Xuất bản “hợp tác xã”:
Lo nhiều hơn vui!
19:17', 17/10/ 2012 (GMT+7)

Nóng lòng ra mắt sáng tác khi vốn tác phẩm chưa nhiều, không kham nổi kinh phí nếu in riêng, gặp gỡ nhau về chủ đề, trường phái sáng tác… có rất nhiều lý do để một số cây bút không chuyên trong tỉnh tìm đến hình thức “đậu gạo nấu cơm chung” với nhiều cây bút trong nước ra mắt các tuyển tập, hợp tuyển. Ðây được xem là con đường ngắn, đơn giản để giới thiệu sáng tác đến bạn đọc, nhưng…

Nở rộ xuất bản tuyển tập, hợp tuyển

Liên tục trong 3 năm 2009, 2010 và 2011, nhân kỷ niệm 1, 2 và 3 năm ra mắt website lucbat.com, ban điều hành và thành viên diễn đàn thơ này thống nhất đóng góp kinh phí để phát hành mỗi năm 1 tuyển tập thơ lục bát của thành viên được đăng tải trong năm.

 

Các cây bút trẻ là bộ phận tham gia khá tích cực vào trào lưu xuất bản “hợp tác xã”.

- Trong ảnh: Giao lưu văn học giữa Bút nhóm gia đình Áo trắng Quy Nhơn và sinh viên Đại học Quy Nhơn. Ảnh: TRẦN HOA KHÁ

Trong cuốn “Lộc Phát Tân Mão-2011” (thơ nhiều tác giả tự chọn từ lucbat.com), tác giả Lê Văn Đồng, sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn góp mặt 2 bài “Nửa đêm” và “Lối mưa”. Lê Văn Đồng cho biết: “Theo quy định, với 2 bài thơ trình bày trên 2 trang, tôi phải đóng góp 400 ngàn đồng, nhưng vì là cây bút sinh viên nên được ưu tiên. Trước đây, muốn giới thiệu sáng tác của mình, các cây bút học sinh-sinh viên sinh hoạt tại các CLB văn học trong nhà trường chỉ biết tuyển chọn và in nội san, lưu hành nội bộ thì nay nhiều người tìm đến hình thức này”. Các trang diễn đàn mạng đi đầu trong việc tổ chức, kêu gọi thành viên đóng góp ra đời tuyển tập có thể kể đến lucbat.com, vanthoviet.com, thotre.com

Theo nhà văn Lê Hoài Lương, hiện tượng “đậu gạo nấu cơm chung”, góp tiền để in tuyển tập, hợp tuyển phổ biến trong đời sống văn chương phong trào cả nước. Bình Định là một trong những địa phương diễn ra khá sôi nổi phong trào này, từ 7-8 năm gần đây. Một số tuyển tập có sự góp mặt của nhiều tác giả Bình Định có thể kể đến như: Tứ tuyệt tình thi (tập 1, 2); Thơ tình lục bát, Văn thơ Việt (tập 1, 2, 3); Muôn dặm tình quê 7… Đối tượng tham gia phổ biến là các tác giả trẻ mới làm quen với việc sáng tác, các cây bút sáng tác nghiệp dư, hội viên các câu lạc bộ văn nghệ quần chúng… Những tuyển tập như vậy có lượng tác giả rất đông, có tuyển tập lên đến 100-200 tác giả, dày cả ngàn trang. Vì khá đông tác giả góp mặt nên trong các tuyển tập, tác phẩm cũng khá đa sắc, đa thanh...

Đ.P, một cây bút thơ sinh viên năm cuối Trường Đại học Quy Nhơn, cho biết: “Thông qua các diễn đàn, website văn học nghệ thuật, thư ngỏ mời cộng tác in tuyển tập, mọi cá nhân yêu thích văn chương đều có thể đóng góp và tham gia. Chỉ từ vài trăm ngàn đến chưa tới 1 triệu đồng, mỗi tác giả được in 3-4 tác phẩm (phần lớn là thơ), đồng thời nhận vài ấn phẩm biếu sau khi phát hành”.

Cần định hướng, sàng lọc

Phong trào tự góp tiền, tự xuất bản tuy phổ biến, nhưng tự do, tự phát nên ngay cả các Hội Văn học-Nghệ thuật địa phương rất khó thống kê hay có sự nhìn nhận, đánh giá xác đáng

“Hợp tác xã” để xuất bản tuyển tập là con đường ngắn và đơn giản để giới thiệu sáng tác thơ, văn đến bạn đọc, xuất phát từ nhu cầu của người sáng tác. Điều này có tác dụng làm thị trường ấn phẩm văn học thêm phong phú, đa dạng, kích thích đời sống văn chương phát triển sôi động hơn. Tuy nhiên, nhìn toàn diện, hình thức xuất bản này cũng bộc lộ nhiều điều cần bàn thêm.

“Nhìn chung, chất lượng các tuyển tập, hợp tuyển không cao nhưng tần suất xuất hiện, số lượng các ấn phẩm trong cả nước cũng như trong tỉnh thì rất nhiều. Đây cũng là một lối mở, một hướng tiếp cận bạn đọc của bộ phận sáng tác này, chúng ta ghi nhận ở trào lưu xuất bản này ở chỗ các cây bút tự tìm sân chơi cho mình, chủ động in ấn, quảng bá tác phẩm. Tuy nhiên, cùng với thực trạng xuất bản có phần tự do, dễ dãi, phong trào này nở rộ tràn lan đến mức hơi bị “nhiễu”!”, nhà văn Lê Hoài Lương cho biết.

Phong trào tự góp tiền, tự xuất bản tuy phổ biến, nhưng tự do, tự phát nên ngay cả các Hội Văn học-Nghệ thuật địa phương rất khó thống kê hay có sự nhìn nhận, đánh giá xác đáng. Chúng ta thừa nhận sự tồn tại, phát triển của phong trào này như một biểu hiện của đời sống sinh hoạt văn chương quần chúng, càng nở rộ nhờ các điều kiện “xúc tác” như xuất bản tự do, văn học mạng phát triển… Tuy nhiên, là một biểu hiện của đời sống văn học, trào lưu xuất bản “hợp tác xã” cần được quan tâm, định hướng để gạn đục khơi trong để có được những ấn phẩm có chất lượng ngày càng cao hơn.

  • SAO LY
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định  (17/10/2012)
Nhà văn Peru đạt giải thưởng Văn học quốc tế  (17/10/2012)
“Con tằm rút ruột nhả tơ”  (16/10/2012)
Bức tranh 34 triệu USD được bán chỉ sau 5 phút  (16/10/2012)
Cần sâu rộng hơn  (15/10/2012)
Trăn trở bảo tồn và mưu sinh  (15/10/2012)
Gắn biển ngôi nhà trong đàm phán Hiệp định Paris  (15/10/2012)
Có một người đứng ngang bậc cửa   (13/10/2012)
Ðôi dép hàn  (13/10/2012)
Chuyện những người mê âm nhạc truyền thống  (13/10/2012)
Mất 3 tháng để dịch nhan đề "Báu vật của đời!"   (13/10/2012)
Khi xã hội đổ xô làm giàu, sẽ thụt lùi văn hóa!  (12/10/2012)
Siết chặt hoạt động nghệ thuật, biểu diễn  (12/10/2012)
Nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc) được trao giải Nobel Văn chương  (12/10/2012)
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cần được nâng tầm  (11/10/2012)