Nhân vật người phụ nữ trong sáng tác của Dương Hướng
17:12', 28/10/ 2012 (GMT+7)

Cảnh trong phim “Bến không chồng”, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên. (ảnh: Internet)

Là một trong những nhà văn tiên phong của văn học thời đổi mới, với sự trình làng cuốn tiểu thuyết “Bến không chồng” (giải thưởng của Hội nhà văn năm 1991), Dương Hướng đã là một cái tên khá quen thuộc với độc giả Việt. Cũng với những đề tài quen thuộc về chiến tranh, về người lính, người phụ nữ… nhưng những trang văn của Dương Hướng có sức ám ảnh vô cùng.

Trong khuôn khổ bài viết này, qua hình ảnh  người phụ nữ trong tiểu thuyết của nhà văn, chúng tôi xin một lần nữa tri ân những người phụ nữ Việt Nam đã chịu đựng nhiều hi sinh mất mát cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nước nhà.

Hình ảnh những người vợ, người mẹ với bao nỗi lo âu khi chồng con đang nơi mưa bom bão đạn là hình ảnh quen thuộc và xúc động trong văn học Việt Nam. Riêng với Dương Hướng, ông dành khá nhiều trang văn để viết về số phận của người phụ nữ sau chiến tranh. Nó trở đi trở lại trong tác phẩm của ông như nỗi day dứt khôn nguôi, nỗi khắc khoải triền miên cho những kiếp người bất hạnh. Hình tượng người phụ nữ trở thành bến đợi để thể hiện sự mất mát, nỗi đau không thể bù đắp của chiến tranh.

“Bến không chồng” nói về  nỗi đau của những “người gái nhỏ hậu phương” mỏi mắt trông ngóng người trai nơi chiến tuyến. Đó là cảnh ngộ của mẹ con Hạnh nói riêng và những người phụ nữ làng Đông nói chung, sau chiến tranh, không một người nào còn chồng và có chồng! Đầu tiên là bi kịch của chị Nhân - mẹ Hạnh. Chị đã góp phần vào cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc với tất cả những người đàn ông trong gia đình của mình: chồng và cả hai đứa con trai! Tưởng rằng cuộc đời chị sẽ bớt quạnh hiu hơn khi bên cạnh chị có Vạn - người bạn chiến đấu của chồng năm xưa - bầu bạn. Thế nhưng, cả hai đều không thể vượt qua được những định kiến khắt khe của dư luận và lời nguyền độc của cụ tổ họ Nguyễn:“Nước sông Đình ngàn năm không cạn – Cầu Đá Bạc vạn kiếp trơ trơ – Bến Tình còn đẹp còn mơ – mối thù họ Vũ bao giờ mới nguôi”. Những xúc cảm bị kìm nén, nỗi đau giằng xé lương tâm cộng hưởng với sự hy sinh của chồng con đã tạo nên một tấn bi kịch không gì sánh nổi của chị Nhân...

Khác với mẹ, Hạnh đã  là người đầu tiên dám đương đầu với dư luận” để đến với Nghĩa, cháu trưởng nam của dòng họ Nguyễn. Tình yêu và hạnh phúc sẽ vẹn tròn nếu không có sự hiện diện của chiến tranh. Bởi nó đã cướp đi khả năng làm cha của Nghĩa khiến Hạnh hoài nghi chính bản thân mình. Cô đã quyết định li hôn để cho chồng đi tìm con nối dõi. Tuy nhiên, bi kịch của Hạnh không dừng lại ở đây. Trong lúc đau đớn tuyệt vọng vì hôn nhân tan vỡ, cô đã ngả vào lòng chú Vạn, đem đến cho chú chút hơi ấm của người đàn bà. Kết quả là cô đã có thai. Đứa bé chào đời là niềm hạnh phúc lớn lao của người đàn bà được làm mẹ. Hạnh lại ước mơ về một tổ ấm gia đình cùng chú Vạn. Nhưng oái oăm thay, Vạn lại không dám đương đầu bởi mặc cảm tội lỗi. Cái chết của anh lại một lần nữa đẩy Hạnh vào tận cùng của nỗi bất hạnh. Là người phụ nữ dám sống, dám yêu, dám cháy hết mình vì tình yêu, hạnh phúc lại phải sống cả đời trong cô đơn, quả thật đó là nỗi đau không gì tả xiết.

Còn biết bao người phụ nữ làng Đông nữa trong “Bến không chồng” cùng chung cảnh ngộ như mẹ con Hạnh. Đó là Dâu, Thắm, Cúc, Nhài, Thao, mụ Hơn... Thắm yêu và có con với anh chàng pháo thủ nhưng khi chiến tranh kết thúc anh ta không một lần ngoái lại. Cúc trả lễ cho Thành vì không thể chấp nhận khuôn mặt bị chiến tranh hủy hoại đến mức ghê sợ của anh. Dâu không chồng bởi người yêu cô tử trận

Bằng những chi tiết miêu tả chân thực đầy xúc động, chân dung những người phụ nữ làng Đông hiện lên với  bao nỗi niềm thương xót. Chiến tranh là nguyên cớ lớn nhất và trực tiếp nhất làm cho họ rơi vào tấn bi kịch cuộc đời, đã xô đẩy số kiếp họ đến chỗ “nổi nênh”, “trôi dạt”.... Dù ở họ mỗi người là một mảnh đời, một số phận khác nhau, song đều toát lên một điểm chung là sự chịu đựng, đức hy sinh, nỗi lòng cô đơn và biết khát khao hạnh phúc. Với "Bến không chồng", Dương Hướng đã tạo dựng hình tượng người phụ nữ “vượt trội” so với số đông những “chinh phụ” trong văn xuôi cả một thời dài chiến trận. Họ biết vươn lên trên thử thách, vượt qua mọi rào cản để được sống là mình, biết khát khao trân trọng hạnh phúc. Đó là điểm sáng nhân văn mà Dương Hướng muốn gửi gắm, sẻ chia, làm vơi đi không khí cô đơn bao trùm nơi làng quê tưởng như yên bình mà thật dữ dội này.

Mười lăm năm sau trong cuốn tiểu thuyết đồ sộ “Dưới chín tầng trời”, Dương Hướng một lần nữa tái hiện thành công nhân vật nữ thời hậu chiến. Các nhân vật Thương Huyền, Yến Quyên, mấy mẹ con bà Cháo... với số phận bất hạnh lại một lần nữa gây ấn tượng trong lòng người đọc. Thương Huyền hi sinh cái "giá ngàn vàng" của người con gái để hoàn thành nhiệm vụ mà cách mạng giao phó, nhưng cô lại bị đẩy làm vật hy sinh "dưới hai làn đạn ở cả hai phía". Yến Quyên hiền thục đảm đang, chồng đi biền biệt vẫn một mực kiên trinh chờ chồng, một mình chống chọi “cơn lũ” lịch sử ập đến gia tộc Hoàng Kỳ. Mấy mẹ con bà Cháo tha phương cầu thực nơi xứ người tưởng đem lại cuộc sống hạnh phúc hơn, nào ngờ có lúc phải lâm vào cảnh bán thân nuôi miệng... Ngòi bút thấm đẫm niềm cảm thương của nhà văn đã tái hiện thật chân thực và xúc động số phận và cả những khao khát rất nhân bản, rất người của người phụ nữ thời chiến và cả thời bình. Người đọc vì thế càng thấy họ đáng thương, đáng được cảm thông và trân trọng hơn bao giờ hết.

Có nhà phê bình đã nhận xét: “Dương Hướng là ngòi bút có tình nói về nỗi đau của con người”. Đọc những trang văn về người phụ nữ ta thấy được sức nặng chuyên chở tình người trong tiểu thuyết của ông. Con người đẹp hơn trong những khát khao rất đời thường, biết trỗi dậy từ nỗi đau và sống lạc quan hơn. Đó là thông điệp mà Dương Hướng muốn gửi gắm đến chúng ta.

  • Võ Thị Thanh Thủy
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tình nhân  (27/10/2012)
Giả cầy  (27/10/2012)
Hương sắc hoa tuồng  (27/10/2012)
Mối kỳ duyên giữa âm nhạc Paul McCartney và hội họa Picasso   (27/10/2012)
Dưới "Cô thợ giặt" của Picasso là... một người đàn ông  (26/10/2012)
Hướng đến nâng cao chất lượng  (25/10/2012)
Khai mạc Liên hoan phim hoạt hình quốc tế London  (25/10/2012)
Trưng bày bức tranh đắt nhất thế giới tại New York  (25/10/2012)
429 tác phẩm tham gia xét tặng   (24/10/2012)
Nơi hào hứng, nơi hững hờ  (24/10/2012)
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của "vua phóng sự đất Bắc"  (24/10/2012)
Khởi sắc Mỹ Chánh  (23/10/2012)
Hoài Nhơn: Ðưa dân ca vào trường học  (22/10/2012)
Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn - Hướng tiếp cận mới  (22/10/2012)
Tuy Phước: Khôi phục và phát triển Hội đánh bài chòi cổ dân gian  (21/10/2012)