Dịch giả Trần Đình Hiến nói về Mạc Ngôn:
Mất 3 tháng để dịch nhan đề "Báu vật của đời!"
14:42', 13/10/ 2012 (GMT+7)

10 năm qua, dịch giả Trần Đình Hiến luôn được đánh giá là người chuyển ngữ thành công nhất các tác phẩm của nhà văn Trung Quốc này. Ông chia sẻ với TT&VH một số quan điểm về Mạc Ngôn và giải Nobel 2012.

Cần nói thêm, với bản dịch Báu vật của đời (năm 2002), Trần Đình Hiến cũng là người đầu tiên “đưa” tiểu thuyết của Mạc Ngôn vào Việt Nam. Liên tục trong những năm sau, dịch giả này lần lượt hoàn thành 5 bản dịch khác: Đàn Hương hình, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ, Tửu quốc, 41 truyện tầm phào.

 

Dịch giả Trần Đình Hiến

Dịch giả cho biết:

- Tôi thấy việc Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh Mạc Ngôn trong giải Nobel Văn học năm nay là hợp lý và công bằng. Về sức ảnh hưởng ở Trung Quốc, ông gần như dẫn đầu tuyệt đối về số người đọc. Và ở phạm vi rộng hơn, với việc tác phẩm được dịch ra 18 thứ tiếng, cũng có thể coi Mạc Ngôn là một trong những nhà văn Trung Quốc được thế giới biết tới nhiều nhất.

Tất nhiên, việc tác phẩm được độc giả tín nhiệm như vậy đã là một sự đảm bảo phần nào cho uy tín của Mạc Ngôn trước hội đồng xét giải. Còn về tiêu chí, nói ngắn gọn, tôi thấy có 2 đặc điểm chính giúp tác phẩm của ông giành giải Nobel: mang đậm nội hàm văn hóa bản địa và có tính nhân loại cao - khi luôn phủ nhận tất cả những gì chèn ép xúc phạm con người...

* Trong tư duy của chúng ta, giải Nobel Văn học vẫn được nhắc tới như điển hình cho những tác phẩm mang tư tưởng cao siêu, lối viết không dễ tiếp nhận nếu là người đọc bình thường... Còn Mạc Ngôn, ít nhiều vẫn tạo cảm giác là nhà văn của giới bình dân với lối viết giản dị và không hướng tới những gì quá siêu hình. Ông giải thích thế nào?

-  Nhìn chung, những tác phẩm được giải Nobel mà chúng ta coi là “khó đọc” đều đến từ những quốc gia phương Tây.Tư duy chung của họ là tư duy logic, hướng tới những vấn đề nặng tính triết học. Trong khi đó tư duy phương Đông là thứ tư duy hình tượng, thường có xuất phát điểm gắn với dân gian, đậm chất dân gian. Cách tư duy này rất gần gũi với độc giả châu Á, nên chúng ta thấy dễ đọc, dễ hiểu hơn. Tất nhiên, cũng có thể kể tới một ngoại lệ là trường hợp Linh Sơn (của Cao Hành Kiện, giải Nobel Văn học 2000)...

* Với cá nhân ông, điều gì là hấp dẫn nhất từ các tác phẩm của Mạc Ngôn?

Thứ nhất, đọc Mạc Ngôn thì thấy “chất Trung Hoa” không lẫn vào đâu được (cười). Thứ hai, tác giả này gần như không bao giờ lặp lại đề tài và góc nhìn của mình. Nôm na thì mỗi nhà văn đều có sở trường khi viết về một vùng đất, một không gian địa lý nhất định. Nhưng thành công một lần, nếu không có sự thay đổi, vẫn tiếp tục đào xới câu chuyện cũ, vấn đề cũ thì rất khó để thuyết phục độc giả như lần đầu tiên. Và thông thường, họ chỉ còn cách thay đổi “không gian” đặc thù này.

 

Mạc Ngôn thì khác, rất ít viết về các vùng đất khác. Gần như hầu hết tác phẩm của ông đều được “lôi” về vùng Cao Mật nhà mình. Cái giỏi của Mạc Ngôn là từ không gian địa lý ấy, ông biến thành không gian văn học của riêng ông. Tất cả những éo le đau lòng, những cảnh ngộ bi đát, những con người yếm thế đáng thương trong xã hội...đều xuất hiện trên vùng đất Cao Mật hết. Đó là điều cực kì hiếm gặp.

* Ông đã từng dịch rất thành công 6 tác phẩm của Mạc Ngôn. Thế rồi, độc giả bất ngờ thấy ông chuyển sang dịch một số tác giả Trung Quốc khác như Khương Nhung, Lý Nhuệ và thậm chí từng khẳng định rằng Lý Nhuệ còn gần với giải Nobel hơn Mạc Ngôn nhiều...

- (cười). Tôi cực kỳ thích bức tranh nông thôn Trung Quốc mà Lý Nhuệ dựng nên. Những gì ông viết còn “căng” hơn Mạc Ngôn nhiều. Nếu tôi tiếp tục “đuổi” theo Mạc Ngôn thì sợ không theo nổi, tác giả này viết khỏe quá, gần như liên tục có sách mới. Thay vào đó, việc chọn dịch những tác phẩm tốt nhất của Lý Nhuệ, Khương Nhung sẽ giúp độc giả biết thêm những gam màu khác của văn học và xã hội Trung Quốc hiện đại...

* Câu hỏi cuối, ông đánh giá cao nhất tác phẩm nào của Mạc Ngôn?

- Vẫn là 3 tác phẩm được vinh danh ở giải Nobel 2012: Báu vật của đời, Cao lương đỏ, Cây tỏi nổi giận. Để lựa chọn giữa 3 cuốn này thì cũng khó, nhưng tôi khá ấn tượng với cách nhìn của Mạc Ngôn trong Báu vật của đời. Tôi mất 3 tháng liền để tìm được cái tên Báu vật của đời cho bản dịch, chứ không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ như cái tên Phong nhũ phì đồn trong nguyên gốc.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

  • Theo Cúc Đường/TT&VH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khi xã hội đổ xô làm giàu, sẽ thụt lùi văn hóa!  (12/10/2012)
Siết chặt hoạt động nghệ thuật, biểu diễn  (12/10/2012)
Nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc) được trao giải Nobel Văn chương  (12/10/2012)
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cần được nâng tầm  (11/10/2012)
Thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu  (11/10/2012)
Khai quật khảo cổ học di tích thành Hoàng Đế lần thứ 5  (11/10/2012)
Đôi nét về khu dân cư văn hóa Liêm Trực   (10/10/2012)
Chú trọng đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng   (10/10/2012)
Nâng cao vai trò, vị thế của ngành Xuất bản-In-Phát hành sách  (09/10/2012)
Còn thiếu địa điểm triển lãm nghệ thuật phù hợp  (08/10/2012)
Xứng tầm giá trị lịch sử  (08/10/2012)
Bảo tàng nghìn tỷ “rỗng ruột” sau 2 năm mở cửa  (08/10/2012)
Giúp 86 hộ dân ở xã đảo Nhơn Châu được xem truyền hình Bình Định  (08/10/2012)
Nỗi niềm thầm lặng  (06/10/2012)
Sự thất bại của các tay máy Bình Định  (06/10/2012)