So với nhiều địa phương khác, TP Quy Nhơn có nhiều lợi thế để khai thác du lịch văn hóa. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch văn hóa của thành phố biển vẫn đang chờ được “đánh thức”.
|
TP Quy Nhơn có nhiều lợi thế để khai thác du lịch văn hóa.
- Trong ảnh: Di tích tháp Đôi ở TP Quy Nhơn.
|
Nhiều tiềm năng
Du lịch văn hóa được xem là sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương, bởi chủ yếu dựa vào những nét văn hóa kết tinh ở những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo nên sức cuốn hút với du khách. Nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán bản địa, du lịch văn hóa giúp họ thỏa mãn nhu cầu.
Hiện, trên địa bàn TP Quy Nhơn có 3 di tích cấp quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh đã được xếp hạng. Ngoài ra, còn có một số di sản, công trình kiến trúc có giá trị văn hóa - lịch sử. Bình Định được xem là đất tuồng và một trong những cái nôi của bài chòi. Hai đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp giữ trọng trách bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật đặc sắc truyền thống này là Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đều đóng tại Quy Nhơn. Hệ thống chùa, lễ hội, văn hóa ẩm thực tại Quy Nhơn hoàn toàn có thể khai thác thành sản phẩm để phục vụ du khách.
Tiếc là những lợi thế đó, đến nay, vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Anh Đào Phan Minh Cần, hướng dẫn viên du lịch của Công ty Đất Việt Open Tour chi nhánh tại TP Quy Nhơn, cho biết: “Các đoàn khách du lịch lâu nay chỉ “quá cảnh” một đêm ở Quy Nhơn để đi tiếp vào Nha Trang, lên Lâm Đồng hay ra Đà Nẵng tham quan. Trong khi đó, nhiều người phương xa đến Bình Định nói chung và Quy Nhơn nói riêng, đã tỏ ra ngạc nhiên trước tiềm năng du lịch văn hóa. Tôi cho rằng, nếu được quan tâm khai thác, những tiềm năng ấy sẽ trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa mang bản sắc riêng, đủ sức hút du khách tìm về”.
Chưa được khai thác
Bên cạnh những cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, TP Quy Nhơn cần có những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc để có thể trở thành hạt nhân thúc đẩy du lịch phát triển. Trước mắt, cần nghiên cứu thêm để có những cách khai thác, phát huy hiệu quả hơn vẻ đẹp, giá trị độc đáo của các di tích, danh thắng. Như, Khu danh thắng Ghềnh Ráng có cảnh quan tuyệt đẹp, lại có nơi yên nghỉ của thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử, nhưng các hạng mục đầu tư ở đây còn ít và chậm, chưa có định hướng đổi mới hơn.
Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho rằng, TP Quy Nhơn có thể tạo thêm nhiều điểm du lịch văn hóa nếu biết cách khai thác. Để làm điều này, cần tiến hành khảo sát, đánh giá lại những di sản kiến trúc lịch sử, chú trọng đến những kiến trúc cổ để có hướng bảo tồn. Việc trùng tu, tôn tạo bước đầu đối với di tích Chùa Ông Nhiêu, Đình Cẩm Thượng thời gian qua là dấu hiệu tích cực, cần được tiếp tục đầu tư. Khu bệnh viện phong Quy Hòa được nhiều du khách phương xa đánh giá cao, bởi tập hợp nhiều kiểu kiến trúc nhà độc đáo, rất hiếm thấy ở những nơi khác cũng rất cần được bảo tồn, khai thác.
Để lôi cuốn du khách đến và ở lại TP Quy Nhơn, bên cạnh điểm tham quan, cần những nơi vui chơi, giải trí, đặc biệt là những điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống thể hiện bản sắc riêng của địa phương. NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, tâm sự: “Nhà hát múa rối Thăng Long ở cạnh Hồ Gươm (Hà Nội), mỗi ngày diễn đến 6 xuất phục vụ du khách, doanh thu nhiều khi vượt hơn 20 lần so với chỉ tiêu. Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế phục vụ ca Huế trên sông Hương cũng rất hút khách. Còn đoàn chúng tôi, thỉnh thoảng mới được một đoàn khách du lịch mời biểu diễn. Chúng tôi đang mong có trụ sở làm việc mới ở vị trí thuận lợi, có sân khấu biểu diễn ổn định và đạt chuẩn để xây dựng những chương trình nghệ thuật bài bản phục vụ du khách”.
Tại Hội An (Quảng Nam), hội đánh bài chòi từ lâu đã được khai thác phục vụ du lịch rất hiệu quả. Hội đánh Bài chòi cổ dân gian Bình Định tốn nhiều công sức để phục dựng, được giới chuyên môn đánh giá cao, cần có hướng khai thác gắn với những địa điểm cụ thể, tạo thêm sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo cho du khách khi đến Quy Nhơn.
|