Kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định (1962-2012):
“Con tằm rút ruột nhả tơ”
22:13', 16/10/ 2012 (GMT+7)

Ngày 17.10, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập (1962-2012). Từ Đoàn Văn công giải phóng Bình Định đến Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định hôm nay, các thế hệ cán bộ, diễn viên, nhạc công đã như những “con tằm rút ruột nhả tơ” cho sân khấu ca kịch bài chòi. 

 

Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định luôn quan tâm đến công tác đào tạo diễn viên trẻ để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

 

Tiếng hát át tiếng bom

Ngày 11.3.1962, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn khốc liệt, tại làng O2, xã Tu Kroong (huyện Vĩnh Thạnh), Tỉnh ủy Bình Định đã quyết định thành lập Đội Văn nghệ Tuyên truyền Bình Định, có lực lượng ban đầu gồm 14 người. Tháng 10.1962, Đội được đổi tên thành Đoàn Văn công giải phóng Bình Định, bổ sung lực lượng để nâng cao chất lượng biểu diễn, thường xuyên hành quân xuống vùng tranh chấp với địch, vùng giải phóng để phục vụ chiến đấu, phục vụ nhân dân và tuyên truyền địch vận.

Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đã vinh dự nhận các phần thưởng:

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huân chương Giải phóng hạng Ba, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba.

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ các năm 1996-1998, 2009-2011.

- Nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh…

Ông Đinh Bá Lộc, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, nhớ lại: Đoàn Văn công giải phóng là một binh chủng đặc biệt hoạt động trong mặt trận văn hóa tư tưởng, thổi vào đời sống tinh thần của nhân dân ngọn gió trong lành, xua tan những bụi nhơ chiến tranh tâm lý của địch. Đội đã cùng ăn, cùng ở, cùng nằm hầm với nhân dân. Có những lúc phải biểu diễn bên giường thương bệnh binh, dưới hang sâu cùng bộ đội. Những câu hát bài chòi đã góp phần làm thức tỉnh lương tâm địch, góp phần làm tan rã nhiều trung đội địch; trong đó, có chuyện 3 trung đội địch mang súng trở về theo cách mạng. Bọn địch nghe Đoàn Văn công giải phóng biểu diễn ở đâu là chận đánh dọc đường về hoặc bao vây tiêu diệt”.

Nhờ sự che chở của nhân dân, Đoàn vẫn giữ tiếng hát bay cao, vượt lên bom đạn kẻ thù để hoàn thành nhiệm vụ. Và, không thể tránh khỏi những hi sinh mất mát, khi có đến 10 cán bộ, diễn viên, nhạc công đã vĩnh viễn nằm lại trên những mảnh đất quê hương. Trưởng thành trong bom đạn chiến tranh, sức vươn lên của Đoàn Văn công giải phóng không chỉ thể hiện ở số lượng kịch mục, vở diễn, mà còn để lại dấu ấn tình cảm sâu đậm trong lòng nhân dân địa phương. 

Đơm hoa, kết trái

Sau giải phóng, Đoàn Văn công giải phóng Bình Định đổi tên thành Đoàn Văn công tỉnh Nghĩa Bình, rồi tách ra thành hai đoàn (cuối năm 1976) là Đoàn Dân ca Kịch Nghĩa Bình và Đoàn Ca Múa Nhạc Nghĩa Bình.

Đoàn Dân ca Kịch Nghĩa Bình ra sức củng cố lực lượng, cơ sở vật chất, xây dựng vở diễn mới phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức nghệ thuật để kế tục truyền thống âm nhạc dân gian, đưa sân khấu bài chòi từ đất lên sàn diễn và tiếp cận được nhiều đề tài, phản ánh nhiều vấn đề thời sự của cuộc sống. Kịch mục ngày càng đầy đặn, nâng cao tính chuyên nghiệp qua từng vở diễn.

NSƯT Hiền Minh, 75 tuổi, tâm sự: “Từ TP Hồ Chí Minh về Quy Nhơn dự lễ kỷ niệm 50 năm Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, tôi xúc động nhớ về khoảng thời gian mình được tham gia cùng đoàn. Mong muốn lớn nhất của nghệ sĩ chúng tôi là Đoàn được tạo nhiều điều kiện tốt hơn để có thêm những bước tiến mới, thành công mới”.

Đánh dấu cho sự chuyển mình mạnh mẽ của đoàn là vở diễn “Tội lỗi” đoạt 1 Huy chương Bạc cho vở diễn, 1 Huy chương vàng và 4 Huy chương bạc cho diễn viên, tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Đây là tiền đề để Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định (được đổi tên sau này) mạnh dạn tiến thêm những bước mới trên hành trình sáng tạo, mời thêm cộng tác viên tài năng trên toàn quốc tham gia dàn dựng nhiều vở diễn chất lượng cao.

Đến nay, Đoàn Ca kịch Bài chòi đã dàn dựng gần 100 vở diễn, trong đó có rất nhiều vở diễn gây được tiếng vang và đạt thành tích cao: 2 Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 và 1995; Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010; giải Nhì vở diễn sân khấu hay toàn quốc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam các năm 1999, 2000, 2001, 2005, 2007, 2009, 2010.     

Lực lượng của Đoàn hiện có 1 NSND và 4 NSƯT, cùng các nghệ sĩ tài năng và tâm huyết khác đã nỗ lực vượt qua khó khăn chung của sân khấu truyền thống, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu biểu diễn, doanh thu, lượt người xem hằng năm. NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, tâm sự: “Đoàn không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu không có sự chăm sóc, đùm bọc của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, sự quan tâm của các hội nghề nghiệp, các cấp, ngành. Cũng không thể quên công lao của các nghệ nhân đã gìn giữ bài chòi từ gốc rễ, để bài chòi “đơm hoa, kết trái” trên sân khấu chuyên nghiệp hôm nay”. 

Nhìn về tương lai của Đoàn Ca kịch Bài chòi, có thể phần nào yên tâm bởi trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đoàn không quên công tác đào tạo thế hệ trẻ. Trong Liên hoan sân khấu Dân ca kịch Bài chòi chuyên nghiệp toàn quốc năm 2011, dàn diễn viên trẻ của Đoàn đã gây ấn tượng mạnh khi đoạt 3 Huy chương vàng và 4 Huy chương bạc. Diễn viên trẻ Thùy Dung bày tỏ: “Các diễn viên trẻ đã may mắn có được môi trường hoạt động nghệ thuật tốt nhờ sự chỉ dạy hết lòng của các thế hệ đi trước về chuyên môn và đạo đức. Chúng tôi đều chung tâm nguyện phấn đấu hết mình để đóng góp nhiều hơn cho hoạt động nghệ thuật”.       

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bức tranh 34 triệu USD được bán chỉ sau 5 phút  (16/10/2012)
Cần sâu rộng hơn  (15/10/2012)
Trăn trở bảo tồn và mưu sinh  (15/10/2012)
Gắn biển ngôi nhà trong đàm phán Hiệp định Paris  (15/10/2012)
Có một người đứng ngang bậc cửa   (13/10/2012)
Ðôi dép hàn  (13/10/2012)
Chuyện những người mê âm nhạc truyền thống  (13/10/2012)
Mất 3 tháng để dịch nhan đề "Báu vật của đời!"   (13/10/2012)
Khi xã hội đổ xô làm giàu, sẽ thụt lùi văn hóa!  (12/10/2012)
Siết chặt hoạt động nghệ thuật, biểu diễn  (12/10/2012)
Nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc) được trao giải Nobel Văn chương  (12/10/2012)
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cần được nâng tầm  (11/10/2012)
Thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu  (11/10/2012)
Khai quật khảo cổ học di tích thành Hoàng Đế lần thứ 5  (11/10/2012)
Đôi nét về khu dân cư văn hóa Liêm Trực   (10/10/2012)