Truyện ngắn của SA NAM
Xa Bình Phố một năm, tôi trở về, người thân dời lên thành phố cả, không còn ai. Ngồi quán Cây Sồi xưa, thấy bạn bè cũ thưa hẳn. Thằng Sự chở khách ngang qua, trông thấy tôi, mặt sáng rỡ, bộ ria mép vểnh lên, ra dấu chờ một lúc. Không đầy mươi phút sau, nó quay lại. Thằng bạn thuở thiếu thời, đã lâu không gặp, bốn chục tuổi rồi còn siết chặt lấy gáy tôi:
- Mày về lúc nào vậy? Không thèm nói với bạn bè một tiếng. May mà cuốc xe ngang qua!
Tôi cười nói, tỏ ra giận dỗi:
- Năm trước lúc nào qua đây ngồi, chẳng cần hẹn hò gì cũng gặp vài thằng bạn chí thân. Bọn mày giờ bận rộn đến mức phải có lịch hẹn trước mới được gặp chắc?
Thằng Sự cười ha hả, thụi vào ngực tôi:
- Dời địa điểm rồi. Quán Cây Sồi nát như ổ chó mẹ. Giờ chiều chiều anh em về nhà ăn cơm với vợ. Tối tụ họp hết ở Cúc Họa Mi!
- Cúc Họa Mi là gì? Tôi bần thần.
Thằng Sự đá lông nheo, bản mặt như vỏ cam sành của nó giãn ra, lỗ chân lông cũng đỡ lộ hơn. Sự khắc khổ như tiêu biến hẳn.
- Cái chốn có một cô em xinh như mộng! Thằng Sự cười mơ màng.
- Động hả? Bọn mày độ này đổ đốn nhỉ?
- Thôi ngay cho tao nhờ! Mày nghe tên Cúc Họa Mi mà không thấm chút trong sáng, ngây thơ nào hả!
Tôi không nhịn được một nụ cười nhếch mép.
- Cà phê bình dân như Cây Sồi thôi. Nhưng có thêm nhạc lãng mạn, không gian tĩnh lặng, lại khuyến mãi thêm sắc vóc mặn mà của cô chủ.
Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe thằng Sự nói được hai câu gẫy gọn, lịch sự.
- À! Thì ra là lý do cô chủ!
- Thôi, không đùa nữa! Người ta chồng con đàng hoàng. Không như mày nghĩ đâu! Cứ về gột sạch bụi trần đi. Tối nay ghé Cúc Họa Mi với tao. Rất hợp với dáng mày đó!
Thằng Sự lại cười, vai lắc lư. Nó vẫn tinh quái như ngày nào.
***
Tắm xong mới thấy lạnh. Tiết trời Bình Phố thật khó lường. Tôi lục cái rương cũ trong phòng, chợt thấy cái áo khoác chần bông màu cỏ úa mình bỏ quên từ đời nào, thế là khoác luôn. Đang soi gương thì thằng Sự đã ơi ới dưới nhà. Tưởng cho tôi ăn cơm hàng, hóa ra nó lại hì hục đi chợ, nấu nướng.
- Tự nhiên đi! Hơn tuần nay tao đón khách muộn, thành lệ, tối nào mẹ con thằng Vọc cũng ăn cơm nhà ngoại.
Cơm rượu xong, thằng Sự lúi húi đi tìm lược. Từ xưa giờ, đây là lần đầu tôi thấy nó chải tóc.
- Cúc Họa Mi đi mày!
Không để tôi kịp nói một lời, Sự đã quay xe. Sương xuống dày, tôi mặc áo chần bông còn thấy gió lùa qua kẽ hở giữa cúc áo. Thằng Sự chỉ mặc mỗi cái áo gió, vừa chạy xe vừa huýt sáo theo một điệu nhạc tôi từng nghe đâu đó.
***
Quán nhỏ, hơi lụp xụp, nhìn ngoài chẳng thơ mộng như Sự ca ngợi. Các bàn được bài trí khá gần nhau. Bàn và ghế đều bằng mây, ghế mây dày và chắc, có đệm trải thêu hoa. Chắc bà chủ Cúc Họa Mi đã đoán biết được những vị khách thường xuyên của quán cũng chẳng nhẹ nhõm gì. Tôi và Sự là hai vị khách đầu tiên của buổi tối. Dưới ánh đèn vàng dịu nhẹ, đâu đó ở những góc nhỏ được sắp xếp khá tinh tế có cắm những cốc hoa cúc họa mi trắng ngần.
- Có cần chính tay Hiên Mây phục vụ không, lãng tử? Sự thì thầm.
- Hiên Mây? Tôi thì thầm hỏi lại.
- Ừ! Một trong những lý do khiến tất cả lũ đàn ông ngờ nghệch lui đến đây.
- Thôi, miễn! Tôi nhếch mép.
Từng đau vì yêu, tôi biết chứ. Ngày ấy, tôi tốt tính và ga lăng với tất cả đàn bà. Nhưng tôi chỉ yêu nàng. “Mình mãi là tình nhân nhé!”, tôi cũng tặng nàng những bông cúc họa mi như thế kia mong một cái gật đầu. Thế nhưng, sau ngày tôi nói câu ấy, nàng tự nguyện thuộc về người khác, nghe đâu làm vợ một người giàu sang, quyền quý. Nhớ đến nàng, tôi hả hê khi mường tượng ra gương mặt khổ ải, nhẫn nhịn của một người vợ. Chừng này nàng cũng đã ba mươi, hẳn vẻ yêu kiều đã nhường chỗ cho sự khô gầy và luộm thuộm, hoặc béo lằn, hãnh tiến. Tóc mây có lẽ đã xơ xác nhiều. Cự tuyệt ý muốn mãi là tình nhân của tôi, nàng sẽ sớm nhận ra mình đã sai lầm.
***
Cô phục vụ có gương mặt lấm tấm tàn nhang mang ra cho Sự và tôi một ấm trà nóng, sau đó là hai tách cà phê đen. Vị nóng thơm nguyên chất đã xa quá lâu vừa kề môi, thì từ một góc nào đó, tôi không thể định hình được, nhạc cất lên, run rẩy. Bấy giờ là bảy rưỡi tối. “... Hình như em rất thuộc bài hát của tình nhân... Hình như em rất ngại phải nói xa anh... Hình như em không lớn để mãi nép trong tay anh mềm... Hình như em đã già vì anh... Hình như anh đã là bài hát của mình em... Hình như anh đã hát hết cho muôn người... Hình như em đã khóc vì những lúc ôm anh trong lòng... Hình như em đã cười một mình... Đợi chờ anh... trong khu vườn hoa trắng... Thường thì tình nhân... lại rất chung tình... Em không thể nào giữ anh cho riêng mình... Em không thể nào yêu ai khác...”.
- Hay quá! Tôi lấy cốc cà phê, che đi vành môi run rẩy vì xúc động.
- Ừ! Tối nào cũng bản nhạc này bắt đầu và kết thúc. Tao nghe không hiểu gì cả, biết là không dành cho mình, nhưng vẫn thấy hay.
Tôi định nói thêm với Sự điều gì đó, nhưng khựng lại. Một người đàn ông cao lớn bước vào quán. Dưới ánh đèn, gương mặt anh ta trông nghiêng hiền hậu và trải đời. Mặc bộ quần áo truyền thống size rộng nhất của công nhân hái cà phê, đôi bàn tay rất to của anh xách chiếc giỏ cói, bên trong là những ngọn dớn mơn mởn và những bông cúc họa mi trắng như đang hé cười.
- Chồng của Hiên Mây. Nghe nói chuyện tình của họ đẹp lắm!
Tôi ngạc nhiên. Mọi ngày Sự bộp chộp, chém to kho mặn là thế, hôm nay lại ăn nói có duyên, dễ nghe đến khó tin.
- Chồng Hiên Mây là cậu ấm của chủ tịch một tập đoàn truyền thông có tiếng. Mâu thuẫn với cha vì cho rằng ông là nguyên do dẫn đến căn bệnh trầm uất khiến bà mẹ qua đời, anh ta đã bỏ lên đây mua đất trồng cà phê. Trầy trật mãi vẫn thất bát. Hết vốn phải quay về xin gặp ông bố để thương lượng bán cổ phần trong tập đoàn để tiếp tục trồng cà phê. Gặp Hiên Mây là nhân viên bán thời gian của tập đoàn ngay trong thang máy, trúng ngay tiếng sét ái tình. Hiên Mây sau đó không lâu bỏ thành đô, theo anh này lên đây trồng cà phê, làm ăn được lắm. Ông chồng hai con này chiều chuộng vợ nổi tiếng, nàng muốn có Cúc Họa Mi là cho ra Cúc Họa Mi. Đúng là trai anh hùng, gái thuyền quyên.
Sự rành rẽ, văn vẻ như người trong cuộc.
- Tại sao lại là Cúc Họa Mi?
- Làm sao tao biết! Thằng Sự ngơ ngác. Giống như tôi đang hỏi ý nghĩa bài hát vậy. Nhưng tôi hỏi là hỏi vậy, tôi đâu cần câu trả lời của Sự.
Điện thoại của Sự bỗng reo ầm ĩ, át cả tiếng nhạc dìu dịu, đắm đuối của Cúc Họa Mi.
- Hả? Không được! Cô không về thì sáng mai tôi nhịn đói à? Về ngay! À! Cứ ở nguyên đó, tôi đến đón.
Lo lắng hiện lên mặt Sự, sau đó giãn ra dần:
- Con vợ tao đòi tối nay ngủ lại nhà ngoại. Thực ra tao vẫn tự nấu đồ ăn sáng được hoặc chạy ra hàng ăn tạm cái gì đó, nhưng mà thiếu nó với thằng Vọc tao không yên tâm, khó ngủ lắm. Với ai chứ với tao, nó không dám cứng đầu đâu.
- Thôi về! Tôi giục Sự.
- Mày cứ ở đây, sắp đến giờ bạn bè tụ họp, bọn nó sẽ mừng lắm khi trông thấy mày! Giờ này nàng đang lo bữa tối muộn cho thằng chồng với lũ con. Thể nào lát nữa cũng ra tự tay bưng cà phê cho khách.
Tôi nhìn vào hút sâu căn nhà nối với quán của Cúc Họa Mi, nơi có nàng Hiên Mây mà bọn thằng Sự chờ ngắm mỗi tối. Bỗng dưng tôi không dám gặp, dù nàng có thể rất đẹp như lời Sự.
Rời khỏi quán. Tôi không dám ngoái lại đằng sau. Cảm giác như chỉ cần quay đầu lại, nơi bài hát buồn cất lên, mình sẽ già đi không ngờ. Còn Sự đi như chạy, lúc này vợ con nó là nhất.
***
Lâu không gặp, thằng Vọc quấn lấy tôi. Nó đã học lớp ba, nom ngon trai và chín chắn hơn cả thằng bố nó. Vọc đòi ngủ với tôi. Nửa đêm, nó bỗng bật dậy.
- Chết cha! Con quên làm bài tập làm văn ở nhà! Mai phải nộp rồi.
- Đề bài là gì? Tôi cũng tỏ vẻ sốt sắng.
- Tả cô giáo ạ! Đúng rồi, cha con bảo hồi nhỏ chú giỏi văn lắm, chú “sáng tác” giúp con một bài văn đi.
Tôi gật đầu. Tất cả đã có trong đầu tôi, tôi đọc nhỏ và rõ ràng cho thằng Vọc ghi vào giấy:
“Mái tóc mây được chăm chút, cắt tỉa gọn gàng... Đôi mắt đen lay láy và làn da nâu giòn nhung mềm như đêm tháng tư... Khi cười, gần gò má cô có một cái ngấn khiến gương mặt rất gần gũi và tự nhiên... Cô hay mặc áo hoặc váy tay lỡ màu tím trầm hoặc chấm bi thật dịu dàng... Chiếc vòng bạc đơn giản trên cổ tay tròn trịa như một điểm nhấn khó quên...”.
***
Sáng ngày, sau bữa sáng, tôi xếp lại quần áo vào ba lô, gọi thằng Sự chở ra ga. Mẹ thằng Vọc mời tôi ở lại nhà. Sự chán nản lắc đầu. Nó nổ máy như thằng khùng. Tiếng máy buổi sáng nghe như tiếng khóc thẹn thùng. Ngang qua quán Cây Sồi, thằng Quân khịa xưa hay choảng nhau với thằng Sự lôi bằng được tôi với Sự vào. Nói được dăm câu, thằng Quân kéo tôi lại gần, nói nhỏ “Tao nghe thằng Sự nói ngày xưa mày chán đời ngủ với con nào, bị người yêu bắt gặp, đòi chia tay, bỏ đi lấy chồng. Từ bấy đến giờ mày thề cạch đàn bà hả? Đừng ngu mãi thế. Gắng kiếm con vợ. Lứa mình mày là thằng ngon nhất, đừng ở vậy!”. Tôi nhếch mép, cười. “Ừ! Cảm ơn mày!”.
Đúng là tôi từng làm đau người con gái ấy. Tôi không trách Sự, không trách thằng Quân khịa, chỉ buồn vì chuyện cũ nhắc lại. Lúc sắp lên tàu, tôi đưa cho Sự cái đĩa nhạc có bản nhạc tôi coppy từ máy tính từ đêm qua, nhờ nó gửi cho Hiên Mây của Cúc Họa Mi.
Ngày hôm sau, đang nằm trên tàu thì tôi nhận được điện thoại của thằng Sự.
- Hết đợt đi này, tao thuê mày về kèm học cho thằng Vọc. Nghe nói đêm trước mày hướng dẫn cho nó bài tập làm văn. Sáng nay cô giáo chấm mười điểm. Trời đất ơi! Lần đầu tiên thằng Vọc được điểm mười tập làm văn. Tao đọc lại bài văn, tao sốc. Mày gặp Hiên Mây lúc nào mà tả y như thật. À! Tao đưa bản nhạc đến cho nàng rồi, bảo là của một khách hâm mộ Cúc Họa Mi và nàng Hiên Mây. Nàng cười nhưng nét mặt buồn buồn, bảo tối nay sẽ bật bản nhạc vào giờ bắt đầu và kết thúc một đêm của Cúc Họa Mi.
Khi tăng âm lượng tai phone, bất giác tôi nhìn xuống đồng hồ. Bây giờ là bảy rưỡi. Giai điệu “Giao mùa” run run cất lên, như tim tôi lần nghe “Tình nhân” ở Cúc Họa Mi: “Mình anh bước trên đường vắng. Đường nào đưa anh đến gần em. Gọi loài hoa giờ tên quá xa xôi. Một đời chưa đi hết vòng môi... Đèn thao thức trong hoàng hôn. Tạ ơn em mang nỗi buồn qua. Và trong cô đơn em cũng như ta. Làm sao gột xóa tên đời…”.
|