Trước thềm Liên hoan Ðàn và hát dân ca tỉnh Bình Ðịnh năm 2012:
Nơi hào hứng, nơi hững hờ
21:32', 24/10/ 2012 (GMT+7)

Tối 26.10, Liên hoan Ðàn và hát dân ca tỉnh Bình Ðịnh năm 2012 sẽ được khai mạc tại Hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh (02 Phan Ðình Phùng, TP Quy Nhơn). Liên hoan do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống.

Hào hứng tập luyện

Đình Cẩm Thượng, TP Quy Nhơn, nhiều ngày qua đã trở thành nơi hội ngộ, tập luyện  của những nghệ nhân, diễn viên, những người đam mê dân ca ở các phường, xã của thành phố. Để không ảnh hưởng đến công việc, mọi người tranh thủ luyện tập từ trưa đến đầu giờ chiều và các buổi tối. Anh Lê Duy Tân chia sẻ: “Xã Nhơn Hải có 2 diễn viên và 2 nhạc công được tuyển chọn tham gia đoàn của TP Quy Nhơn. Chúng tôi rất vui được tham gia Liên hoan, được đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân ca”.

 
Đoàn văn nghệ của Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn tập luyện tiết mục hòa tấu Giai điệu quê hương tham gia Liên hoan.

Biên đạo Hoàng Việt cho biết, chương trình tham gia Liên hoan Đàn và hát dân ca tỉnh Bình Định năm 2012 của Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn được dàn dựng kỹ lưỡng, nội dung phong phú và đặc sắc. “Điểm nhấn” của chương trình là tiết mục hòa tấu Giai điệu quê hương, với sự tham gia của nhiều loại nhạc cụ do các nhạc công ở nhiều thế hệ tham gia biểu diễn.

Nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy Trường THPT Trần Cao Vân, TP Quy Nhơn, đăng kí tham gia Liên hoan. Không phải dự Liên hoan cho có, Trường THPT Trần Cao Vân đã đầu tư kinh phí thuê người dàn dựng, huy động lực lượng giáo viên, học sinh cùng tích cực tham gia. Cô Lê Anh Thoa, Trưởng Ban văn nghệ của Trường THPT Trần Cao Vân, bày tỏ: “Học sinh ngày nay chỉ quan tâm đến các loại hình giải trí, âm nhạc hiện đại. Vì vậy, nhà trường tạo điều kiện cho các em tham gia Liên hoan để có cơ hội thưởng thức, cảm nhận những giá trị văn hóa đặc sắc của dân ca. Mỗi chiều sau khi tan trường, thầy và trò cùng vui vẻ tập luyện để có chương trình tham gia Liên hoan gồm 3 tiết mục: Gởi anh chiến sĩ đảo xa (lời mới trên điệu Vọng Kim Lang), Hát đối đáp Vui hội quê hương, Tốp ca liên khúc dân ca 3 miền”.

Tại một số huyện trong tỉnh, không khí tập luyện chương trình tham gia Liên hoan cũng sôi động trong mấy ngày qua. Ông Lê Văn Tình, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Chúng tôi tham gia Liên hoan nhằm khẳng định sức sống, sự phát triển bền vững của phong trào dân ca ở địa phương. Vui nhất là đội ngũ cộng tác viên hát dân ca tốt ở địa phương gầy dựng bấy lâu, đến nay có dịp trổ tài. Mọi người tích cực tập luyện để đem đến Liên hoan một chương trình nghệ thuật có chất lượng”.

Dù bận rộn với nhiều hoạt động ngành nhưng Phòng GD-ĐT huyện Vân Canh vẫn cố gắng tham gia Liên hoan. Bà Nguyễn Thị Tố Mai, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Vân Canh, tâm sự: “Không có nhiều thời gian tập luyện, đơn vị chỉ có thể tham gia Liên hoan với hai tiết mục. Trên tinh thần giao lưu là chính, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng biểu diễn hết mình”.

Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, cho rằng đây là sân chơi có ý nghĩa thiết thực nên thành phố đã huy động lực lượng cộng tác viên, nghệ nhân, diễn viên được phát hiện, bồi dưỡng sau Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển TP Quy Nhơn năm 2012, để đầu tư xây dựng chương trình tham gia.

Vẫn còn nhiều địa phương chưa hưởng ứng

Ông Đào Minh Tâm, Phó trưởng ban Ban tổ chức Liên hoan Đàn và hát dân ca tỉnh Bình Định năm 2012, cho biết Ban tổ chức quy định đối tượng tham gia Liên hoan là Trung tâm VH-TT-TT (hoặc Phòng VH-TT) các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời mở rộng mời các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh tham gia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa hưởng ứng Liên hoan.

Mặc dù đã lùi lại thời gian tổ chức, nhưng đến sát ngày diễn ra Liên hoan, số đơn vị tham gia không tăng thêm mà rơi rụng dần, hiện chỉ còn 7 đơn vị: Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, Trung tâm VH-TT-TT huyện Phù Cát, Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Nhơn, Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn, Phòng GD-ĐT huyện Vân Canh, Trường THPT Trần Cao Vân và Trường Cao đẳng Y tế Bình Định. 

Lý do chung được đưa ra là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch không thông báo trước kế hoạch tổ chức Liên hoan ngay từ đầu năm nên các địa phương khó bố trí kinh phí; trong khi đó việc huy động lực lượng diễn viên, nghệ nhân ở nhiều thành phần tham gia tập luyện chương trình nhiều ngày không dễ. Điều đáng nói, một số địa phương chưa xây dựng được đội ngũ hạt nhân đàn hát dân ca nòng cốt của huyện để khi cần có thể huy động tham gia phong trào.

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của "vua phóng sự đất Bắc"  (24/10/2012)
Khởi sắc Mỹ Chánh  (23/10/2012)
Hoài Nhơn: Ðưa dân ca vào trường học  (22/10/2012)
Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn - Hướng tiếp cận mới  (22/10/2012)
Tuy Phước: Khôi phục và phát triển Hội đánh bài chòi cổ dân gian  (21/10/2012)
Chưa được khai thác hiệu quả   (20/10/2012)
Những âm đời vọng lại  (20/10/2012)
Nhập nhoạng bóng ngày  (20/10/2012)
“Phụ nữ thời nay không chỉ còn bó hẹp với cái bếp”  (19/10/2012)
Hoàn thành phác thảo Tượng đài Chiến thắng An Lão  (18/10/2012)
Chùa Một Cột lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất”   (18/10/2012)
Nhiều hoạt động phong phú, nhiều mô hình phù hợp  (17/10/2012)
Lo nhiều hơn vui!  (17/10/2012)
Kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định  (17/10/2012)
Nhà văn Peru đạt giải thưởng Văn học quốc tế  (17/10/2012)