Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cần được nâng tầm
22:1', 11/10/ 2012 (GMT+7)

Bảo tàng Tổng hợp (BTTH) tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ các di vật, cổ vật liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của Bình Định. Trải qua mấy chục năm nỗ lực phục vụ, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang rất cần được đầu tư, nâng tầm.

 

Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có nhiều nỗ lực thu hút học sinh, sinh viên đến tham quan.

 

Nỗ lực phục vụ

BTTH tỉnh luôn bám sát thực hiện việc tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa Bình Định. Trong 2 năm 2010 và 2011, Bảo tàng đã tiến hành nhiều hoạt động, như: hoàn thành hồ sơ trình các cấp ra quyết định xếp hạng 8 di tích cấp tỉnh và 1 di tích cấp quốc gia; lập hồ sơ hàng nghìn hiện vật điêu khắc đá, gốm đất nung khai quật; kiểm kê hàng trăm tư liệu hiện vật mới sưu tầm được. Ngoài ra, BTTH tỉnh còn phối hợp Bảo tàng Nhân học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) điều tra, khảo sát lập bản đồ khảo cổ học tại 3 huyện Hoài Nhơn, An Lão, Phù Mỹ; phối hợp với Trường Viễn đông Bác cổ Pháp điều tra khảo sát tại Tĩnh Man Trường Lũy (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn); phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật phế tích tháp Mẫm; phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khai quật di tích Truông Xe…

Trong năm 2010, BTTH tỉnh đã thu hút được 476 lượt khách quốc tế, 4.479 lượt khách trong nước; năm 2011 thu hút 543 lượt khách quốc tế, 4.141 lượt khách trong nước và 9 tháng đầu năm nay thu hút 423 lượt khách quốc tế, 3.142 lượt khách trong nước.  

Từ đầu năm 2012 đến nay, BTTH tỉnh thực hiện công tác sưu tầm được 47 hiện vật; làm việc với Bảo tàng lịch sử Quốc gia khảo sát nghiên cứu các phương tiện đánh bắt bằng thuyền nan; phối hợp Viện Khảo cổ học khai quật Đồn Thứ (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn); tiến hành nghiên cứu biên soạn 5 hồ sơ di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp tỉnh và 2 di tích cấp quốc gia.

BTTH đã cố gắng nâng cao về hình thức nội dung trưng bày. Ngoài trưng bày tại chỗ, Bảo tàng còn tổ chức trưng bày lưu động tại các huyện, thị trong tỉnh, đưa di sản văn hóa đến các vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân. Đồng thời giúp các địa phương, đơn vị trong tỉnh dàn dựng trưng bày các nhà lưu niệm, nhà truyền thống và phối hợp đưa di sản văn hóa Bình Định giới thiệu tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội…

Song song đó, BTTH tỉnh đã nỗ lực trong việc mời gọi khách đến tham quan để phát huy hiệu quả quảng bá, tuyên truyền giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa. Bà Nguyễn Thị Huyền Mai, Phó Giám đốc BTTH tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã chủ động tìm đến với công chúng bằng nhiều cách để thu hút công chúng; trong đó đặc biệt chú ý đến đối tượng học sinh. Nhờ vậy, lượng khách tham quan Bảo tàng không chỉ ở TP Quy Nhơn mà còn mở rộng đến các địa phương khác trong tỉnh”.

Cần được nâng tầm

BTTH có diện tích 3.673m2, gồm 5 phòng trưng bày trên 1.000 tài liệu, hiện vật. Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc BTTH tỉnh, thẳng thắn nhìn nhận: “Hoạt động của BTTH còn chưa sôi nổi. Hệ thống trưng bày dù đã đổi mới nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất còn quá nghèo nàn, tất cả đều được tận dụng để phục vụ trưng bày. Hệ thống kho bảo quản hiện vật cũng không có nên nhiều hiện vật có giá trị phải để bên ngoài… trong khi kinh phí đầu tư cho Bảo tàng còn hạn hẹp”.

Chúng tôi đã chủ động tìm đến với công chúng bằng nhiều cách để thu hút công chúng; trong đó đặc biệt chú ý đến đối tượng học sinh. Nhờ vậy, lượng khách tham quan Bảo tàng không chỉ ở TP Quy Nhơn mà còn mở rộng đến các địa phương khác trong tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Huyền Mai, Phó Giám đốc BTTH tỉnh

Việc xây dựng mới BTTH nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp bàn đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức vị trí xây dựng. nhìn sang các tỉnh lân cận như Phú Yên đã cho xây dựng Bảo tàng từ năm 2010 và chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 2.2012, với mức đầu tư  gần 96,9 tỉ đồng. BTTH tỉnh Phú Yên được xây dựng trên khu đất rộng 3ha ngay trung tâm thành phố Tuy Hòa, diện tích gần 4.000m2. Còn BTTH tỉnh Quảng Ngãi cũng đã được xây dựng và hoàn thành từ năm 2003 với kinh phí đầu tư nhiều tỉ đồng, có tổng diện tích trên 18.000m2.

Thiết nghĩ từ sự quan tâm đầu tư và cả những hạn chế trong việc xây dựng hai bảo tàng ở hai địa phương nói trên, tỉnh ta có thể rút ra kinh nghiệm để xây dựng mới BTTH với quy mô phù hợp. Đây sẽ là một điểm nhấn kiến trúc cho TP Quy Nhơn, một địa điểm du lịch quảng bá quê hương Bình Định, giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử cho các thế hệ trẻ.

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu  (11/10/2012)
Khai quật khảo cổ học di tích thành Hoàng Đế lần thứ 5  (11/10/2012)
Đôi nét về khu dân cư văn hóa Liêm Trực   (10/10/2012)
Chú trọng đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng   (10/10/2012)
Nâng cao vai trò, vị thế của ngành Xuất bản-In-Phát hành sách  (09/10/2012)
Còn thiếu địa điểm triển lãm nghệ thuật phù hợp  (08/10/2012)
Xứng tầm giá trị lịch sử  (08/10/2012)
Bảo tàng nghìn tỷ “rỗng ruột” sau 2 năm mở cửa  (08/10/2012)
Giúp 86 hộ dân ở xã đảo Nhơn Châu được xem truyền hình Bình Định  (08/10/2012)
Nỗi niềm thầm lặng  (06/10/2012)
Sự thất bại của các tay máy Bình Định  (06/10/2012)
Tản mạn mưa  (06/10/2012)
"Chơi giữa mùa trăng"   (06/10/2012)
Lễ hội tưởng niệm 712 năm Ngày húy kỵ Đức Thánh Trần  (05/10/2012)
Một đời đắm đuối với bài chòi  (04/10/2012)