“Ai về Hóc nghệ, Ô Lâm. Bỏ dâu ai hái bỏ tằm ai nuôi/ Dâu tằm đã có cô ba, ruộng vườn cô bốn, cửa nhà cô năm...”. Ðó là câu ca dao nói về làng An Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, một làng quê xưa nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. An Thường còn là nơi sinh ra và lớn lên của chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, nổi tiếng thời Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
|
Di tích Đền thờ Tăng Bạt Hổ. Ảnh: VĂN LƯU |
Để tưởng nhớ và tôn vinh công đức của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, năm 2001, cán bộ và nhân dân huyện Hoài Ân đã xây dựng đền thờ ông, trên khu đất rộng trên 5.200m2 có tục danh là Gò Điếm, tại xóm Cửi, An Thường (nay thuộc thôn văn hóa An Thường 2, xã Ân Thạnh). Riêng diện tích ngôi đền rộng 120m2, gồm ba gian, được xây bằng gạch và bê tông cốt thép, kiến trúc theo lối kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Gian giữa ngôi nhà là điện thờ cụ Tăng, cha mẹ và những bạn bè, đồng chí của cụ. Hai gian bên, một gian làm phòng khách, một gian làm phòng trưng bày những hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của cụ. Ở đây, hiện có những hình ảnh, tài liệu, hiện vật có giá trị gắn liền cuộc đời cụ Tăng.
Năm 2003, Đền thờ Tăng Bạt Hổ được UBND tỉnh xếp hạng là di tích văn hóa-lịch sử cấp tỉnh. Huyện Hoài Ân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng các hạng mục làm cho cảnh quan Đền thờ khang trang hơn, trở thành điểm đến thăm viếng, tham quan của cán bộ và nhân dân; là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, tìm hiểu lịch sử địa phương của nhiều tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh trong tỉnh.
Đền thờ Tăng Bạt Hổ đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đã có nhiều cố gắng bảo quản, giữ gìn di tích. Tuy vậy, cùng với thời gian, Đền thờ Tăng Bạt Hổ bị xuống cấp. Để giữ gìn cho con cháu muôn đời một di sản vô giá của tổ tiên, mở rộng một số hạng mục đáp ứng nhu cầu thăm viếng, tham quan, góp phần giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ngày 28.9.2012, UBND tỉnh đã tổ chức lễ khởi công mở rộng, nâng cấp di tích này với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh, huyện và nguồn xã hội hóa.
|
Đền thờ Tăng Bạt Hổ là điểm đến thăm viếng, tham quan của cán bộ và nhân dân và là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, tìm hiểu lịch sử địa phương của nhiều tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh trong tỉnh. Ảnh: SAO LY |
Theo đó, Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ sẽ được mở rộng lên 9.262m2, gần gấp đôi so với không gian cũ. Điện thờ chính được mở rộng thêm, với diện tích sử dụng 360m2, sân vườn và khu hành lễ rộng 2.211m2. Đồng thời xây mới một số hạng mục, như: nhà trưng bày hiện vật về thân thế, sự nghiệp Tăng Bạt Hổ, hội trường, tường rào cổng ngõ, sân vườn, lối đi…
Khu di tích Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ không chỉ là niềm tự hào của cán bộ, nhân dân Hoài Ân, mà còn là địa chỉ văn hóa, điểm đến thăm viếng, tham quan, tìm hiểu của nhân dân mọi miền đất nước về chí sĩ Tăng Bạt Hổ, về đất và người Hoài Ân anh dũng, kiên cường. Việc mở rộng, nâng cấp khu di tích lịch sử này đã đáp ứng được nhu cầu phát triển về lâu dài của di tích, xứng tầm giá trị lịch sử; là cơ sở thiết thực cho việc xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ VH-TT&DL xét công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
|