|
Sách liên quan đến Thơ mới và Tự lực văn đoàn. |
Là một sản phẩm của lịch sử và văn hóa Việt Nam, thế nhưng suốt 80 năm qua, phong trào Thơ mới và Tự lực văn đoàn gặp nhiều trắc trở của lịch sử, cả trong đánh giá và tiếp nhận. Ngày 20.10, tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã diễn ra hội thảo “Phong trào Thơ mới và Văn xuôi Tự lực văn đoàn – 80 năm nhìn lại”. PV Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với PGS-TS Nguyễn Thành Thi, Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM về những vấn đề liên quan.
* PV: Ông cảm nhận ra sao về lịch sử nghiên cứu phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn?
* PGS-TS NGUYỄN THÀNH THI: Đến nay, việc nghiên cứu đánh giá phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn đã có nhiều kết quả. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do, việc nghiên cứu khu vực văn học này cũng còn nhiều hạn chế và không ít những bước thăng trầm. Ở vào một số thời điểm nhất định, Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn đã bị đánh giá thiếu khách quan, công bằng, thậm chí sa vào khuynh hướng xã hội hóa dung tục. Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn theo đó, từng bị xem là sản phẩm văn hóa tiêu cực, bị hạn chế đọc, loại ra khỏi học đường.
Từ năm 1986 đến nay, trong xu hướng đổi mới tư duy, cùng với nhiều di sản văn học nghệ thuật quá khứ của dân tộc, phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn đã được nhìn lại, đánh giá lại một cách thỏa đáng hơn. Hầu hết tác phẩm, tuyển tập được tái bản; một số tác giả, tác phẩm chọn lọc được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông. Nhiều hội thảo lớn được tổ chức. Các giáo trình đại học được bổ sung, điều chỉnh; nhiều chuyên luận, công trình nghiên cứu, phê bình có giá trị về Thơ mới, văn xuôi Tự lực văn đoàn ra mắt bạn đọc, được đánh giá cao.
* Hội thảo đã đánh giá khách quan như thế nào về Thơ mới cũng như Tự lực văn đoàn?
* Các sáng tác văn chương nghệ thuật đích thực, nói chung không bao giờ cạn kiệt ý nghĩa trong con mắt nhà phê bình. Vẫn còn không ít nội dung vấn đề về Thơ mới, văn xuôi Tự lực văn đoàn chưa được nghiên cứu một cách hệ thống, chuyên sâu. Thậm chí vẫn còn một vài khoảng trắng như Thơ mới ở Nam bộ chẳng hạn.
Tuy nhiên, điều mà các nhà tổ chức hội thảo mong muốn nhất trong và sau hội thảo là làm sao đánh giá Thơ mới và văn chương Tự lực văn đoàn khách quan, thỏa đáng hơn, trong một cái nhìn tổng thể, có tính hệ thống. Chẳng hạn, Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu đều là thành viên của Tự lực văn đoàn, cần xem xét sáng tác của họ trong mối quan hệ với văn chương Tự lực văn đoàn.
Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn viết trước tiên để đăng báo (Phong Hóa, Ngày Nay), vậy các sáng tác này có bị chi phối bởi quy luật báo chí không? Nếu có thì bị chi phối như thế nào?... Theo tư duy hệ thống, trong một cái nhìn tổng thể, hy vọng nhà nghiên cứu phê bình văn học có thể có thêm những phát hiện mới.
* Tham luận của các đại biểu tại hội thảo có giúp ích cho việc nhìn lại tổng thể hai trào lưu văn học trên?
* Đã có 75 tham luận của 72 tác giả từ 21 trường ĐH, CĐ, 2 viện nghiên cứu và một số trường THPT trong cả nước gửi về tham dự hội thảo. Đó là con số rất đáng kể. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, giáo dục đối với đề tài này. Không ít tham luận viết công phu, có nội dung mới. Có tham luận chú trọng phương pháp luận trong nghiên cứu, có tham luận thực hiện theo hướng điều tra khảo sát xã hội về tiếp nhận văn học; tập trung giới thiệu phong trào Thơ mới Nam bộ vốn trước nay ít được quan tâm. Bên cạnh những tham luận chuyên sâu nghiên cứu mặt thành công, đóng góp, cũng có tham luận nêu bật giới hạn mang tính lịch sử của Thơ mới, văn xuôi Tự lực văn đoàn.
* Giá trị Thơ mới có nét gì mới, thưa ông?
* Hội thảo tất nhiên không nhằm khép lại mà nhằm mở ra. Mục tiêu bao trùm của hội thảo là góp phần mang lại cái nhìn khách quan, nhiều phía hơn về phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn. Hội thảo đã thêm một lần nữa, khẳng định các giá trị đích thực của “một thời đại” trong thi ca, tiểu thuyết Việt Nam.
. Theo TƯỜNG VY/SGGPO |