Trăm năm, và lâu hơn nữa
18:9', 1/10/ 2012 (GMT+7)

Chân dung Hàn Mặc Tử.

“Thành phố thi ca” Quy Nhơn-cái nôi sinh ra và nuôi dưỡng thơ Hàn Mặc Tử cùng thơ của những nhà thơ cùng thời như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, và cả Bích Khê-đã trân trọng và nhớ thương thắp những nén hương trước mộ Hàn Mặc Tử trên “đồi thi nhân” vào buổi sáng ngày 21.9.2012-ngày hôm trước của một trăm năm sinh Hàn thi sĩ.

Đúng như TS Nguyễn Đăng Điệp-Viện trưởng Viện Văn học đã nói trong hội thảo: “ Rất cần đọc và khám phá thơ Hàn Mặc Tử từ nhiều góc độ khác nhau, trong đó có góc nhìn sinh thái học văn hóa, vì “sinh quyển  Qui Nhơn” là một tác nhân rất quan trọng khiến thơ Hàn Mặc Tử đi tới tận cùng những ám ảnh kỳ lạ.”

Chỉ sống trên đời đúng 28 năm, chỉ có 10 năm để làm thơ, nhưng Hàn Mặc Tử đã để lại một di sản thơ độc đáo, phi thường và từ hơn 70 năm qua đã không ngừng thu hút, mời gọi những cuộc tranh luận, những kiến giải, nghiên cứu, bình xét từ rất nhiều góc độ, kể cả những ý kiến rất trái chiều nhau. Đó chính là sức sống từ những sáng tạo phẩm của một nhà thơ mà sinh thời đã chịu vô vàn đau đớn vì bệnh tật, đã khát khao, tuyệt vọng và hy vọng, đã bằng thi ca ghi lại những yêu thương đau khổ của kiếp nhân sinh, đã không ngừng hướng thơ mình và đời mình tới sự trong trẻo toàn triệt.

Nhiều tham luận trong hội thảo này đã không ngần ngại gọi Hàn Mặc Tử là nhà thơ kỳ diệu, đã ví ông với những nhà thơ lớn trên thế giới như Ê-xê-nhin hay Loóc-ca. So sánh này đến từ sự đối chiếu những văn bản thơ, chứ không phải từ tình cảm cá nhân “yêu nên tốt”. Quả thật, phải qua rất nhiều trải nghiệm sống, nhiều từng trải, nhiều kiến văn, người ta mới càng thấy giá trị của thi ca Hàn Mặc Tử. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều-Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam-đã khẳng định: “Một bài thơ như “Mùa xuân chín” có thể sánh ngang với những bài thơ hay nhất trên thế giới mà không một chút mặc cảm.” Cũng như thế, những bài thơ vật vã trong khổ đau cuối đời của Hàn Mặc Tử cũng đã được giải mã một cách thuyết phục. Đó là những bài thơ bất thường, lạ thường, phi thường chứ không phải những bài thơ điên loạn.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử, tập thơ “Gái quê”-tập thơ đầu tiên và duy nhất được in với số lượng rất khiêm tốn khi tác giả còn sống-đã tìm được “đường về” với người yêu thơ Việt Nam sau bao lưu lạc thăng trầm. Dù được in lại từ một bản đánh máy chứ không phải từ tập thơ gốc, nhưng với ngành văn bản học Việt Nam, đó cũng là một thành công lớn. Bởi lần đầu tiên, rất nhiều thế hệ yêu thơ Hàn Mặc Tử có cơ hội được đọc tập thơ “Gái quê” với trọn vẹn 34 bài thơ cùng lời tựa của nhà văn Phạm Văn Ký.

Bởi những bài thơ ấy, dù không dễ đọc, vẫn được tất cả những người yêu thơ cảm nhận được. Nhà thơ lớn không chỉ làm thơ cho đối tượng những người đọc tinh tuyển, mà còn làm thơ cho tất cả mọi người. Hàn Mặc Tử là một nhà thơ như vậy. Thơ ông đã giải phóng không chỉ là vô thức hay tiềm thức khỏi những trói buộc của duy lý, mà còn khiến thơ tự do tìm được con đường ngắn nhất đến với người đọc. Những nỗi đau mà Hàn Mặc Tử thể hiện tới tận cùng trong thơ ông đều được người đọc chia sẻ và cảm thông. Nếu Hàn Mặc Tử, từ cõi xa xăm nào đó, nhận thấy điều này, hẳn ông sẽ yên lòng biết bao! Thơ ông đã được đón nhận, không chỉ ở Quy Nhơn, Bình Định, không chỉ ở Việt Nam, mà còn rộng xa ở nhiều vùng trên thế giới. Nhưng trước hết, thơ Hàn thi sĩ thuộc về quê hương Việt Nam, thuộc về người yêu thơ Việt Nam. Một trăm năm và lâu hơn thế nữa, người Việt Nam vẫn tiếp tục đọc thơ Hàn Mặc Tử, vẫn tiếp tục khám phá thơ ông, vẫn tiếp tục để lòng mình thổn thức cùng những câu thơ được viết ra từ máu huyết của ông.

 

Hội thảo tầm quốc gia đầu tiên về thơ Hàn Mặc Tử do UBND tỉnh Bình Định phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ.  (ảnh: SAO LY)

 

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử, tập thơ “Gái quê”-tập thơ đầu tiên và duy nhất được in với số lượng rất khiêm tốn khi tác giả còn sống-đã tìm được “đường về” với người yêu thơ Việt Nam sau bao lưu lạc thăng trầm. Dù được in lại từ một bản đánh máy chứ không phải từ tập thơ gốc, nhưng với ngành văn bản học Việt Nam, đó cũng là một thành công lớn. Bởi lần đầu tiên, rất nhiều thế hệ yêu thơ Hàn Mặc Tử có cơ hội được đọc tập thơ “Gái quê” với trọn vẹn 34 bài thơ cùng lời tựa của nhà văn Phạm Văn Ký.

Có một bài thơ trong tập “Gái quê” này, bài “Hát giã gạo” sinh thời khi Hàn thi sĩ mới in tập thơ đã phải đón nhận sự bình phẩm không mấy thiện cảm của một vài nhà nghiên cứu phê bình nổi tiếng thời đó. Người bây giờ chỉ được đọc những lời phẩm bình, mà chưa được đọc trực tiếp bài thơ để tự mình nhận xét. Với văn bản tập thơ “Gái quê” in lại lần này, người đọc đã được đọc bài thơ ấy, cùng nhiều bài thơ khác.

Khi lần đầu được đọc bài thơ “Hát giã gạo” tôi đã sửng sốt, không phải vì giọng thơ “suồng sã” mà có nhà phê bình ngày trước đã nói, mà bởi ngạc nhiên vì sự am tường của Hàn thi sĩ về văn học dân gian, về tình yêu của thi sĩ với những câu hò điệu hát trong lao động của người nông dân Việt Nam. Mộc mạc, hồn nhiên, hóm hỉnh, những lời thơ đối đáp trong bài “Hát giã gạo” đã thực sự chinh phục tôi, đã cho tôi một bài học quí giá: mỗi tác phẩm thơ, dù tân kỳ hiện đại tới đâu, cũng đều phải bắt nguồn từ bầu sữa của văn học nhân dân. Và nhà thơ càng gắn bó với cội nguồn nhân dân của mình, thì càng giải phóng thơ mình khỏi những trói buộc ngoài thơ.

Hàn Mặc Tử đã bay thênh thang tới cõi vô cùng với những bài thơ đầy thân phận, những bài thơ bắt nguồn từ nỗi đau, niềm hy vọng, và cả những bài thơ bắt nguồn từ những câu hò điệu hát của nhân dân, ẩn kín sau những câu thơ tự do và được giải phóng.

Một trăm năm và lâu hơn nữa, thơ Hàn Mặc Tử mãi là niềm tự hào của nền thơ Việt Nam. Và của những người yêu thơ Việt Nam, dù ở Quy Nhơn hay ở bất cứ đâu trên trái đất này.

  • Thanh Thảo
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trung thu với bạn  (29/09/2012)
Nồi chè khoán và que kẹo bông gòn  (29/09/2012)
Hướng đến múa lân đẹp  (01/10/2012)
Nâng cấp, mở rộng đền thờ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ  (29/09/2012)
Hai làng văn hóa xuất sắc tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số  (27/09/2012)
Trung thu có chú Cuội, chị Hằng  (27/09/2012)
Điểm sáng truyền thông cơ sở  (26/09/2012)
Liên hoan Đàn và Hát dân ca tỉnh Bình Định  (26/09/2012)
10 năm giữ vững danh hiệu Làng văn hóa  (26/09/2012)
Không bất ngờ, "Mùi cỏ cháy" đi Oscar  (26/09/2012)
Cần tránh hình thức, nâng chất lượng  (24/09/2012)
Gặp mặt các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ nhận danh hiệu cao quý  (24/09/2012)
Thay đổi từ hai phía  (24/09/2012)
Đọc “Hầu chuyện tiền nhân”(*)  (28/09/2012)
Nữ nhà văn gốc Việt đoạt giải thưởng văn học tại Mỹ  (23/09/2012)