Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở:
Chú trọng đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng
21:45', 10/10/ 2012 (GMT+7)

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc xây dựng thiết chế văn hóa ở các địa phương trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thiếu và chưa đồng đều

Theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 55 nhà văn hóa. So với năm trước, có thêm 10 địa phương nâng cấp trung tâm học tập cộng đồng để đảm bảo là một thiết chế văn hóa cấp xã. 85 khu sinh hoạt văn hóa-thể thao cấp xã có sân khấu ngoài trời kiên cố được trang bị âm thanh, ánh sáng; 100 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng lồng ghép một số hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

 
Nhà văn hóa làng Kà Bưng, xã canh Thuận (Vân Canh).   Ảnh: VĂN LƯU

Đến nay, trên tổng số 1.121 thôn, khu phố, làng của Bình Định mới chỉ có 138 nhà văn hóa, thôn, khu phố; 76 nhà rông Bana và Chăm, 28 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng H’rê; 784 trụ sở thôn có khả năng đảm trách một số hoạt động văn hóa cơ sở. Như vậy, trên địa bàn tỉnh có khoảng 70% số thôn, làng, khu phố có thiết chế đáp ứng được một số hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Nhà văn hóa phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn là một mô hình tiêu biểu về đầu tư xây dựng và sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở. Nhà văn hóa được xây dựng từ năm 2007, ngoài kinh phí đầu tư của Nhà nước, còn có sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân để xây dựng và trang bị đầy đủ thiết bị âm thanh, ánh sáng. Ðến nay, Nhà văn hóa phường Nhơn Hưng đã tổ chức thường xuyên nhiều hoạt động, có thư viện với gần 3.000 đầu sách thu hút nhiều bạn đọc. 

Tìm hiểu cụ thể về tình hình xây dựng thiết chế văn hóa ở các địa phương cho thấy còn thiếu nhiều. Ngay tại TP Quy Nhơn, hiện mới có 13/21 xã, phường có nhà văn hóa, 11 trung tâm học tập cộng đồng, 11 khu sinh hoạt văn hóa. Trong tổng số 133 khu phố của thành phố chỉ có 58 khu phố có trụ sở làm việc, 36 nhà văn hóa khu phố.

Các huyện khác cũng rơi vào tình trạng thiếu nhà văn hóa cấp xã. Điểm lại, thị xã An Nhơn cũng chỉ có 3 nhà văn hóa. Huyện Hoài Ân có 5 nhà văn hóa. Huyện Tuy Phước có 2 nhà văn hóa. Huyện Tây Sơn mới có 1 nhà văn hóa. Huyện Vĩnh Thạnh có 1 nhà văn hóa. Huyện Hoài Nhơn có 2 nhà văn hóa… Trong khi đó, nhiều địa phương có rất ít, hoặc không có nhà văn hóa thôn.

Xây dựng gắn với sử dụng hiệu quả

Thực tiễn đã khẳng định hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở không thể thiếu trong đời sống văn hóa của nhân dân. Để xây dựng và phát huy hiệu quả sử dụng của các thiết chế văn hóa cơ sở cần có sự quan tâm của các cấp, ngành, sự nỗ lực của từng địa phương. Trước hết là việc quy hoạch đất đai, đầu tư kinh phí xây dựng thiết chế văn hóa từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện tốt công tác xã hội hóa.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa-thể dục thể thao đến năm 2020, với các mục tiêu cụ thể: xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng; phấn đấu đến năm 2015 và 2020, 90-100% số quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện; 80-90% số xã, thị trấn có nhà văn hóa; 60-70% số làng, bản, ấp có nhà văn hóa.

Hiện nay, chỉ có một số huyện có số lượng nhà văn hóa nhiều, như: huyện An Lão 57/57 thôn, Hoài Ân 56/82 thôn, Vân Canh 12/20 thôn có nhà văn hóa. Ông Trần Lâm, Trưởng thôn 4, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, cho biết: “Nhà văn hóa thôn được xây dựng từ một phần kinh phí hỗ trợ của xã và đóng góp của người dân. Thôn có quy định, một hộ mới chuyển đến hoặc tách hộ mới phải đóng góp cho quỹ thôn 200 ngàn đồng. Nhờ vậy, mới có được nguồn kinh phí trang bị bàn ghế, dàn âm thanh để đảm bảo tổ chức các hoạt động tại nhà văn hóa”.

Đồng thời với việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, cũng cần tính đến hiệu quả sử dụng. Trong thực tế đã xảy ra hiện tượng nhà văn hóa xây dựng hoành tráng, nhưng hiệu quả sử dụng thấp, thỉnh thoảng chỉ dùng để hội họp. Điều này đòi hỏi xây dựng thiết chế văn hóa không chỉ có cơ sở vật chất mà phải gắn liền với việc tổ chức hoạt động hiệu quả với đội ngũ nhân lực có trình độ…

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Địa phương tính đến việc quy hoạch nhà văn hóa, khu thể thao thôn, trung tâm văn hóa-thể thao xã đạt chuẩn… với hình thức hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng, khuyến khích nguồn xã hội hóa hỗ trợ trang thiết bị. Đồng thời tính đến hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa này, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân”.

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nâng cao vai trò, vị thế của ngành Xuất bản-In-Phát hành sách  (09/10/2012)
Còn thiếu địa điểm triển lãm nghệ thuật phù hợp  (08/10/2012)
Xứng tầm giá trị lịch sử  (08/10/2012)
Bảo tàng nghìn tỷ “rỗng ruột” sau 2 năm mở cửa  (08/10/2012)
Giúp 86 hộ dân ở xã đảo Nhơn Châu được xem truyền hình Bình Định  (08/10/2012)
Nỗi niềm thầm lặng  (06/10/2012)
Sự thất bại của các tay máy Bình Định  (06/10/2012)
Tản mạn mưa  (06/10/2012)
"Chơi giữa mùa trăng"   (06/10/2012)
Lễ hội tưởng niệm 712 năm Ngày húy kỵ Đức Thánh Trần  (05/10/2012)
Một đời đắm đuối với bài chòi  (04/10/2012)
Cống hiến không mệt mỏi  (03/10/2012)
Chưa ổn định, thiếu chiều sâu   (03/10/2012)
NSNA Đào Tiến Đạt đoạt Huy chương Vàng PSA  (03/10/2012)
Tác giả Nguyễn Thị Quyên được trao giải Khuyến khích  (03/10/2012)