dàng
Ấy là cái đẹp đến mức “cổ điển” của cô gái Bình Định xưa, đã từng là niềm tự hào của phái đẹp và làm bao “đấng mày râu” phải xiêu lòng! Không hiếm và rất được đề cao những bông hoa “sắc nước hương trời” kiểu “những người con mắt lá răm, lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”, nhưng căn bản nét đẹp cô gái Bình Định xưa tựu trung là cái duyên:
Vô duyên dầu bận áo sa
Áo ra đằng áo người ra đằng người
Có duyên dầu bận áo tời
Đầu đội nón cời duyên vẫn hoàn duyên
Duyên ấy là sự dịu dàng, ý tứ “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Cái duyên ấy có khi là một chút trêu ngươi “Tóc tới lưng vừa chừng em bới/ Để chi dài bối rối dạ anh”. Cái duyên bao hàm sự dịu dàng, nhỏ bé. Người Nam bộ nói dễ thương “Nước chảy liu riu/ Lục bình trôi ríu ríu/ Anh thấy em nhỏ xíu anh thương”. Người Bình Định cũng nói :
Khuất bóng đèn lan, anh nhìn nàng không rõ
Thấy dạng em ngồi, còn nhỏ anh thương.
Hóa ra những “đấng mày râu” lại thường đi tìm, yêu cái nhỏ bé. Cô gái Bình Định xưa có sức hấp dẫn kỳ lạ như thế cũng phải:
Thấy em nhỏ thó lại có duyên ngầm
Anh phải lòng thầm đã mấy năm nay
Người con gái Bình Định xưa chẳng những đẹp trong dung mạo, còn vẹn toàn trong tư chất, tâm hồn. Họ chịu nhiều thiệt thòi trong tình yêu, trong chuyện lứa đôi vì bao lẽ... Nhưng căn bản họ sống hết mực ân tình, ngay cả những khi bị bạc đãi:
Anh cầm cây viết anh dứt đường nhơn nghĩa
Em cầm cây kim em thêu chữ ân tình
Đọc câu này Xuân Diệu phải kêu lên “Cây bút ở đây sao mà bạc ác, muốn bỏ ai thì bỏ, không cần đủ lý do, cây kim ở đây sao mà nhẫn nại cực nhục...” Cây bút và cây kim qua hai câu thơ mà nói cái kiếp phụ nữ trong xã hội phong kiến, nói cái tội nghiệp và cao cả của họ. “Yêu, họ cũng đi im lặng, đằm thắm, tự trải lòng mình trong nỗi nhớ”.
Anh về Đập Đá, Gò Găng
Để em kéo sợi đêm trăng một mình
Và trong cuộc sống gian lao, họ luôn giành phần thiệt, âm thầm hy sinh đến tội nghiệp.
Trời mưa ướt núi ướt rừng
Ướt em, em chịu, xin đừng ướt anh
Chắc cũng không phải ngẫu nhiên trên mảnh đất ân tình này thiên nhiên lại khéo tạo dáng đứng Vọng Phu “Núi Bà một dãy xanh xanh/ Vọng Phu còn đó sao anh chẳng về ? ”. Dịu dàng, đằm thắm, thủy chung và đầy ý tứ là thế nhưng cô gái Bình Định cũng không kém sự mãnh liệt sắc sảo:
Tam Quan ngọt nước dừa xiêm
Cha từ, mẹ bỏ vẫn tìm theo anh
Cô gái Bình Định cũng thật ý tứ, dễ thương như cô gái Nam bộ nào đó “ngắt ngò, thương anh đứt ruột giả đò nói lơ”...
Sớm mai xách rổ nhổ ngò
Lòng thương chú thợ giả đò lượm dăm.
Và ! “Giả đò mua kén bán tơ/ Đi ngang qua ngõ rơi thơ cho chàng !”. Quả là những sự “giả đò” đến dễ thương, các “chàng” đến “dễ chết”... Cô gái Bình Định có duyên ngầm, nên cũng có cái “bạo ngầm” :
Trèo lên cây khế bẻ bông
Bước đến trường học thấy đông dậm dày
Phải chi em không sợ ông thầy
Em vô cầm bút viết chữ này cho anh.
Có vẻ “Củ mì” đấy, nhưng coi chừng ! Chọc vào họ không kém “đanh đá”:
Chiều chiều mây phủ Đá Bia
Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng
Mất chồng tôi chẳng có lo
Sợ anh mất vợ nằm co một mình
Ý tứ, nhưng ai bảo cô gái Bình Định xưa chẳng đáo để “vô cùng”:
Chuột kêu chút chít sau rương
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay.
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thường gắn liền với chiếc nón như biểu tượng của nữ tính và mang bản sắc địa phương. Song không phải là hình ảnh chiếc nón như một biểu hiện cho dáng vẻ e ấp của cô gái Sông Hương xứ kinh kỳ, càng không phải cái đằm mà rộn, cái dịu mà kiêu, cái sắc mà có chút “lẳng lơ” của cái “nón quai thao”, “nón ba tầm” trong hội hè của cô gái Bắc Hà - Đàng ngoài. Nón Bình Định là biểu tượng của sự làm tin, của niềm gắn bó. Bên cạnh “lãnh An Thái, khăn trầu nguồn”, muốn cưới nàng không thể thiếu “đôi nón Gò Găng”. Nón Bình Định - nón Gò Găng với cô gái Bình Định xưa là biểu tượng của sự thuỷ chung “Gò Găng có nón chung tình/ Ở đây có thiếp một dạ với mình, mình ơi” của hình ảnh lứa đôi “giàu sang chung hưởng, đói nghèo chung lo”.
Chàng đi đường đâu gặp khó khăn
Cũng sao ghé lại Gò Găng quê mình
Vào đây em tặng nón chung tình
Hình chàng bóng thiếp in hình đôi ta.
Những tính cách riêng - chung qua thời gian có thể còn mất. Nhưng phải chăng bản chất đáng yêu kia vẫn như dòng sữa mẹ ngàn đời chảy trong huyết quản, nuôi nên những người con đầy tính cách thượng võ hào hùng và đằm thắm ân tình của mảnh đất này.
Tạp chí Văn hóa Bình Định số 50.2012 |