Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh:
Thực hiện quá chậm chạp
23:35', 7/11/ 2012 (GMT+7)

Từ tháng 10.2010, Sở VH-TT&DL đã ban hành kế hoạch hướng dẫn triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Từ đó đến nay, đã hơn hai năm trôi qua, việc kiểm kê vẫn chưa được là bao.

Tính đến hết tháng 10.2012, mới chỉ có TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, các huyện: Hoài Nhơn, Tây Sơn là có báo cáo kết quả sơ bộ về Sở VH-TT&DL.

Kết quả hạn chế

Theo báo cáo của Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã An Nhơn, đã có 15/15 xã, phường trên địa bàn cung cấp thông tin ban đầu về danh mục di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, 8 xã, phường có đối tượng kiểm kê di sản phi vật thể: lễ hội Đổ Giàn, nghề làm bún song thằn (xã Nhơn Phúc), lễ hội Vía Bà (xã Nhơn Phong), lễ hội Hoa đăng Mục đồng (xã Nhơn Hưng). Nghề làm nón (xã Nhơn Mỹ và phường Nhơn Thành), nghề đan giỏ (xã Nhơn Mỹ), nghề tiện gỗ, nghề gốm, làm bún tươi (cùng ở xã Nhơn Hậu), nghề nấu rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc). Loại hình ngữ văn dân gian hát hò (phường Nhơn Thành).

 
Các làng đồng bào dân tộc ở miền núi có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang bị mai một cần được nhanh chóng kiểm kê.

Báo cáo của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoài Nhơn đưa ra danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể: Lễ hội cầu ngư ở các xã ven biển. Nghệ thuật tuồng ở thôn Trường An 1, xã Hoài Thanh. Hát bài chòi ở xã Hoài Hương. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Đây là 3 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu ở địa phương. Trong số này, chỉ có lễ hội cầu ngư là có khả năng lưu truyền và phát triển nhờ cộng đồng dân vạn chài. Hai di sản còn lại đang ở tình trạng ít khả năng lưu truyền vì những nghệ nhân kỳ cựu gắn bó với phong trào đã mất, chúng tôi đang muốn  phục hồi thì gặp khó khăn về kinh phí…”.

Ở các huyện miền núi trong tỉnh có rất nhiều loại hình di sản phi vật thể, phần lớn đều đang ở tình trạng mai một, thế nhưng vẫn chưa có báo cáo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Ông Nguyễn Tấn Liêm, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Vân Canh, cho rằng: “Các loại hình di sản phi vật thể của địa phương đều chủ yếu tập trung ở các làng đồng bào dân tộc. Muốn tìm hiểu cụ thể phải đến buổi tối mới gặp được người dân đi lao động cả ngày về, nhiều làng lại ở nơi xa xôi… nên đòi hỏi phải có nguồn kinh phí đi lại, bồi dưỡng cán bộ làm kiểm kê ngoài giờ hành chính. Các xã trên địa bàn huyện do thiếu kinh phí, nhân lực nên vẫn đang đề nghị sẽ từ từ tiến hành kiểm kê…”.

Cần quan tâm hơn

“Sở VH-TT&DL vừa tổ chức tập huấn cho cán bộ văn hóa về công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Sắp đến, chúng tôi sẽ tham mưu để có những hỗ trợ, định hướng cụ thể hơn ở từng địa phương trong việc kiểm kê những di sản văn hóa phi vật thể quan trọng có nguy cơ mai một”

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó phụ trách
Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình của Sở VH-TT&DL

Việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện Thông tư số 04/2010 của Bộ VH-TT&DL quy định về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đối tượng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được quy định rất rộng bao gồm nhiều loại hình. Phương pháp kiểm kê được đưa ra là khảo sát điền dã, phỏng vấn, ghi âm, chụp ảnh, quay phim và tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể. Phân tích, đối chiếu, so sánh, đánh giá, tổng hợp các tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể… Điều này đòi hỏi UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm hơn nữa để chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phê duyệt kế hoạch và kinh phí kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của Luật Ngân sách, để các Phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao triển khai một cách tích cực.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó phụ trách Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình của Sở VH-TT&DL, cho biết: “Sở VH-TT&DL vừa tổ chức tập huấn cho cán bộ văn hóa về công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Sắp đến, chúng tôi sẽ tham mưu để có những hỗ trợ, định hướng cụ thể hơn ở từng địa phương trong việc kiểm kê những di sản văn hóa phi vật thể quan trọng có nguy cơ mai một. Về lâu dài, sẽ tham mưu để lồng ghép công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở miền núi trong việc thực hiện Đề án Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ở vùng đồng bằng, việc kiểm kê sẽ được lồng ghép vào nội dung xây dựng xã văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới …”.

Trước tình hình thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể còn chậm ở các địa phương, Sở VH-TT&DL chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ căn cứ vào những tư liệu nghiên cứu có được để chủ động tiến hành lập hồ sơ khoa học cho các di sản phi vật thể tiêu biểu của Bình Định như hát bội, bài chòi, không gian văn hóa võ cổ truyền (hoàn thành năm 2011), lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (sẽ hoàn thành trong năm 2012) trình Bộ VH-TT&DL xem xét đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để có thể thêm nguồn kinh phí phục vụ cho công tác kiểm kê, Sở đã đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Điều tra nghiên cứu lập hồ sơ khoa học một số di sản phi vật thể tiêu biểu Bình Định” (thực hiện từ 2012 – 2014).

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phim lịch sử Việt Nam vừa ít, vừa yếu  (07/11/2012)
Làm báo với... Instagram  (06/11/2012)
Người nghệ sĩ mang quân hàm xanh  (05/11/2012)
Ðẹp, phong phú và đa dạng  (05/11/2012)
Vân Canh đưa vào sử dụng Ðài truyền thanh Canh Liên  (05/11/2012)
Bật mí thủa Trịnh Công Sơn là thầy giáo  (05/11/2012)
Chuyện “bầu sô” ca nhạc Quy Nhơn  (03/11/2012)
Bông súng bàu làng  (03/11/2012)
Bão qua  (03/11/2012)
7 website đồng loạt thu phí tải nhạc 1.000 đồng/bài  (02/11/2012)
Sôi nổi hoạt động các câu lạc bộ chuyên đề, đội, nhóm  (01/11/2012)
Bắt đầu thu phí tải nhạc: Ai sẽ móc ví?  (01/11/2012)
Báo mạng Mỹ phát triển, nhưng báo in lại suy sụp  (01/11/2012)
Phát động cuộc thi ảnh “Nụ cười Bình Ðịnh”  (31/10/2012)
Chưa thành công như mong đợi  (31/10/2012)