* Truyện ngắn của NGUYỄN THANH XUÂN
Mấy tuần nay, có tin trong cơ quan sắp có người được đề bạt làm trưởng phòng. Tiêu chí để chọn là căn cứ vào năng lực, chú ý đến lớp trẻ, dựa trên bằng cấp, nghiệp vụ… Cấp trên đang thăm dò để xem xét một trong ba ứng cử viên nặng ký nhất. Và, thế là mọi người lại có dịp bàn tán, mổ xẻ. Ai cũng nắm rất vững vấn đề, cũng có thể làm tổ chức được hết. Quả chẳng phải là điều ngớ ngẩn như Phan nghĩ. Bởi ngay chính Nguyện là người hầu như chẳng bao giờ để ý đến “thời sự”, cũng không bỏ qua chuyện này. Mà còn hơn thế nữa là đằng khác! Chẳng thế sao vừa mới nghe Phan nói chiều nay Phan có hẹn với một người bạn, Nguyện đã tỏ ra không bằng lòng, vội vã can ngăn:
- Chiều nay anh không được đi đâu hết. Phải đến với ông Mẫn đã.
- Nhưng anh không thể… bỏ bạn.
- Đâu phải bỏ. Bạn bè không gặp lúc này thì gặp lúc khác. Thế nhưng cơ hội tốt cho một đời người thì đâu phải lúc nào cũng dễ dàng có được? Sống phải biết nắm lấy thời cơ chứ!
- Em đã quá bận tâm rồi đấy! Đâu đã thành vấn đề gì. Mà cho dẫu là chuyện thật đi nữa thì cũng không cần phải làm như thế.
- Cứ cho là vậy đi. Nhưng anh quên rồi sao? Em là vợ anh, em có quyền tham dự vào sự thành đạt hay thất bại của anh. Em có quyền can thiệp, chia sẻ mọi công việc với anh…
- Anh có nói gì đâu, chỉ là không thể thất hứa với bạn.
- Đúng. Phải trọng chữ tín. Em hiểu đấy là một đức tính cần thiết. Nhưng em cũng hiểu chiều nay là một dịp tốt để ông Mẫn có thêm thiện cảm với anh. Nếu anh không có mặt trong buổi lễ về nhà mới của ông ta hôm nay thì đã giảm tỉ lệ thắng cuộc của anh rồi!
- Sao em lại nhìn nhận vấn đề theo cách ấy? Em không thấy như thế là đã xem thường anh?
- Anh không thực tế chút nào! Thật ra chuyện đơn giản hơn. Anh có biết hai ứng cử viên còn lại là ai không? Đấy là ông Tùng và ông Hân, cùng ê-kíp của ông Mẫn. Anh là “nguồn” ngoài dự kiến ban đầu. Cái may là giữa hai ông ấy đang cùng tạo “áp lực” làm ông Mẫn chưa biết phải quyết định ra sao. Và đó chính là thời cơ của anh. Chúng ta đâu có làm điều gì trái với lương tâm. Chúng ta đâu có nịnh bợ, đâu có làm cái trò xăn quần kéo xe đổ đất, chạy “sô” mua đá xây móng, đúc nền cho ông Mẫn. Anh là học trò cũ của ông, đến chúc mừng ông là điều bình thường. Đâu có gì là trơ tráo, lố bịch? Thậm chí còn có tình có nghĩa nữa là đằng khác.
- Thế nhưng… vẫn không nên đi lên bằng con đường ấy em ạ!
- Có thể cũng rất nhiều người đã suy nghĩ như thế. Chẳng có gì là sai…
- Em đã đồng ý với anh?
- Chưa hẳn. Em chỉ cho rằng đó là đạo đức. Nhưng em đang nghĩ đến một thứ đạo đức khác: đó là cuộc sống. Mà thôi… Em muốn anh hãy quyết định.
Nguyện bỗng ôm choàng lấy Phan. Cái bụng tròn tròn quá lớn của Nguyện như chẳng hề làm Nguyện dè dặt, thận trọng như mọi hôm.
* * *
Phan dắt xe đạp ra khỏi con hẻm nhỏ ở đầu phố. Ánh nắng ngả nghiêng, lởn vởn trên đầu. Và gió chờn vờn, lay động khắp nơi. Cơ hồ như đã chẳng có gì vừa xảy ra. Giờ, Phan chẳng còn phải nghĩ ngợi, băn khoăn gì thêm nữa. Phan chỉ muốn mau chóng có mặt nơi Phan phải đến. Chắc hẳn Thân đang đợi, đang nóng lòng trông ngóng. Cuộc sống chỉ toàn những lo toan, bươn chải, quay tít đến chóng mặt như một cơn lốc xoáy. Bạn bè cho dù chỉ một ngày gặp mặt trong suốt cả năm dài, thế mà lắm lúc cũng xao nhãng, buông trôi.
Ý nghĩ ấy làm Phan bồn chồn, náo nức. Những ngày tháng đã qua, theo dòng hồi tưởng, chợt hiện ra trong tâm trí Phan, lặng lờ mà thật dễ chịu. Thật không đâu… bỗng dưng ba đứa lại tụ họp nơi đó, và rồi đã trở thành một kỷ niệm khó quên trước khi thân quen nhau, trở thành một nhóm cùng vui đùa, cùng sảng khoái chia nhau… nụ cười của Thục Hiền! Mà cũng lạ, chẳng đứa nào hỏi đứa nào đến trước, đến sau. Và lạ hơn nữa là chẳng đứa nào “bỏ cuộc”.
Thục Hiền như chiếc bong bóng bay, cứ mãi lửng lơ trên không, mặc sức cho ba đứa mỏi mắt nhìn không biết chán. Chúng tôi cùng đưa đầu vào sự đu đưa của một cái thòng lọng dệt bằng tơ tình. Không bớt đi mà cũng chẳng chịu cho thêm, Thục Hiền có biết chăng là đang điều khiển cùng một lúc ba đấng mày râu. Bởi đâu có hẹn hò báo trước, nhưng nếu có mặt Phan thì cũng có ngay Bảo, có ngay Thân. Và cũng có ngay cả những “vấn đề”, để trước mặt Thục Hiền cả ba cùng tranh luận, bàn cãi. Xem chừng như tất cả đều đang muốn Thục Hiền chấm điểm. Vì sau đó thường là bàn cờ tướng được bày ra, chơi theo lối vòng tròn, đứa nào chẳng may cầm đèn đỏ thì phải dọn dẹp ly tách cho Thục Hiền. Nhưng, cũng ít khi phải vậy, thường là nửa chừng đã được Thục Hiền đãi cho lúc thì mấy quả chuối tiêu, lúc thì một gói bánh pa-tê-sô còn nguyên trong bao giấy. Họa hoằn lắm mới phải gặp lúc dang dở chỉ ngồi uống nước.
Có hôm Thục Hiền vắng nhà. Sau khi đánh cờ tướng mãi chẳng thấy bóng dáng “cô chủ nhỏ” ở đâu, cả ba đứa rủ nhau ra đứng cạnh con sông sau nhà Thục Hiền. Im lặng. Nhìn con sông đục ngầu lừ đừ vây quanh đàn trâu đang lội ngược dòng. Nhìn khói chiều lãng đãng vật vờ đàng xa. Cùng lắng nghe tiếng chuông chùa bên kia sông đang rù rì buông thả. Và ba đứa lại sắp phải chia tay nhau.
Ờ, thật là kỳ khôi cái “cô chủ nhỏ” Thục Hiền ngày ấy! Ở-một-nơi-ai-cũng-nhìn-thấy, thì hóa ra tình cảm của giới nữ là một phạm trù đầy bí ẩn. Phan cứ tưởng bấy giờ chỉ có Phan mới mờ mịt, lãng mạn. Nhưng sau này khi vượt qua những giây phút đó, Phan mới hiểu ra rằng sự khắc khoải hy vọng không phải chỉ có ở Phan. Đúng ra cô bé đã công bằng. Cô đã giữ được chính cô vì cái thời còn trai trẻ ấy chúng tôi chỉ biết mơ mộng tôn thờ, chỉ biết rung động mê say. Cũng chẳng hiểu nữa! Chỉ biết rằng hôm Thục Hiền đi lấy chồng, cả ba đứa đứng bên này sông, tay quàng lên vai nhau lặng nhìn sang bên kia sông...
Tiếng còi của chiếc ô tô đằng sau xin vượt làm Phan giật mình. Phan cúi sát người trên ghi-đông, ráng sức đạp mạnh vòng quay của đôi chân về phía trước. Tiếng rin rít của xích xe đã mòn tạo nên những âm thanh khó chịu. Phan chẳng hề quan tâm. Cái cảm giác bâng quơ, mơ màng thoáng qua vừa được dấy lên đang làm Phan cơ hồ choáng ngợp. Giá như đừng xảy ra vụ “Bảo anh hùng rơm”.
Thân nói: “Cái thằng Bảo nhà mình có điên không vậy? Cứ êm êm mà sống không muốn. Lại bày ra chuyện “cứng đầu” để đến nỗi không ở được phải xin chuyển đi”. Bạn bè cùng lứa cũng lời ra tiếng vào: “Đang công tác ở chỗ “ngon” như vậy, sao tay đó dại dột làm cho sếp không ưa. Đúng là thứ “điếc không sợ súng” rồi!”. Ai ai cũng tiếc rẻ cho thằng Bảo ngờ nghệch?!
Thế đấy. Phan thầm nghĩ mà buồn, ngao ngán. Nhưng thôi. Vẫn có Thân. Và trông như có vẻ lần này hai đứa gặp nhau tha hồ hàn huyên, tâm sự. Phan nhớ đến ngày này năm trước tại nhà Thân, hôm Bảo về thăm quê. Đã có biết bao xúc động, luyến tiếc của một thời. Cả ba đứa cùng cười nụ cười thuở… Thục Hiền. Vẫn như là còn của cái ngày mà cô bé “không chịu chơi riêng với một đứa nào”. Chính lúc ấy, Bảo bùi ngùi giọng Huế trầm trầm chậm rãi: “Tao phải đi kiếm sống nơi đất khách quê người. Có thể rồi sẽ không còn có dịp được gặp nhau. Nhưng, tao sẽ chẳng bao giờ quên… Nhớ nghe, đừng quên tao. Cứ mỗi lần ngồi lại, hãy xem như tao đang có mặt”.
Phan dừng xe bên lề một con đường rợp bóng cây xanh. Ngôi nhà vừa hiện ra trong tầm mắt làm Phan ngỡ ngàng, do dự. Đúng là nhà của Thân rồi, nhưng chẳng ngờ lại thay đổi nhanh như vậy. Một cơ ngơi mà suốt cả cuộc đời Phan cũng khó có. Cố giữ sự bình tĩnh, Phan đẩy cái cổng sắt khép hờ, định bước vào bên trong. Bỗng nghe có tiếng gọi giật: “Ai đó?”. “Tôi... Tôi đây!”, Phan vội lên tiếng. Giọng một thằng bé ngồi vắt vẻo trên ghế xích đu đằng sau giàn hoa giấy vọng tới: “Chú hỏi ai?”. “Chú gặp ông Thân”, Phan trả lời từng tiếng một. “Chú để xe khéo đụng mấy cái chậu kiểng”. Và rồi hình như chợt nhớ ra điều gì thằng bé nói luôn: “À quên, bác Thân đi khỏi rồi, không có nhà”. “Đi rồi à! Đi đâu vậy?”, Phan hỏi tiếp. “Bác Thân đi thăm cái ông Việt kiều nào đó mới về... Cháu cũng không biết!”. Phan uể oải ra mặt, cảm giác buồn hòa lẫn.
* * *
Lòng không vui, Phan quay về nhà. Vừa bước qua cổng, Phan bất ngờ thấy cánh cửa lớn đã được khóa lại. Một mảnh giấy được luồn qua khe. Phan mở ra đọc thật nhanh: “Em bỗng lên cơn đau bụng dữ dội. Chắc em tính nhầm ngày sinh. Tối anh về, lên ngay khoa sản bệnh viện. Đã thu xếp, chuẩn bị xong hết rồi. Nguyện”.
Phan hơi ngỡ ngàng trong vài giây phút, nhưng rồi lòng Phan chợt vỡ òa. Niềm vui chen lẫn nỗi buồn, sự lo lắng. Chuyện tranh nhau chức tước, địa vị ở cơ quan. Chuyện “những ngày xưa thân ái”, sự đổi thay trong dòng xoáy cuộc đời. Chuyện vợ “xổ bầu” bất ngờ không như dự liệu… Tất cả như quyện vào nhau bồng bềnh, vô định… Thôi thì phải thế. Đành phải thế, đừng nên suy nghĩ gì cả. Đó là cuộc sống! Có bao giờ con người thoát khỏi những điều tự ràng buộc đâu?
Nắng cuối chân trời vẫn chưa xuống khỏi tầm nhìn. Buổi chiều của một ngày vẫn còn như nó vẫn đến, đều đều không thôi. Trong nhập nhoạng bóng ngày, Phan dấn xe về hướng bệnh viện. Cái dáng cam chịu của Phan như nhòa đi trong nắng chiều. Thì cũng phải giương mắt nhìn đường mà đi về phía trước… Có thể một niềm vui đang chờ đợi anh.
|