Mộc mạc, tự nhiên và yêu nghề… đó là những từ khái quát nhất khi nói về cô đào Thanh Sử của Nhà hát tuồng Ðào Tấn. Hơn 30 năm theo nghề, Thanh Sử đã khẳng định được hình ảnh của mình trong lòng bao người mộ điệu qua các vai đào chiến. Năm 2012, Thanh Sử là một trong 5 nghệ sĩ của tỉnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT).
Hành trang Thanh Sử mang theo khi đến với nghệ thuật tuồng là niềm đam mê hát bội từ nhỏ, lại được thừa hưởng những tố chất nghệ sĩ của gia đình bao đời theo nghiệp Tổ, cộng với sự tận tình chỉ bảo từng lời ca, tiếng hát, từng cách múa, cách diễn của người cha- cố NSƯT Nguyễn Siểng (nghệ danh Tư Cá). Đó là những yếu tố quan trọng để hun đúc, chắp cánh cho Thanh Sử thực hiện ước mơ trở thành diễn viên tuồng thực thụ.
|
Sở hữu thế mạnh về thanh và sắc, NSƯT Thanh Sử có thể diễn được các vai như đào bi, đào lẳng, nhưng “neo” lại trong lòng giới mộ tuồng ở Bình Định ở vai đào chiến.
- Trong ảnh: NSƯT Thanh Sử (người đứng giữa) trong vở tuồng “Phong thần”. |
Thế mạnh thanh và sắc
Tài năng của Thanh Sử càng được phát huy khi chị về công tác tại Nhà hát tuồng Đào Tấn, ngay sau ngày thống nhất đất nước. Không qua trường lớp đào tạo bài bản như nhiều nghệ sĩ, diễn viên khác, nhưng với nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, Thanh Sử đã trưởng thành nhanh chóng trong nghề nghiệp. Chị tâm sự: “Sau mỗi lần được phân vai diễn, tôi tập trung cả tâm và lực để nghiên cứu từng lời, từng ý, từng câu hát và phân loại nhân vật. Kết hợp với những “miếng nghề” học được từ cha, tôi tìm hiểu rất kỹ tính cách nhân vật để diễn tròn vai”.
Sở hữu thế mạnh về thanh và sắc, gương mặt sáng, làn hơi khỏe, cặp mắt có hồn, NSƯT Thanh Sử có thể diễn được các vai như đào bi, đào lẳng… Nhưng, tiếng hát Thanh Sử “neo” lại trong lòng giới mộ tuồng ở Bình Định vẫn là đào chiến như các vai: Phàn Lê Huê (vở “Chinh Tây”), Trại Ba công chúa (vở “Xử án Bàng Quý Phi”), Bùi Thị Xuân (vở “Tây Sơn tụ nghĩa”).
Ngay Thanh Sử cũng thừa nhận, vai đào chiến rất hợp với sở trường của chị. So với các vai diễn khác, ngoài việc hát hay, múa đẹp, người sắm vai đào chiến phải thể hiện được chất vũ dũng. Không chỉ thể hiện tốt các làn điệu nhờ giọng hát vang xa, ấm áp đầy “uy lực” được thừa hưởng từ cha, chị còn sắc sảo trong từng điệu bộ. Các động tác múa không đạo cụ như khai, khán, chỉ, khoát, giằng cương ngựa, lên ngựa, phi ngựa, lăn, ngã, đá… đều được chị thể hiện tốt. Với động tác múa có đạo cụ như cung, kiếm, thương, siêu, đao, khiên, búa, chùy… chị dày công tập luyện thành thạo, cho tròn, kín, nhịp nhàng.
|
NSƯT Thanh Sử trong vở tuồng “Viên ngọc quý”. |
Nét riêng của Thanh Sử
Dù đã ngoài 50, chị vẫn đảm nhận tốt các vai diễn trẻ trung của những cô gái mười chín, đôi mươi. Nhiều người trong giới nhìn nhận đây là “bí quyết” riêng của chị, mà không phải diễn viên nào cũng có thể làm được. Để có thể trẻ trung trên sân khấu, chị phải khổ luyện rất nhiều từ chế độ ăn uống, giữ vẻ bề ngoài tươi tắn, đến rèn luyện chất giọng trong trẻo tuổi hoa niên. Chị tâm sự: “Để có thể vào vai cô gái 18 tuổi, tôi quan sát cử chỉ, điệu bộ, kể cả giọng nói của các cô gái trẻ, rồi tập cho đến khi giống mới thôi”.
Xem Thanh Sử diễn, khán giả cảm nhận, chị đã hóa thân vào vai diễn để thể hiện thật tự nhiên, rõ nét tính cách và cháy hết mình với số phận nhân vật. Nhờ vậy, chị đã lấy được cảm tình của những khán giả khó tính quê tuồng. Hầu như không có vở diễn nào của Nhà hát tuồng Đào Tấn mà không có sự tham gia của chị. Thanh Sử đã đạt nhiều bước tiến trong nghề, khẳng định chỗ đứng trong lòng người mộ điệu và luôn được chào đón nồng nhiệt trong những đêm diễn phục vụ công chúng khắp nơi.
“Không qua trường lớp đào tạo bài bản như nhiều nghệ sĩ, diễn viên khác, nhưng với nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, Thanh Sử đã trưởng thành nhanh chóng trong nghề nghiệp” |
Đạo diễn - NSƯT Hoàng Ngọc Đình dành nhiều lời khen khi nói về Thanh Sử: “Cô đào này được sinh ra từ cái nôi tuồng, nên chất tuồng như mạch ngầm chảy trong cô. Điều đáng quý ở Thanh Sử là tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với nghề, sự cố gắng của bản thân và đặc biệt là sự ham học hỏi, lắng nghe để tiến bộ. Thanh Sử toàn diện cả thanh lẫn sắc, đồng đều tất cả những tố chất cần có để trở thành một nghệ sĩ tuồng tài danh”.
So với các bậc đàn chị như NSND Hòa Bình, NSND Phương Thảo thì Thanh Sử chưa có vai diễn nào “để đời”, nhưng chị âm thầm, lặng lẽ cống hiến làm dày thêm bảng thành tích trong nghiệp cầm ca của mình. Mấy năm gần đây, đất diễn của Thanh Sử ngày càng mở rộng khi chị đảm nhận phần lớn các vai chính trong chương trình kịch mục của Nhà hát, như: Qua Phi Sen (vở “Tình yêu và khát vọng”), công chúa Thùy Dương (vở “Ánh sáng tình yêu”), Đát Kỷ (vở “Phong thần”) và mới đây nhất là Ngọc Mai (vở “Sóng dậy Rạch Gầm”)… Ở vai diễn nào, chị cũng hoàn thành tốt và được những người trong nghề đánh giá cao.
|