Đôi nét về khu dân cư văn hóa Liêm Trực
19:48', 10/10/ 2012 (GMT+7)

3 năm liền (2009-2011), khu vực Liêm Trực, phường Bình Ðịnh, thị xã An Nhơn, được công nhận khu dân cư văn hóa cấp tỉnh. Ðời sống nhân dân trong khu vực đã có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét.

Về Liêm Trực hôm nay, đi trên những con đường bê tông, ngắm nhìn các ngôi nhà cao tầng khang trang, mới thấy hết sự “thay da đổi thịt” ở vùng quê này. Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu vực Liêm Trực, phấn khởi cho biết: “Để có được kết quả như ngày hôm nay, Chi bộ Đảng, Mặt trận và nhân dân Liêm Trực đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện tốt 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (TDĐKXDĐSVHƠKDC)”.

Liêm Trực có 538 hộ gia đình chủ yếu sống bằng nghề nông. Nhờ chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân dân Liêm Trực đẩy mạnh phát triển sản xuất theo lợi thế của địa phương, phát triển nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài hai vụ lúa, người dân còn trồng rau màu, trong đó chú trọng mô hình rau an toàn, nuôi bò lai và thỏ cho năng suất cao. Một số ngành nghề, dịch vụ cũng đang phát triển. Nhân dân khu vực Liêm Trực từng bước thoát ra khỏi cái nghèo; số hộ có đời sống kinh tế khá, giàu chiếm gần 95%; bình quân thu nhập đầu người năm 2011 đạt khoảng 24 triệu đồng; trên 90% hộ gia đình có xe máy, điện thoại, gần 100% hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn và nhiều vật dụng giá trị khác…

Cùng với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao. Nhà văn hóa Liêm Trực được xây dựng từ năm 2007 có đầy đủ các trang thiết bị, do nhân dân trong khu dân cư góp sức xây dựng, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Nhờ đó, các đoàn thể trong khu vực có điều kiện để sinh hoạt đều đặn. Sân cầu lông phía trước nhà văn hóa là nơi người dân thường xuyên tập luyện, thi đấu thể thao. Phong trào thể dục thể thao của khu vực phát triển, thu hút nhiều người tham gia. Câu lạc bộ dưỡng sinh, thơ ca, hò vè của người cao tuổi hoạt động sôi nổi, qua đó gắn kết tình làng nghĩa xóm…

Hàng năm, địa phương thực hiện tốt các chế độ cho hộ chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chính quyền khu vực Liêm Trực còn vận động nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng để sửa chữa trường mầm non, nghĩa trang và các thiết chế văn hóa-thể thao. 

Số hộ gia đình văn hóa ở khu vực tăng và phát triển bền vững. Năm 2005, Liêm Trực chỉ có khoảng 70% gia đình đạt gia đình văn hóa thì đến năm 2011 đã có 37.024 gia đình đạt gia đình văn hóa (tỉ lệ 90%), nhiều gia đình giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa trong nhiều năm liền. Ông Nguyễn Văn Lộc, Bí thư Đảng ủy phường Bình Định, tin tưởng rằng Liêm Trực sẽ trở thành khu phố văn hóa kiểu mẫu trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn thị xã.

  • THANH TOÀN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chú trọng đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng   (10/10/2012)
Nâng cao vai trò, vị thế của ngành Xuất bản-In-Phát hành sách  (09/10/2012)
Còn thiếu địa điểm triển lãm nghệ thuật phù hợp  (08/10/2012)
Xứng tầm giá trị lịch sử  (08/10/2012)
Bảo tàng nghìn tỷ “rỗng ruột” sau 2 năm mở cửa  (08/10/2012)
Giúp 86 hộ dân ở xã đảo Nhơn Châu được xem truyền hình Bình Định  (08/10/2012)
Nỗi niềm thầm lặng  (06/10/2012)
Sự thất bại của các tay máy Bình Định  (06/10/2012)
Tản mạn mưa  (06/10/2012)
"Chơi giữa mùa trăng"   (06/10/2012)
Lễ hội tưởng niệm 712 năm Ngày húy kỵ Đức Thánh Trần  (05/10/2012)
Một đời đắm đuối với bài chòi  (04/10/2012)
Cống hiến không mệt mỏi  (03/10/2012)
Chưa ổn định, thiếu chiều sâu   (03/10/2012)
NSNA Đào Tiến Đạt đoạt Huy chương Vàng PSA  (03/10/2012)