Nghệ sĩ Minh Hoàng:
Một đời đắm đuối với bài chòi
21:26', 4/10/ 2012 (GMT+7)

57 tuổi đời, gần 40 năm đeo đuổi nghệ thuật bài chòi, nghệ sĩ Minh Hoàng (tên thật là Thái Minh Hoàng) thuộc hàng diễn viên gạo cội của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Với người nghệ sĩ này, giữ gìn vốn cổ tinh túy của bài chòi Bình Định là tâm niệm một đời làm nghệ thuật…

 

Nghệ sĩ Minh Hoàng (bên phải) trong vở Cổ tích thời hiện đại.

 

Mê và biết hát bài chòi từ nhỏ, là cây văn nghệ của trường làng Mỹ Thắng (Phù Mỹ), cậu thiếu niên Minh Hoàng “lọt” vào mắt xanh của Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Bình Định, khi Đoàn về địa phương biểu diễn. Năm 1971, Minh Hoàng theo chân Đoàn Văn công Giải phóng - tiền thân của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định ngày nay - được các nghệ sĩ lão thành như: Phan Ngạn, Nguyễn Thành Sung, Nguyễn Kiểm… chỉ dạy, truyền nghề. Năm 1979, anh chính thức được tuyển vào Đoàn Ca kịch Nghĩa Bình và trở thành một trong những diễn viên trụ cột của Đoàn cho đến nay.

Giọng bài chòi đặc trưng Bình Định

Minh Hoàng có chất giọng chắc khỏe, lời hát rõ chữ, gợi lên vẻ mộc mạc, gần gũi trong làn điệu. Anh tự nhận mình là người nệ cổ, không ép lòng ứng dụng sự cách tân, biến thể; bởi theo anh, đó là vốn cổ truyền quý báu mà mình may mắn được trải qua quá trình truyền dạy, thấm nhuần. “Từ nhỏ theo Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Bình Định rồi Đoàn Ca kịch Nghĩa Bình, dưới sự dẫn dắt của các nghệ sĩ bài chòi tài danh, tôi nắm vững làn điệu đặc trưng bài chòi Bình Định và có được giọng hát đậm đặc như vậy. Đấy là gia tài nghề nghiệp quý nhất của tôi”, Minh Hoàng tâm sự.

Năm 2003, trong lần ra Đà Nẵng tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp khu vực, Minh Hoàng và giọng ca bài chòi trứ danh miền Trung- NSƯT Đỗ Linh của sân khấu bài chòi Đà Nẵng - đã có cuộc thi tài về những làn điệu đặc trưng của bài chòi. NSƯT Đỗ Linh nổi tiếng khắp miền Trung bởi giọng bài chòi pha cải lương, tân cổ rất ngọt. Sau cuộc tranh tài vui, đồng nghiệp đi đến kết luận: ở miền Trung, hát bài chòi “pha” không ai qua nổi Đỗ Linh; còn đúng chất cổ phải gọi tên Minh Hoàng.

Hay, trong lần Đoàn biểu diễn tại Hà Nội, giọng hát của Minh Hoàng đã làm lay động NSND Lệ Thi - một nghệ sĩ đại thụ của nghệ thuật kịch hát bài chòi. Sau lần biểu diễn ấy, NSND đã tìm gặp Minh Hoàng và nói: “Lâu lắm rồi cô mới được nghe bài chòi đúng kiểu Bình Định”. 

“Tình yêu bài chòi rất lớn trong tôi”

So với đồng nghiệp trang lứa và cả lớp đàn em trong nghề, Minh Hoàng là người kém “duyên” với giải thưởng, danh hiệu. Đến nay, thành tích nghệ thuật của Minh Hoàng vẫn ở mức khá khiêm tốn: 1 HCV vai đại úy Đức trong vở “Đứa con tôi” tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp miền Trung năm 2003; vài HCB các vai: ông già Lưu vở “Người tử tù mất tích”, Tân trong vở “Thời con gái đã xa”…; 1 HCĐ vai vua Trần Anh Tông trong vở “Huyền Trân công chúa”.

Nhưng, đồng nghiệp quý trọng anh ở sự cống hiến cho nghề. Anh làm việc hăng say, nghiêm túc, nhiệt tình đóng góp trên nhiều lĩnh vực. Ngoài chuyên môn diễn viên, Minh Hoàng còn tham gia giảng dạy, truyền nghề cho các lớp diễn viên trẻ; công tác giảng dạy dân ca- bài chòi trong các trường học và trên Đài Phát thanh - Truyền hình; tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ phong trào; và là một trong những giọng ngâm thơ nam nổi trội trong tỉnh. Đã luống tuổi, vẫn thấy Minh Hoàng xông xáo, đều đặn cùng lớp nghệ sĩ trẻ hăng hái phục vụ biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật lễ hội, phục vụ du lịch, đi biểu diễn ở cơ sở…

“Ăn cơm tổ càng cố gắng giữ gìn, phụng sự tổ nghiệp; nói đam mê, yêu nghề mà không hy sinh, cống hiến là mâu thuẫn. Tôi sẽ còn đeo đuổi nghề bởi tình yêu bài chòi rất lớn trong tôi…”, nghệ sĩ Minh Hoàng tâm sự.          

  • SAO LY
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cống hiến không mệt mỏi  (03/10/2012)
Chưa ổn định, thiếu chiều sâu   (03/10/2012)
NSNA Đào Tiến Đạt đoạt Huy chương Vàng PSA  (03/10/2012)
Tác giả Nguyễn Thị Quyên được trao giải Khuyến khích  (03/10/2012)
5 di thư của Bác trở thành bảo vật quốc gia  (03/10/2012)
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm thành Di sản ký ức thế giới  (02/10/2012)
Nhiều chuyển biến tích cực  (02/10/2012)
Trăm năm, và lâu hơn nữa  (01/10/2012)
Trung thu với bạn  (29/09/2012)
Nồi chè khoán và que kẹo bông gòn  (29/09/2012)
Hướng đến múa lân đẹp  (01/10/2012)
Nâng cấp, mở rộng đền thờ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ  (29/09/2012)
Hai làng văn hóa xuất sắc tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số  (27/09/2012)
Trung thu có chú Cuội, chị Hằng  (27/09/2012)
Điểm sáng truyền thông cơ sở  (26/09/2012)