* Truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG
Hảo dọn về nhà mới. Đồ đạc chất vừa gọn trên chiếc xe tải loại trung. Lúc xuống xe, bà chủ nhà cặp vách tự nguyện phụ giúp bưng bê đồ, miệng xoen xoét: “Cậu bây giờ là người của xóm; là láng giềng của tôi rồi nhé! Nhất cận nhì viễn, bà con xa không bằng láng giềng gần. Nghe nói cậu là công an hả? Công an đẹp trai như kép hát ai ngán! Vợ cậu làm nghề gì? Về đây sống thế nào? Sao không mua nhà ở phố đi làm cho tiện?”.
Hàng loạt câu hỏi tuôn ra như nước chảy, Hảo không tài nào trả lời kịp. Và dường như bà cụ hỏi để mà hỏi chứ chẳng quan tâm đến mảy may thông tin. Hảo luôn miệng dạ và cười. Vợ Hảo bất giác đưa tay lên che miệng, nhìn Hảo cười rúc rích. Chợt có tiếng gọi giật giọng của cô gái nhà bên cạnh. Cô ta trờ ra trước cửa, mặt mày đầy son phấn, mặc chiếc áo màu hồng mỏng dính cũn cỡn với chiếc quần sort màu trắng: “Má! Ai mượn má xúm xít vào đó? Về nhà con nhờ việc này”.
Bà cụ lặng lẽ đi vào nhà, Hảo còn nghe loáng thoáng giọng cằn nhằn: “Má thật kỳ cục, tự dưng khuân đồ không công cho người ta...”.
Hảo cảm thấy khó chịu vì sự hằn học và cái nhìn bỡn cợt, xấc xược của cô gái. Sau này Hảo mới hiểu cuộc sống của người mẹ lệ thuộc vào đứa con gái bằng những việc làm chẳng hay húng gì.
Khác biệt với nhà bà Bốn (người đàn bà hay nói nhiều), cặp vách nhà Hảo phía bên phải là cuộc sống đơn điệu của cụ Bảy với đứa cháu gái chừng mười chín, hai mươi. Bà Bảy qua đời. Các con ông Bảy đứa ở Mỹ, đứa ở Pháp. Tiền ông không thiếu, chỉ thiếu tình người, thiếu những cuộc trò chuyện sớm hôm và sự chia sẻ lúc đau ốm. Trên mắt ông cụ lúc nào cũng dính đôi kính dày cộp như hai cái đít chai. Ông ngồi hàng giờ bên tách trà, mắt nhìn vô định. Đứa cháu gái ngoài việc bếp núc, thời giờ còn lại đốt cả vào quán Internet ở đầu làng. Đêm nằm nó mê ngủ cười sằng sặc, thoáng chốc lại bật khóc hu hu. Ông Bảy phải lần mò vào phòng đập dậy để rồi trông cái vẻ ngơ ngác của nó không biết nên buồn hay nên giận.
Ngoài ông Bảy, cô cháu gái, nhà còn có con chó to như con bê, lông vàng óng bị xích lâu ngày sau hè, đêm đêm tru rợn người. Phía sau nhà Hảo là gia đình của người đàn bà góa chồng. Cô con gái tuổi đôi mươi ngày ngày cần mẫn ngồi bóc vỏ hạt điều với mẹ kiếm vài chục ngàn đong gạo. Thằng anh tóc đỏ, tóc xanh, thân hình suông đuột, đen trũi, không nghề ngỗng, học hành được mấy chữ bỏ ngang, nhập vào đám ngựa chứng bất kham.
*
Mỗi ngày qua, Hảo bắt đầu hiểu vì sao người ta đặt tên xóm là Phong Lưu. Nó có quá nhiều khách vãng lai, quá nhiều hoàn cảnh sống khác biệt. Thành phần vô công rỗi nghề không biết từ đâu đổ xô vào cái xóm nhà cửa san sát, thở một tí cũng chạm hơi nhau. Họ kiếm sống bằng cho vay nặng lãi, chụp giựt, đánh đề, cờ bạc...
Hôm trước nhà đối diện phía bên kia đường bị trộm vịt, hôm sau nhà kề vách bị mất gà. Sáng, Hảo dắt xe ra ngõ đi làm nghe cô bé con bà Bốn giễu cợt: “Hồi chưa có công an, nhà tôi đâu có bị mất trộm”. Hảo nghe đắng ngắt ở cổ họng.
Mấy ngày sau, Hảo đang làm việc ở cơ quan thì Liên (vợ Hảo) gọi máy di động, thảng thốt: “Anh ơi, gà nhà mình bị mất sạch rồi. Anh về ngay!”. Anh sửng sốt: “Sao? Bị mất hết hả? Em giữ nguyên hiện trường, chiều anh về!”. Bên kia đầu dây chảy dài giọng hờn dỗi: “Chiều anh về chắc là bọn trộm đã rửa sạch chén bát”. Nghĩ thương vợ đảm đang, ngoài giờ đi dạy học cô còn dành thời gian chăm sóc mấy con gà. Hôm sinh nhật vợ, Hảo đề nghị làm thịt con gà mái ăn tươi một bữa. Nàng tiếc rẻ: “Thôi đi mình! Ta dùng món khác để con gà lại cho nó đẻ trứng...”.
Hảo về nhìn dấu dép in trên cát sau hè, rồi nhìn lên bờ tường gắn mẻ chai, anh đoán ra kẻ trộm đột nhập từ phía sau. Có thể một tên cõng một tên khác lên vai để nhảy xuống. Gã thanh niên tóc xanh, tóc đỏ với đám bạn hỗn tạp hiện lên trong đầu Hảo. Anh thay quần áo, sang nhà hàng xóm chơi. Hảo làm như vô tình xỏ chân vào đôi dép của thằng con trai tóc xanh, tóc đỏ bước ra sau hè xem mấy cây cà dĩa. Dấu dép in trên cát khớp với dấu dép in sau hè nhà Hảo. Anh âm thầm ra về. Sẫm tối, Hảo đến thẳng quán nhậu của Hai Thẹo; nơi đối tượng hình sự thường tụ tập chè chén sau mỗi vụ trộm.
*
Cuộc tiếp xúc cử tri của các thành viên Hội đồng nhân dân xã tại xóm Phong Lưu bị nhân dân chất vấn gay gắt. Ông Hùng, thôn trưởng (cũng là thành viên Hội đồng nhân dân xã) chống chế một cách yếu ớt như người dùng đôi bàn tay giữ cái cây trước cơn bão: “Như bà con mình thấy đó, lực lượng của thôn quá mỏng không thể nào kiểm soát hết tình hình trật tự. Kẻ gây án lại là khách vãng lai. Trộm cắp xong, chúng nhảy tàu, nhảy xe đi mất”. Từ phía dưới, một người đàn ông bật dậy, cất tiếng nói oang oang pha chút chì chiết: “Tôi xin hỏi ông thôn trưởng, vụ ban đêm kẻ gian dùng đá tấn chặt cửa sau, bắt hết đàn gà của nhà thằng Bến. Chủ nhà kêu cứu, chúng dùng đá ném ầm ầm vào nhà người bị hại trước khi rút lui cũng là dân vãng lai chắc? Tôi tin rằng ông trưởng thôn biết mặt mấy thằng ăn trộm, nhưng ông không dám báo cáo về xã”.
Ông trưởng thôn quay sang nhìn mấy vị thành viên hội đồng đương chức ở xã ngồi phỗng ra trên chiếc bàn dài đặt trước Nhà văn hóa thôn. Ông chưa kịp “đáp từ”, bỗng có giọng nói của phái nữ vang lên rõ mồn một: “Thôn ta giờ có công an tỉnh lo chi chuyện trộm cắp hở mấy người!”. Hảo biết người vừa phát biểu có ý gì.
Đi họp về, bước vào thềm, Hảo thấy bà Bốn ngồi trên ghế sa-lông nói chuyện với Liên. Hai người nghe tiếng động cùng ngẩng đầu lên một lượt. Liên háy mắt về phía khách. Bao năm chung sống, Hảo hiểu ý cái háy mắt của vợ “có vấn đề”. Anh quay sang nhìn bà Bốn. Đôi mắt của bà thật rối rắm bởi những giọt nước đọng trên mi. Bất chợt bà Bốn nhích người về phía Hảo, nắm lấy bàn tay anh, mếu máo: “Hảo ơi, con Lệ nhà bác bị công an bắt rồi! Cháu có cách nào giúp bác với!”. Bà cụ đổi cách xưng hô, từ gọi bằng cậu trước đây giờ chuyển sang gọi bằng cháu ngọt ngào. Cái giọng khàn khàn hôm nay nghe càng đục hơn. Hảo châm nước vào ly trao cho bà cụ: “Bác uống nước đi rồi bình tĩnh kể cho cháu nghe chuyện gì đã xảy ra?”. Bà cụ không buồn nhìn ly nước, đưa tay áo lên quệt nước mắt, thổn thức: “Con gái bác đi phụ bán quán cà phê ngoài phố đâu có tội tình gì mà bị công an bắt hồi chiều. Cháu làm ơn cứu nó... cứu nó... Bác xin cháu!”. Hảo thừa biết Lệ làm tiếp viên cho một quán karaoke. Có lẽ cô bị “gom” trong đợt truy quét các tệ nạn xã hội. Bà cụ quá thật thà tin vào những đồng tiền của con mang về là những đồng tiền kiếm được từ việc làm lương thiện. “Cháu sẽ cố gắng tìm hiểu việc em Lệ bị bắt, nhưng bác đừng hy vọng gì về cháu nhiều” - Hảo an ủi bà cụ.
*
Hai hôm sau Lệ được thả về nhà. Những ngày sau đó, mỗi lần Lệ nhìn thấy Hảo là cúi gằm mặt, bước nhanh. Một lần, Lệ vừa bước vào hiên nhà, Hảo trông thấy, cất tiếng gọi: “Lệ, em vào đây anh bảo!”. Bàn chân cô khựng lại. Cô ngước nhìn Hảo, ánh mắt hiện lên sự thẹn thùng, bối rối, rồi rón rén bước vào nhà, lặng lẽ ngồi xuống ghế. Khi ấy Hảo nhìn cô, cười nhẹ: “Em sao thế? Người nhà chung vách, mỗi lần gặp anh, em cứ lảng tránh?”. Lệ đưa tay vén mấy sợi tóc mai lòa xòa trên trán, không dám nhìn thẳng vào mắt Hảo: “Dạ, em cảm thấy xấu hổ vì đã có những hành động nông nổi đối với anh... Anh tha lỗi cho em! Em biết anh đã bảo lãnh cho em được về nhà... Em rất biết ơn...”. Hảo thấy lòng nhẹ nhõm: “Em hãy tìm một việc làm lương thiện như bao người khác. Anh không nói cho má em và mọi người biết vì sao em bị bắt. Đừng để má em mất niềm tin vào em”.
*
Trên đường Hảo đi làm, chưa ra khỏi địa phận của thôn, chợt phát hiện phía trước có gã thanh niên đeo khẩu trang, tay cầm cái cây gắn thòng lọng siết vào cổ con chó đang giằng co với người đàn ông trung niên. Mặc cho con chó kêu ăng ẳng, người đàn ông gào thét, gã cướp chó ra sức trì kéo. Nhắm bề cướp cạn không trôi, gã đồng bọn xông vô dùng cây bổ vào lưng của người đàn ông. Hảo phanh xe, dựng bên lề đường, lao tới, quật ngã gã thanh niên đang dùng cây đánh người. Gã cướp chó thấy vậy, nhặt cái cây của đồng bọn làm rơi xuống đường vụt ngay vào đầu Hảo. Mọi người đi đường dừng lại hô to: “Coi chừng đánh lén!”. Hảo quay lưng, theo phản xạ, anh đưa tay lên đỡ, truy hô: “Bà con ơi! Bắt lấy kẻ gian!”. Cánh tay trái của Hảo đỡ trúng đầu cái cây, rách toạc một đường, chảy máu. Hai tên cẩu tặc định tháo chạy thì bị người đàn ông trung niên và mọi người áp tới bắt trói. Con chó được tháo khỏi dây thòng lọng, chạy vù một hơi về phía nhà ven đường. Hai kẻ cướp chó bị dẫn giải về Công an xã. Hảo được mọi người đi đường đưa đến Trạm y tế xã băng vết thương. Khi anh trở về nhà đã thấy mọi người kéo đến thăm đông nghịt. Mọi người nhôn nhao: “Vết thương có nặng lắm không cháu? Phải tóm cổ cho bằng hết bọn cẩu tặc đem bỏ tù! Bà con xóm mình đoàn kết một lòng chống lại kẻ gian, bọn trộm cướp sẽ không còn đất sống!”. Vết thương vẫn còn đau buốt vậy mà Hảo thấy lòng ấm áp lạ thường.
Thôn trưởng Hùng triệu tập bà con xóm Phong Lưu để tham gia kiểm điểm sáu đối tượng trộm cắp, gây rối trật tự xã hội có sự chứng kiến của Công an xã và các đoàn thể. Sáu gã thanh niên tuổi đời còn rất trẻ đứng sắp hàng đối diện với đám đông. Từng đối tượng một đọc bản kiểm điểm về hành vi phạm pháp của mình và xin hứa khắc phục tội lỗi. Không ai tưởng tượng nổi những gương mặt búng ra sữa ấy đã từng là hung thần, sát thủ phóng xe máy ầm ầm trên đường làng, bao vây nhà dân vơ vét gà vịt, của cải, nã đá vào nhà, đánh côn vào đầu bất kỳ ai cản ngăn hành vi phạm pháp của chúng.
Hôm nay, Trưởng thôn Hùng ăn mặc chỉnh tề, đạo mạo, vẻ mặt tươi tỉnh, đứng trước chiếc bàn phủ vải đỏ, giọng hùng hồn: “Thưa bà con! Bà con có biết vì sao bọn trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự xã hội có thời gian dài hoành hành ở xóm Phong Lưu này không? Vì chúng ta chưa đề cao cảnh giác. Vì chúng ta cầu an, không đoàn kết chung sức chống lại kẻ gian. Chúng ta lơ đễnh trong việc quản lý tài sản, để cho kẻ gian động lòng tham, có cơ hội trộm cướp. Tất nhiên về mặt quản lý thôn xóm, chúng tôi đã chưa làm tròn trách nhiệm. Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trước bà con!”.
Bên dưới vang lên tiếng vỗ tay rào rào. Có lẽ mọi người thỏa mãn với sự nhận lỗi thẳng thắn của ông thôn trưởng. Cử tọa có vẻ như xúc động, ông bưng ly nước uống một ngụm rồi từ tốn nói: “Thời gian qua, Ban Nhân dân thôn và Ban Công an đã nắm chắc hoạt động phạm tội của các đối tượng nên tiến hành đấu tranh làm rõ hành vi từng người. Bà con xem, chỉ bấy nhiêu thanh niên đang đứng ở đây đã gây hoang mang cho biết bao gia đình. Giờ đến lượt bà con tham gia ý kiến nên để số đối tượng này giáo dục ở tại địa phương hay đưa đi nơi khác?”. Một trong sáu đối tượng bị kiểm điểm bước ra khỏi hàng, tiến lại bên chiếc mi-crô: “Kính thưa các ông bà, các chú bác! Thưa chú Hảo, cháu biết chú đang có mặt ở đây. Cháu xin lỗi chú thím vì lỡ dại bắt trộm mấy con gà nhà chú... Cháu hiểu chú đã có đủ bằng chứng về hành vi của cháu, nhưng vì tình bà con láng giềng mà chú không truy tội của cháu”.
Mọi người bỗng nhiên im phăng phắc. Hảo đứng bên ngoài thấy lòng mình nôn nao. Một bàn tay bóp nhẹ trên vai Hảo: “Cậu khá lắm! Quả nhiên cậu không làm chúng tôi thất vọng”. Một giọng nói Hảo từng nghe ở đâu đó. Anh quay lại nhìn. Thì ra người vừa nói là đồng chí Bí thư chi bộ, nơi Hảo đang cư trú.
|