Chuyện những người mê âm nhạc truyền thống
15:52', 13/10/ 2012 (GMT+7)

Không được đào tạo chính quy, đến với âm nhạc truyền thống chỉ vì cái duyên và tấm lòng mộ điệu, những nhạc công âm nhạc truyền thống hoạt động phong trào vẫn lặng lẽ mang âm nhạc truyền thống vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

 
Các nhạc công truyền thống không chuyên trong Hội đánh bài chòi cổ tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao miền biển 2012. Ảnh: HOÀI THU

Từ một chữ “duyên”

Mê tiếng trống, tiếng đờn trong những đêm hát tuồng, ngày hội cầu ngư trên quê hương mình, nhưng phải đến khi vào học lớp 10, ông Trần Kim Thông, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, mới được tiếp xúc trực tiếp với đờn nhị. Ngày ấy, cậu học trò Kim Thông vẫn dành một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để rèn đàn, rèn trống. Ông còn học thêm từ người em trai đang theo học lớp nhạc cụ truyền thống của NSƯT Ngọc Châu. Cứ thế, tiếng đàn nhị, tiếng trống của ông Thông trưởng thành. Hiện nay, dù khá bận với công việc của một cán bộ xã, nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian cho niềm say mê nhạc cụ truyền thống.

Ông Bùi Căn, ở xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, cũng cảm tiếng đàn nhị từ nhỏ, thường mon men đến gần các nhạc công của các đoàn tuồng, bài chòi địa phương để được ngắm ngón tay họ “lướt” trên hai dây đàn nhị. Được cha mẹ khuyến khích, ông rong ruổi theo các đội nhạc lễ, đoàn tuồng không chuyên để học. Ông nhớ lại: “Để làm chủ được cây đờn nhị chẳng dễ như tôi tưởng. Đàn nhị không tông, không nốt, chỉ có hai dây đàn, nên ngón tay phải linh động và thuần thục mới có được tiếng đàn mượt mà, sâu lắng. Người học đàn truyền thống nói chung phải hết sức kiên trì, nhẫn nại”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Dốc, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn - vốn là một chiến sĩ công an- khiến không ít người ngạc nhiên khi có thể sử dụng được nhiều nhạc cụ truyền thống như: đàn bầu, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn sến… mà loại nào cũng chơi hay nức tiếng, là hạt nhân văn nghệ của ngành. Với ông, những âm thanh chân chất, mộc mạc, đậm hồn dân tộc có một sức hút kỳ lạ.

 
Ông Nguyễn Dốc say sưa bên những nhạc cụ truyền thống của mình. Ảnh: NGUYỄN MUỘI

Niềm vui cống hiến

Ở cái tuổi 68, tiếng đàn cò ngọt ngào, sâu lắng của ông Bùi Căn làm say lòng bao người mê nhạc cổ truyền trong huyện. Hơn 40 năm gắn bó với đàn nhị, ông đã tạo cho mình một “thương hiệu” riêng. Mọi hoạt động văn nghệ truyền thống của địa phương đều phải có tiếng đờn của ông Căn thì mới “tròn”. Ông Nguyễn Ngọc Đắc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phù Mỹ, cho biết: “Ông Bùi Căn là một cây đờn rất quý của địa phương, khi thông thuộc cả nhạc tuồng, bài chòi, nhạc lễ. Ông còn là cộng tác viên không thường xuyên của Đội thông tin lưu động huyện. Niềm đam mê âm nhạc truyền thống, cùng với sự nhiệt tình là điều rất đáng trân trọng ở ông”.

“Hiện nay, lực lượng nhạc công âm nhạc truyền thống hoạt động phong trào vẫn giữ được sự ổn định về lượng và chất. Trong đó, một số nhạc công phong trào có tài có thể hoạt động trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Điều đáng trân trọng là dù còn vất vả với công việc mưu sinh, họ luôn nặng lòng gắn bó với âm nhạc truyền thống. Họ đã có những cống hiến tích cực, đầy tâm huyết cho việc gìn giữ các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng ở nhiều địa phương trong tỉnh”.

NSƯT NGUYỄN GIA THIỆN, Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn

Còn với ông Nguyễn Dốc, những chiếc Huy chương Vàng độc tấu đàn nguyệt tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng công an nhân dân toàn quốc lần IV (năm 2000, tại Hà Nội); Huy chương Bạc độc tấu đàn nguyệt, đàn nhị ở Hội diễn lần V (năm 2003, tại Vĩnh Long) và nhiều bằng khen khác tại các cuộc thi, hội diễn tại địa phương… khiến ông hạnh phúc. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, niềm vui của ông là được góp thêm tiếng đàn cho phong trào văn nghệ của địa phương, cùng bạn bè tề tựu bên nhau đàn hát cho thỏa.

Tại Ngày hội Văn hóa- Thể thao miền biển cấp thành phố năm 2012, Nhơn Hải là đơn vị duy nhất đem đến tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Ông Trần Kim Thông tự hào khi Nhơn Hải có riêng một đội nhạc công truyền thống, điều mà ít địa phương làm được, và lạc quan về tương lai của âm nhạc truyền thống tại địa phương, khi có đến hai thành viên trẻ tuổi trong đội nhạc công. Ông chia sẻ: “Trào lưu âm nhạc mới đang làm phai mờ nhiều loại hình âm nhạc truyền thống, song tôi tin âm nhạc truyền thống vẫn còn sức sống trong lòng công chúng. Niềm tin ấy được củng cố bởi vẫn có người trẻ say mê, thiết tha với nhạc cụ truyền thống như thế hệ chúng tôi đã từng”.

Trước thềm Liên hoan đàn và hát dân ca toàn tỉnh, những nhạc công truyền thống phong trào như ông Nguyễn Dốc, Trần Kim Thông lại có thêm niềm vui được tham gia vào đội nhạc công của Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao TP Quy Nhơn dự Liên hoan.

Vai trò của người nhạc công tuy quan trọng nhưng lặng lẽ, ít được biết đến và càng mong manh hơn với nhạc công truyền thống phong trào. Nhưng, ở đâu cần tiếng đờn, tiếng trống, họ lại hăng hái lên đường, hào hứng góp mặt. Họ vẫn ngày đêm lặng lẽ ủ đốm than hồng với âm nhạc truyền thống để rồi khi có dịp vẫn bùng lên cháy hết mình.

  • NGUYỄN MUỘI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mất 3 tháng để dịch nhan đề "Báu vật của đời!"   (13/10/2012)
Khi xã hội đổ xô làm giàu, sẽ thụt lùi văn hóa!  (12/10/2012)
Siết chặt hoạt động nghệ thuật, biểu diễn  (12/10/2012)
Nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc) được trao giải Nobel Văn chương  (12/10/2012)
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cần được nâng tầm  (11/10/2012)
Thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu  (11/10/2012)
Khai quật khảo cổ học di tích thành Hoàng Đế lần thứ 5  (11/10/2012)
Đôi nét về khu dân cư văn hóa Liêm Trực   (10/10/2012)
Chú trọng đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng   (10/10/2012)
Nâng cao vai trò, vị thế của ngành Xuất bản-In-Phát hành sách  (09/10/2012)
Còn thiếu địa điểm triển lãm nghệ thuật phù hợp  (08/10/2012)
Xứng tầm giá trị lịch sử  (08/10/2012)
Bảo tàng nghìn tỷ “rỗng ruột” sau 2 năm mở cửa  (08/10/2012)
Giúp 86 hộ dân ở xã đảo Nhơn Châu được xem truyền hình Bình Định  (08/10/2012)
Nỗi niềm thầm lặng  (06/10/2012)