Không đặt nặng mục đích doanh thu như ở các thành phố lớn, “bầu sô” ca nhạc ở Quy Nhơn đến với nghề chủ yếu vì say mê nghệ thuật. Trước thực trạng đời sống âm nhạc Quy Nhơn trầm lắng, một số ca sĩ, nhạc công có xu hướng kiêm thêm nghề làm “bầu”, tạo thêm đất diễn cho mình và đồng nghiệp.
|
Không chỉ dàn dựng chương trình, nhiều ca sĩ, nhạc công làm “bầu” còn hướng dẫn ca sĩ trẻ cách ca, cách diễn.
|
Chủ quán làm “bầu”
Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, chị Thu Trang, chủ quán cà phê Thu vàng, đã tụ tập một số nhạc công, ca sĩ, tổ chức hát miễn phí phục vụ khách một vài đêm trong tuần tại quán. Từ chỗ hát chơi, Thu vàng trở thành tụ điểm cà phê ca nhạc và chủ quán Thu Trang cũng trở thành “bầu sô” ca nhạc đầu tiên của Quy Nhơn.
Dưới tài biên tập, dàn dựng chương trình của ê kíp: Phạm Ghi, Ngọc Hoánh, Mỹ Nữ, các chương trình nhạc Trịnh của Thu vàng khá ấn tượng, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng về Quy Nhơn tìm đến quán thưởng thức và dành nhiều lời khen ngợi. Nhạc công Phạm Ghi nhớ lại: “Nhạc công, ca sĩ tập luyện liên tục để có chương trình mới mỗi tuần. Nhiều giọng ca trưởng thành từ quán, bây giờ đã nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh như Quang Dũng, Ngọc Bích, Lê Uyên, Anh Ánh, Khánh Dũng…”.
Một số quán cà phê ở Quy Nhơn sau đó cũng bổ sung thêm phần ca nhạc và các chủ quán trở thành những “ông bầu”, “bà bầu” như “bầu” Kim Oanh (chủ quán cà phê ca nhạc Tiếng thời gian), “bầu” Xuân Lan (nguyên chủ quán cà phê ca nhạc Golden Life), “bầu” Kỳ (chủ quán cà phê ca nhạc Feeling)… Các “bầu” này thuê ca sĩ, nhạc công, biên tập chương trình, duy trì những đêm nhạc khá bài bản, làm sôi động đời sống âm nhạc ở Quy Nhơn. Thậm chí, “bầu” Kim Oanh còn đứng ra tổ chức một vài chương trình ca nhạc tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, mời một số ngôi sao ca nhạc từ TP Hồ Chí Minh, như: Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Ngọc… về biểu diễn.
… đến ca sĩ, nhạc công
Nhưng tiếc là “ngày vui dài chẳng tày gang”, bởi lượng khách đến quán thưởng thức nhạc thưa thớt dần. Các “bầu” đã nỗ lực vượt khó bằng cách sửa sang, trang hoàng quán, thay đổi chương trình, nhưng vẫn không khắc phục được cảnh vắng vẻ mỗi đêm. Một số “bầu” chuyển hướng kinh doanh. Quy Nhơn hầu như chỉ còn cà phê - đêm nhạc trữ tình Trịnh Công Sơn của “bầu” Phạm Ghi là hoạt động ổn định với hai chương trình nghiêm túc vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần.
Không còn những “bầu sô” mạnh vì gạo, bạo vì tiền, cùng những chương trình ca nhạc bài bản, nhiều ca sĩ, nhạc công kiêm thêm nghề làm “bầu” để phục vụ nhu cầu văn nghệ hội nghị, khai trương, đám cưới. Ca sĩ Kiều Lệ cho biết, chị nhận làm “bầu” đủ kiểu, các chương trình kéo dài 30-60 phút, với 5-10 tiết mục thuộc nhiều thể loại. Tùy vào yêu cầu của khách, “bầu” sẽ lập danh sách tiết mục và đặt hàng ca sĩ, biên đạo, nhạc sĩ, nhạc công. Kiều Lệ tâm sự: “Ca sĩ lâu năm chỉ cần nói bài, còn giọng ca mới mình phải giúp họ rã bài, tập bài, góp ý cả chuyện trang phục. Ca sĩ, nhạc công làm “bầu” có thuận lợi là biết được thế mạnh của ê kíp, nhưng phải biết cách hòa mình cùng tập thể. Để tạo uy tín, “bầu” phải nắm rõ nội dung chương trình, cách tổ chức, có quan hệ rộng, đặc biệt phải sòng phẳng chuyện tiền bạc…”.
|
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (thứ hai, trái sang) trong đoàn của Hội Nhạc sĩ TP Hồ Chí Minh đến thăm quán Thu vàng, tháng 10.1998.
|
Chung niềm đam mê
Có mặt ở quán cà phê ca nhạc Trịnh Công Sơn một tối thứ Bảy, trước giờ biểu diễn, thấy anh bồn chồn gọi điện hết ca sĩ này đến nhạc công khác để nhắc lại lịch hẹn. Hoạt động lâu năm trong giới, “ông bầu” Phạm Ghi biết rõ, không có chuyện ca sĩ làm mình làm mẩy với “bầu”, chỉ sợ những sự cố ngoài ý muốn. Bởi, mối quan hệ bầu sô-ca sĩ-nhạc công ở Quy Nhơn không đầy sóng gió như thường thấy ở các thành phố lớn, mà chủ yếu lấy tình thân đối đãi nhau.
Một nam ca sĩ nổi tiếng với dòng nhạc truyền thống cho biết: “Dù cạnh tranh nhau làm nghề, nhưng lâu nay quan hệ giữa các “bầu” không mấy ồn ào, thi thoảng có phật ý nhau, chủ yếu do khách hàng tự ý rút chỗ này đặt lại chỗ kia. Phần lớn “bầu” ca nhạc Quy Nhơn làm nghề vì đam mê nghệ thuật. Kể cả ca sĩ, nhạc công nhảy ra làm “bầu” cũng nhằm tạo sân chơi cho mình và đồng nghiệp”.
Đa số “bầu” thừa nhận làm nghề có dư chút đỉnh, đủ sắm sanh đồ diễn. Loay hoay mãi với những chương trình văn nghệ, nhiều ca sĩ, nhạc công làm “bầu” mong có cơ hội trưởng thành hơn với nghề này, nhưng rất khó vì chi phí khách hàng bỏ ra chừng mực và không có nhu cầu chất lượng cao hơn.
Nhạc công Phạm Ghi nhìn nhận: “Một trong những lý do khiến cà phê ca nhạc Quy Nhơn rơi rụng là mô típ na ná nhau. Người có khả năng làm “bầu sô” tốt ở Quy Nhơn không thiếu, tiếc là quy mô các hoạt động âm nhạc quá nhỏ, nên anh em cứ mãi loay hoay. Đáng quý nhất là giữa muôn vàn khó khăn, anh em trong giới đã nỗ lực xoay xở, để có thể tiếp tục sống với đam mê nghệ thuật của mình”.
|