Tượng danh nhân ở Bình Ðịnh:
Ðẹp, phong phú và đa dạng
20:7', 5/11/ 2012 (GMT+7)

Mấy năm gần đây, ở tỉnh Bình Ðịnh xuất hiện nhiều tượng đài đẹp, có thể kể đến: tượng đài anh hùng dân tộc Hoàng đế Quang Trung (Quy Nhơn) và trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn); 9 tượng văn thần võ tướng thời Tây Sơn nơi Ðiện thờ Tây Sơn tam kiệt và các tượng bán thân anh hùng chống Pháp Võ Duy Dương, chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ…

Thêm nhiều tượng đài đẹp

9 bức tượng thờ trong Điện thờ Tây Sơn tam kiệt là kết quả quá trình đầu tư sáng tác nghiêm túc của nhóm tác giả điêu khắc thuộc Công ty Mỹ thuật Trung ương (Bộ VH-TT&DL), với sự hỗ trợ kinh phí của gia đình ông Huỳnh Phi Dũng (một doanh nhân quê gốc Bình Định, đang sống ở Bình Dương). Cả 9 bức tượng đều được làm bằng chất liệu gốm, dát vàng. Tượng cao 2,5-2,55m, nặng khoảng 400kg.

 
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn. Ảnh: V.LƯU

Nếu ở tượng thờ với bố cục ngồi trong tư thế tĩnh thì ở tượng đài được bố cục vững chãi ở tư thế động. Điều đó thể hiện rõ nét qua 2 tác phẩm tượng đài ngoài trời của hai phong cách nghệ thuật cùng biểu đạt chủ đề về Hoàng đế Quang Trung. Tượng Hoàng đế Quang Trung tại Bảo tàng là tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Đình Bảo. Kinh phí làm bức tượng này khoảng 6 tỉ đồng do ông bà Nguyễn Chấn - Trần Thị Hường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoàn Cầu - một người con của quê hương Bình Định tài trợ. Tượng sử dụng chất liệu kim loại đồng, cao 10,4m, nặng 18 tấn hoàn thành nhân dịp Lễ hội kỷ niệm 217 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa vào ngày mùng 5 Tết năm 2006. Tác giả đã khai thác theo ngôn ngữ tạo hình hiện đại, sáng tạo theo thủ pháp vừa tả thực, vừa tượng trưng. Toàn bộ tượng đài (tượng và bệ tượng) hòa quyện vào nhau trong một hình khối chặt chẽ, bề thế và vững chắc.

Trong khi đó, tượng Hoàng đế Quang Trung tại hoa viên Quang Trung, TP Quy Nhơn, sau 30 năm xây dựng đã được tác giả Lưu Danh Thanh tiếp tục nâng cấp và chuyển chất liệu đồng. Tác giả đã dày công, đầu tư toàn tâm toàn lực sáng tác mới khá thành công khối phù điêu chạm nổi xung quanh bệ tượng, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật cho tác phẩm lên bội phần. Tượng đài Hoàng đế Quang Trung như một điểm nhấn giữa đô thị, thu hút du khách đến chiêm bái, trở thành một biểu tượng của thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Công trình tượng đài và hoa viên này do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cùng nhiều doanh nghiệp trong nước tài trợ thực hiện, với tổng kinh phí xây dựng trên 7 tỉ đồng. Tượng đài về Hoàng đế Quang Trung là tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.

Tượng nhỏ, ý nghĩa lớn

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến thể loại tượng bán thân dựng nơi thờ tự. Một trong những tượng bán thân thân đẹp đó là tượng Võ Duy Dương, còn gọi là Thiên Hộ Dương. Ông quê ở Bình Định, là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp (1862-1866) lập nên nhiều chiến công vang dội ở Đồng Tháp Mười. Để tưởng nhớ vị anh hùng chống Pháp với quê hương Bình Định, Tạp chí Xưa & Nay đã đúc bức tượng đồng Võ Duy Dương để tặng cho Đền thờ Võ Duy Dương tại Nhơn Tân, An Nhơn. Tượng có kích cỡ 90cm x 60cm, nặng 80kg do nhà điêu khắc Lâm Quang Nới phác thảo.

Sau công trình ý nghĩa này, tượng bán thân chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ là bức tượng thứ 105 của chương trình “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân” do Tạp chí Xưa & Nay, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thực hiện đã được rước về đặt tại Đền thờ ông vào ngày 9.9.2011. Bức chân dung duy nhất của ông may mắn được người Nhật ký họa, Hội Hữu nghị Việt Nam tại Asaba (Nhật Bản) lưu giữ và trao tặng. Ông Nguyễn Hạnh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay, đã cung cấp cho nhà điêu khắc Lâm Quang Nới ảnh tư liệu quý này để tác giả phác thảo và đúc tượng, được đặt ở vị trí trang trọng trước tiền sảnh Đền thờ Tăng Bạt Hổ, thuộc xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân.

Ngoài những công trình tượng đài, tượng thờ bằng chất liệu hiếm quý là vàng và đồng, còn có những tượng đài, tượng bán thân bằng chất liệu đá, bê tông thực hiện xã hội hóa thành công. Đơn cử như tượng bán thân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hữu Quang, do tác giả Lê Ân, người con của quê hương Phù Cát thực hiện bằng chất liệu đá granite, dựng tại Trường THPT Nguyễn Hữu Quang, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, từ nguồn vận động tài trợ do em trai ông là Nguyễn Hữu Minh kêu gọi. Đây là một trong những tượng bán thân đẹp, theo hệ thống tượng vườn xây dựng tại các trường học ở Bình Định.

Tin rằng sẽ còn nhiều công trình tượng danh nhân tiếp theo được thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.                                             

  • NGUYỄN CHƠN HIỀN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vân Canh đưa vào sử dụng Ðài truyền thanh Canh Liên  (05/11/2012)
Bật mí thủa Trịnh Công Sơn là thầy giáo  (05/11/2012)
Chuyện “bầu sô” ca nhạc Quy Nhơn  (03/11/2012)
Bông súng bàu làng  (03/11/2012)
Bão qua  (03/11/2012)
7 website đồng loạt thu phí tải nhạc 1.000 đồng/bài  (02/11/2012)
Sôi nổi hoạt động các câu lạc bộ chuyên đề, đội, nhóm  (01/11/2012)
Bắt đầu thu phí tải nhạc: Ai sẽ móc ví?  (01/11/2012)
Báo mạng Mỹ phát triển, nhưng báo in lại suy sụp  (01/11/2012)
Phát động cuộc thi ảnh “Nụ cười Bình Ðịnh”  (31/10/2012)
Chưa thành công như mong đợi  (31/10/2012)
VN được tôn vinh tại Liên hoan văn hóa Mexico  (31/10/2012)
NSNA Đào Tiến Đạt đoạt 3 giải cao tại ISF WORLD CUP 2012  (30/10/2012)
400 phim hoạt hình chiếu tại liên hoan ReAnimania  (30/10/2012)
Cần cái tâm với phong trào  (29/10/2012)