Mối kỳ duyên giữa âm nhạc Paul McCartney và hội họa Picasso
16:52', 27/10/ 2012 (GMT+7)

Pablo Picasso sinh ngày 25.10.1881, nếu còn sống ông 131 tuổi. Hãy cùng nhớ về họa sĩ vĩ đại của thế kỷ 20, qua những giai điệu liên quan đến ông, do một nhạc sĩ-ca sĩ vĩ đại của thế kỷ 20 - Paul McCartney - sáng tác.

Trong một chương trình truyền hình, trước khi chơi bản nhạc Two Fingers, Paul đã kể về hoàn cảnh ra đời của nó. Đó là lúc đang ở trong phòng chờ của một bệnh viện thì nhìn thấy tấm poster trên tường có in hình bức tranh The Old Guitarist (Người chơi guitar già) của Picasso. Ông già mặc chiếc áo rách vai, chỉ dùng đến hai ngón tay cái và trỏ khi chơi đàn.

 
Bức tranh The Old Guitarist

“Two Fingers” và người chơi guitar hai ngón

Paul nhìn chằm chằm vào bức tranh hồi lâu và tự hỏi, không hiểu giai điệu mà người nhạc công trong tranh đang chơi là như thế nào. Từ suy nghĩ này, Paul viết bản nhạc Two Fingers, chính là giai điệu mà ông muốn đưa vào trong bức tranh, giai điệu mà người đàn ông già nua chơi đàn với hai ngón tay gợi cảm hứng cho ông. Khi biểu diễn Two Fingers, Paul cũng chơi bằng hai ngón tay của bàn tay trái (Paul nổi tiếng với việc chơi guitar bằng tay trái) và còn huýt sáo theo. Đó là một giai điệu khó quên.

Một chi tiết nhỏ, về một bài hát không quá nổi tiếng, nhưng thể hiện rõ Paul là một nhà làm nhạc vĩ đại. Dường như bất cứ thứ gì cũng gợi lên trong ông một điệu nhạc (một khán giả trên YouTube bình luận: “Paul có thể chỉ búng mũi của mình và nó cũng sẽ thành một giai điệu đáng nghe”).

Còn Pablo cũng không tồi, trước hết trong vai trò của một người vẽ tranh, sau là một người truyền cảm hứng. Bức The Old Guitarist (vẽ năm 1903) cũng từng gợi cảm hứng cho nhà thơ Wallace Stevens sáng tác bài thơ The Man With the Blue Guitar.

 

Paul McCartney

Những lời cuối cùng của Picasso vào nhạc của Paul

Đó không phải là lần duy nhất Paul viết nhạc từ một thứ gì đó liên quan đến Pablo. Lần thứ hai này cũng không liên quan đến nhóm nhạc huyền thoại The Beatles, mà là một ban nhạc khác có sự tham gia của Paul, Paul McCartney and Wings.

Điều này càng nhấn mạnh mối nhân duyên riêng giữa Paul và Pablo. Đó là ca khúc Picasso’s Last Words, nằm trong album nổi tiếng Band on the Run của ban nhạc này.

Vẫn là Paul, kể về sự ra đời của Picasso’s Last Words trong một cuộc phỏng vấn: “Đó là một kỳ nghỉ ở vịnh Montego, Jamaica khi chúng tôi (tức là vợ chồng Paul và Linda McCartney) nghe nói Dustin Hoffman và Steve McQueen đang ở gần đó, quay bộ phim Papillon.

Chúng tôi được mời đến trường quay chơi và về nhà Dustin ăn tối. Trong bữa tối, Dustin hỏi tôi thường làm cách nào để viết nhạc. Tôi đang trả lời dở thì anh ấy hỏi lại: Vậy anh có thể viết một bài hát về bất cứ thứ gì sao? Tôi bảo, không chắc lắm, rồi Dustin lấy ra một tờ tạp chí Time, chỉ vào một bài báo và nói: Anh có thể viết nhạc về nó không?”.

Theo trang The Beatles Bible, sau này, Dustin Hoffman đã nhắc lại việc trực tiếp xem Paul McCartney như “sự kiện vĩ đại thứ hai trong đời tôi, chỉ xếp sau ngày tôi được sinh ra”. Đó là bài báo “Những ngày cuối của Picasso và cuộc hành trình cuối cùng” trên tờ Time ra ngày 23.4.1973, nhân sự kiện danh họa Picasso qua đời ngày 8.4.1973. Có một trích dẫn làm Paul chú ý, lời Pablo nói với bạn bè: “Hãy uống vì tôi, hãy uống vì sức khỏe của tôi. Các anh biết là tôi không thể uống được nữa mà”, sau đó danh họa Pablo lên giường nằm và ra đi trong giấc ngủ.

 

Họa sĩ Picasso

Paul đọc đoạn đó trong bài báo, rồi cầm lấy cây đàn guitar, bắt đầu gảy và hát: “Hãy uống vì tôi, hãy uống vì sức khỏe của tôi...” và Dustin hét lên gọi vợ: “Anh ấy đang viết! Anh ấy đang viết nhạc đấy! Đến đây nghe đi nào!”. “Giai điệu đó đến với tôi tự nhiên như không nhưng Dustin cứ làm ầm ĩ lên về chuyện đó”, Paul nhớ lại. Và bài hát bắt đầu bằng những lời cuối cùng của Pablo sau đó được đặt tên là Picasso’s Last Words.

Đó mới là phần khởi đầu. Sau đó, Paul đã thêm vào đó vài lời hát, kể về cái chết của Picasso (nhưng không nhắc đến tên ông). Đoạn điệp khúc “Hãy uống vì tôi” nhắc đi nhắc lại như một lời từ biệt.

Ban nhạc Paul McCartney and Wings thu âm ca khúc này với Paul hát chính, chơi guitar, guitar bass và trống. Người vợ của Paul, Linda, hát đệm. Bài hát được thu âm, chỉ một lần, tại một phòng thu ở Nigeria. “Chúng tôi không có ý tưởng lớn trong đầu nào cả. Tôi nghĩ rằng, hãy cứ làm xáo trộn, xáo trộn cho đến khi âm thanh nghe có vẻ hay, giống như Picasso từng làm, với những kiến thức và bản năng mà chúng tôi có”, Paul nói về bản thu âm, những lời này được ghi lại trong cuốn sách “Paul McCartney In His Own Words”. Không có thông tin nào khẳng định khi Picasso còn sống, hai nghệ sĩ có thân thiết với nhau hoặc ít nhất là quen biết, mặc dù, đến năm Picasso mất thì Paul đã 31 tuổi, hoạt động âm nhạc được 16 năm và đang ở đỉnh cao danh vọng. Vì thế, hãy hiểu rằng, những nghệ sĩ lớn có nhiều cách để truyền cảm hứng cho nhau, không nhất thiết phải trực tiếp gặp gỡ và quen biết nhau.

. Theo TT&VH

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dưới "Cô thợ giặt" của Picasso là... một người đàn ông  (26/10/2012)
Hướng đến nâng cao chất lượng  (25/10/2012)
Khai mạc Liên hoan phim hoạt hình quốc tế London  (25/10/2012)
Trưng bày bức tranh đắt nhất thế giới tại New York  (25/10/2012)
429 tác phẩm tham gia xét tặng   (24/10/2012)
Nơi hào hứng, nơi hững hờ  (24/10/2012)
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của "vua phóng sự đất Bắc"  (24/10/2012)
Khởi sắc Mỹ Chánh  (23/10/2012)
Hoài Nhơn: Ðưa dân ca vào trường học  (22/10/2012)
Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn - Hướng tiếp cận mới  (22/10/2012)
Tuy Phước: Khôi phục và phát triển Hội đánh bài chòi cổ dân gian  (21/10/2012)
Chưa được khai thác hiệu quả   (20/10/2012)
Những âm đời vọng lại  (20/10/2012)
Nhập nhoạng bóng ngày  (20/10/2012)
“Phụ nữ thời nay không chỉ còn bó hẹp với cái bếp”  (19/10/2012)