Cách đây tròn 60 năm, ngày 10.10.1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia, mở ra thời kỳ mới cho sự nghiệp xuất bản nước ta. Hòa vào dòng chảy chung, ngành Xuất bản-In-Phát hành Bình Định cũng ngày càng phát triển, hội nhập.
Một chặng đường xuất bản-in-phát hành sách Việt Nam
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Xuất bản-In-Phát hành sách Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, giữ vững định hướng chính trị và ổn định xã hội…
Sáng 9.10, Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Xuất bản - In - Phát hành sách Việt Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng cùng đông đảo các thế hệ cán bộ, công nhân viên đã và đang công tác trong ngành Xuất bản - In - Phát hành trong tỉnh đã đến dự.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng biểu dương những thành tựu mà ngành Xuất bản-In-Phát hành đạt được cũng như tri ân các thế hệ đã cống hiến cho sự phát triển của ngành. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị cán bộ ngành Xuất bản-In-Phát hành tiếp tục phát huy trí tuệ xây dựng ngành phát triển vững mạnh, xứng đáng là ngành văn hóa, tư tưởng, định hướng xã hội.
Dịp này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Chí Cường và ông Đỗ Nhật Tân, Trưởng phòng Quản lý Báo chí-Xuất bản (Sở Thông tin và Truyền thông) vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. |
Nội dung xuất bản phẩm đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống tinh thần của người dân, phục vụ kịp thời, hiệu quả những sự kiện trọng đại của đất nước. Ngành in trở thành một trong những ngành công nghiệp sản xuất hiện đại. Công tác phát hành sách được đổi mới, phù hợp cơ chế thị trường, mở rộng các quan hệ đa phương, khai thác nhiều nguồn khác nhau nhằm đưa được sách hay, sách tốt đến với bạn đọc.
Hiện nay, cả nước có 64 nhà xuất bản, khoảng 1.500 cơ sở in trong đó có khoảng 400 cơ sở in xuất bản phẩm, đã hình thành mạng lưới in quốc gia gồm 2 trung tâm in lớn của cả nước là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 8 trọng điểm về in; có khoảng 13.700 nhà sách, hiệu sách, trung tâm sách; 119 công ty phát hành sách cấp tỉnh thuộc lĩnh vực thông tin- truyền thông, văn hóa, giáo dục - đào tạo; 75 công ty TNHH kinh doanh xuất bản phẩm. Qua đó, mức hưởng thụ số bản sách của người dân đã nâng từ 2,5 bản/người năm 2001 lên 3,3 bản/người năm 2011…
Ngành xuất bản Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA), triển khai các hoạt động hợp tác, thông tin đối ngoại, đưa sách báo trong nước đến với thế giới. Đến nay, ngành Xuất bản - In - Phát hành Việt Nam đã vươn lên hàng trung bình ở châu Á.
Bình Định không ngừng nâng cao chất lượng các ấn phẩm
Ngay khi Sắc lệnh 122/SL ngày 10.10.1952 ra đời, Bình Định khi ấy là vùng tự do trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp nên có điều kiện thực hiện sắc lệnh này. Tuy non trẻ, song ngành in, xuất bản cách mạng Bình Định đã phục vụ tốt cho kháng chiến.
|
Công ty TNHH MTV In Bình Định in 10 đầu báo và hầu hết các xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh. Ảnh: V.Lưu
|
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành phát triển thêm một bước đáng kể khi Tỉnh ủy Bình Định có nhà in (tiền thân của Công ty TNHH MTV Bình Định ngày nay) xuất bản báo Quyết thắng, in tài liệu phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, cổ vũ kháng chiến.
Ông Nguyễn Văn Ba, nguyên Giám đốc Công ty phát hành sách Bình Định, nhớ lại: “Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh ta là 1 trong 43 tỉnh, thành phố của cả nước tổ chức hoạt động xuất bản rất sớm, phương thức hoạt động gắn kết 3 khâu xuất bản - in - phát hành, tạo ra nhiều sách hay, sách tốt phục vụ nhân dân”. Thời kỳ này, Nghĩa Bình có gần 30 cửa hàng sách quốc doanh, nhà in Quang Trung, nhà xuất bản Nghĩa Bình xuất bản hàng trăm đầu sách với nhiều tác phẩm để lại dấu ấn, như: loạt sách của nhóm Tây Sơn học do Giáo sư Phan Huy Lê đứng đầu viết về Phong trào khởi nghĩa Tây Sơn; Văn học thời Tây Sơn của Giáo sư Nguyễn Lộc; Truyện ký Nghĩa Bình; Trẻ con ở Sơn Mỹ… Đến năm 1997, toàn tỉnh có 8 đơn vị xuất bản tạp chí, bản tin.
Năm 2004, Luật Xuất bản ra đời, hoạt động xuất bản-in-phát hành phát triển rộng và sâu hơn. Trong lĩnh vực in, đến nay Bình Định đã có 19 cơ sở in offset, trong đó 9 đơn vị được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm. Hiện nay, Công ty TNHH MTV In Bình Định in 10 đầu báo và hầu hết các xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh; chiếm khoảng 70% doanh thu toàn ngành. Trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, Bình Định có 3 cơ sở chính là Nhà sách Quy Nhơn (thuộc Công ty cổ phần Văn hóa Du lịch Gia Lai), Nhà sách Fahasa Quy Nhơn-chi nhánh của Công ty cổ phần Phát hành sách TP. Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần sách-thiết bị trường học Bình Định với 12 cửa hàng ở các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, còn có 29 cửa hàng, đại lý, các công ty, chi nhánh phát hành chủ động nhập và phân phối các loại sách phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, hoạt động xuất bản tại Bình Định vẫn tồn tại nhiều khó khăn, nhất là trong công tác quản lý. Ngành sẽ tăng cường thực hiện một số hoạt động khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp in mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu; đồng thời quy hoạch công tác in, xuất bản, phát hành sách…
|