Nhà tôi nghèo, đôi dép mới luôn là một ước mơ xa xỉ. Thường thì tôi sẽ phải đi lại những đôi dép thừa của các chị, thể nào cũng đã điểm thêm nhiều miếng nhựa hàn đen xì. Mỗi lần như thế, ba lại cần mẫn tìm những mảnh nhựa từ các đôi dép bỏ, hơ nóng mảnh sắt hoặc chiếc liềm cùn trên than nóng, áp chặt vào chỗ bị đứt rồi gắn mảnh nhựa hàn lại chỗ đứt. Trước khi cho tôi lồng chân vào đó, ba sẽ làm bộ hài hước, phồng miệng thổi thật lực để vết hàn nhanh khô và nguội. Nếu tôi phụng phịu ba cũng không bao giờ mắng mỏ, chỉ khẽ bảo: “Chịu khó con nhé! Mùa màng xong ba đi miền Nam kiếm được nhiều tiền sẽ mua cho con một đôi dép nhựa hồng thật xịn”.
Đi dép nhựa đứt được hàn lại rất đau chân. Lớp nhựa chảy cứng quèo chà xát trên lớp da chân mỏng manh của tôi. Tôi thường không được chạy nhảy tự do. Cũng vì thế, trừ lúc đến trường, ở nhà, thường tôi đi chân đất.
Rồi một hôm, khi ba mẹ đã ra đồng, các chị người đi học, người đi chăn trâu, cắt cỏ, tôi cùng đám bạn thơ thẩn chơi bên bờ ao thì nghe tiếng rao “Ai khoai lang đổi dép không?”. Tiếng rao nghe thật hấp dẫn, lại thêm những đôi dép nhựa xanh đỏ tím vàng treo lủng lẳng trên xe đẩy, lung linh dưới ánh nắng mặt trời. Một vài đứa chạy ù về nhà, nhặt thật nhiều khoai lang vào rổ, mang ra cân đổi lấy dép mới. Theo phản xạ, tôi cũng chạy vào góc nhà, rồi chợt ngơ ngác nhớ ra là vụ này nhà mình không có khoai lang. Đất trồng khoai ba mẹ đã trồng đậu phụng mất rồi, mà mùa này đậu phụng chưa thu hoạch. Một vài đứa đã đổi được dép, đang thử chân, ngắm nghía, xuýt xoa, so sánh. Tôi chạy vào ngồi thừ dưới bóng cây trứng cá.
Nghĩ thế nào tôi lại chui rào sang nhà ông. Ông sống một mình, ít nói và thường cáu kỉnh quát nạt mỗi khi phát hiện thấy thiếu một quả cam, hoặc một quả bưởi trên cây. Mỗi lần như thế, ông thường đổ cho lũ trẻ trong xóm. Không một đứa nào dám đến nhà ông chơi. Ngay cả nhà tôi, tuy sát vách nhưng trừ khi có việc đại sự hoặc cha mẹ sai, tôi mới dám sang nhà ông.
Ông đi vắng. Con chó già cũng chạy biến đâu mất. Qua cánh cửa khép hờ tôi nhìn thấy một đống khoai lang to tướng vun dưới chân giường của ông. Một thoáng nghĩ ngợi, tôi trải vạt áo ra, nhặt lấy nhặt để rồi chạy ù ra, đuổi theo người đổi dép. Sau một hồi thỏa hiệp, tôi đã có được một đôi dép mới đúng như sở thích, nó màu hồng, nhựa mềm mại, gót hơi kê lên một chút, có nơ hoa trông rất điệu đà.
Không như tôi dự đoán, ông không hề kêu ca về số khoai đã bị vơi đi. Ngày hôm sau, chính mẹ là người phát hiện ra đôi dép nơ hoa tôi mới đổi để trong vại sành. Sau khi truy hỏi, cả nhà điệu tôi sang xin lỗi ông. Ông thủng thẳng: “Tôi biết rồi, biết trước cả mọi người. Trong khi con bé nhặt khoai, tôi về, trông thấy hết, nhưng tôi để yên. Con trẻ mà, nó cần một đôi dép đàng hoàng để đi học. Coi như ông mua tặng cháu, được không?”.
Nước mắt tôi lã chã trên mặt. Lúc ra khỏi cửa nhà ông, tôi còn nhìn thấy đôi dép tổ ong của ông bị hàn, gắn chằng chịt, giống như đôi dép cũ của tôi vậy.
Nhưng tôi còn có ba hàn dép cho, còn ông thì không người thân thích…
|