Tiếng đàn nặng tình cha con
21:28', 10/11/ 2012 (GMT+7)

Có một gia đình đã gắn bó với âm nhạc truyền thống qua 4 thế hệ theo phương thức “cha truyền con nối”. Ðại diện tiêu biểu cho gia đình đó là cha con nhạc công Ðỗ Hồng Sơn và Ðỗ Thị Hồng Thuận ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn.

Bốn thế hệ nối tiếp đam mê

Ông nội của Đỗ Hồng Sơn trước đây  là một “điển nhạc” ở xã Bình Khê (kiểu như nhạc trưởng trong dàn nhạc địa phương), tuy nhiên thấy trình độ mình chưa giỏi, nên đã rước thầy ở ngoài Huế về dạy âm nhạc cung đình Huế cho con. Thấy người con trai Đỗ Mộc (cha Đỗ Hồng Sơn) bộc lộ năng khiếu âm nhạc, ông cho con tiếp tục ra Huế học chuyên sâu về âm nhạc truyền thống. Đỗ Mộc vì vậy tinh thông nhiều loại nhạc cụ truyền thống, nhất là nhã nhạc cung đình Huế.

 
Hai cha con nhạc công Hồng Sơn, Hồng Thuận đang luyện đàn tại nhà.

Các người con của ông Đỗ Mộc đều được ông trao truyền đam mê âm nhạc truyền thống. Đỗ Hồng Sơn kể: “Thấy các anh chị biểu diễn đờn, tui rất thích! Đến năm 12 tuổi, một bữa nọ tui lén lấy cây đàn cò treo trên cột nhà xuống ngồi say mê kéo thử, cha bắt gặp mới bắt đầu truyền nghề. Ông chỉ dạy rất nghiêm khắc, đánh và bắt con luyện các ngón đàn cho bằng được. Ông bảo: “Con học người ta tốn tiền vàng bạc chảy, mà không kỹ lưỡng như cha chỉ cho con. Con học tốt thì cha có nhắm mắt cũng yên lòng có người nối nghiệp…”.

Cha mất đi khi Đỗ Hồng Sơn 17 tuổi,  người anh đã đem hết các loại đàn của cha về nhà ở Đồng Phó cất giữ, không cho các em đụng đến vì sợ làm hư đàn quý. “Thèm đánh đàn quá! Tôi với đứa em ruột mượn xe đạp đi bán cà rem dạo để kiếm tiền mua được cây đàn kìm mà sung sướng đến rơi nước mắt. Sau đó, tôi tiếp tục theo luyện đàn với các anh, đến năm 20 tuổi mới đủ trình độ chơi trong các dàn nhạc lễ”, ông Sơn xúc động nhớ lại.

Năm 1976, ông Đỗ Hồng Sơn trúng tuyển vào làm nhạc công của Đoàn Dân ca kịch Nghĩa Bình. Đã am hiểu các loại nhạc cụ truyền thống trước đó, khi về môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, ông lại được đào tạo thêm về nhạc lý, học thêm các loại nhạc cụ Tây phương khác, nên biểu diễn được tốt nhiều loại nhạc cụ. Có những vở diễn, nhạc công Hồng Sơn được giao đánh luân phiên đến 4 loại nhạc cụ  gồm trống, đàn nguyệt, đàn tơ rưng, chiêng.

Sau gần 10 năm cống hiến cho nghệ thuật chuyên nghiệp, vì cuộc sống gia đình khó khăn nên Đỗ Hồng Sơn nghỉ việc về quê ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn để sống bằng nghề nhạc công đám cưới. Ông vẫn tiếp tục dành nhiều thời gian nghiên cứu về âm nhạc truyền thống. Tất cả 4 người con trai, gái của ông đều được truyền dạy biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc. Đỗ Thị Hồng Thuận (25 tuổi) tâm sự: “Từ lúc nhỏ xíu tôi đã được cha cõng trên vai xuống Đoàn Dân ca kịch Nghĩa Bình coi tập luyện, nên “nhiễm” âm nhạc truyền thống và các làn điệu dân ca. Tuy nhiên, thời còn là học sinh, tôi lại mê tập đàn ghi ta, organ, sau đó mới được cha chỉ dạy chơi  đàn tỳ bà, đàn nguyệt để tham gia các hoạt động văn nghệ. Nhiều lúc tay đau sưng vù lên mà cha vẫn bắt luyện đàn, nên muốn trốn tập và thấy ghét cha lắm ! Sau này, đi làm và tham gia hoạt động phong trào, mới thấy cảm ơn cha thật nhiều”.

 
Hồng Thuận đang đàn hát “Thân gái dặm trường” trong Liên hoan Đàn và Hát dân ca tỉnh Bình Định – 2012.

Dàn nhạc gia đình

“Các loại đờn tôi hiện có đều do cha để lại. Khi tham gia hội thi, thấy người ta biểu diễn đàn cò được cẩn xà cừ rất đẹp, còn đàn cò của mình thì mốc meo và thân bị nứt. Đến lượt Hồng Thuận dự Liên hoan Đàn và Hát dân ca tỉnh vừa rồi, cũng đem cây đàn nguyệt bị cũ, nứt lên trình diễn trên sân khấu. Tôi nói với con gái rằng, đối với người nhạc công,  điều quan trọng không phải là đàn đẹp hay xấu, mà cái chính là phải chơi nhạc bằng cả tâm hồn mình”.

Nhạc công Đỗ Hồng Sơn

Có tài năng và kinh nghiệm biểu diễn, nhạc công Đỗ Hồng Sơn (57 tuổi) dồn sức phục vụ hoạt động văn nghệ quần chúng ở địa phương. Được mời tham gia các đội văn nghệ của xã, huyện tham gia các hội thi, hội diễn, ông nhiều lần đoạt giải cao. Con gái ông - Hồng Thuận, tốt nghiệp ngành sư phạm âm nhạc tại Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Bình Định, đã về giảng dạy tại Trường Tiểu học Bình Thuận, huyện Tây Sơn. Ngoài giảng dạy tốt, Hồng Thuận là hạt nhân trẻ được mời tham gia rất nhiều hoạt động văn nghệ quần chúng ở địa phương. Hồng Thuận không chỉ biết chơi nhiều loại nhạc cụ mà còn có giọng hát dân ca hay. Bảng thành tích hoạt động phong trào của Hồng Thuận ngày càng dày, tiêu biểu là độc tấu đàn nguyệt Tình quân dân đạt giải A Hội diễn nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định năm 2006; giải B Liên hoan Hát ru và Hát dân ca tỉnh Bình Định năm 2008… Mới đây nhất, Hồng Thuận đã gây ấn tượng mạnh tại Liên hoan Đàn và Hát dân ca tỉnh Bình Định - 2012,  khi biểu diễn hai tiết mục là Tình quân dân (độc tấu đàn nguyệt), Thân gái dặm trường (đơn ca) đều đoạt được giải A, ngoài ra còn được trao giải tài năng trẻ.

Đến thăm nhà cha con nhạc công Hồng Sơn, ông dẫn khách đến trước bàn thờ của gia đình, chỉ vào hai tấm ảnh thờ người cha, người anh ruột đang ngồi chơi đàn, rồi xúc động bộc bạch: “Ngày xưa cứ đến ngày giỗ cha, các anh đã được cha truyền dạy từ khắp nơi lại tụ họp về, ngồi ngoài sân chơi đủ dàn nhạc bát âm để bày tỏ tấm lòng tưởng nhớ. Giờ đây, những người này đã mất đi gần hết. Để gìn giữ truyền thống, tôi đang gầy dựng dàn nhạc truyền thống với các thành viên là con, cháu trong gia đình. Tôi sẽ đảm nhiệm chơi đàn nhị chính, con gái Hồng Thuận sẽ chơi đàn tỳ bà, con gái út, con rể, các cháu đang được hướng dẫn luyện tập các loại đàn khác để cùng tham gia hòa tấu trong dàn nhạc”.

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng Tà Ðiệt tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”  (09/11/2012)
Xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội   (09/11/2012)
“Điệu bài chòi đã ngấm vào máu thịt tôi…”  (08/11/2012)
TP. HCM sắp xây tượng đài Bác Hồ mới  (08/11/2012)
Từ việc xác lập kỷ lục  (07/11/2012)
Thực hiện quá chậm chạp  (07/11/2012)
Phim lịch sử Việt Nam vừa ít, vừa yếu  (07/11/2012)
Làm báo với... Instagram  (06/11/2012)
Người nghệ sĩ mang quân hàm xanh  (05/11/2012)
Ðẹp, phong phú và đa dạng  (05/11/2012)
Vân Canh đưa vào sử dụng Ðài truyền thanh Canh Liên  (05/11/2012)
Bật mí thủa Trịnh Công Sơn là thầy giáo  (05/11/2012)
Chuyện “bầu sô” ca nhạc Quy Nhơn  (03/11/2012)
Bông súng bàu làng  (03/11/2012)
Bão qua  (03/11/2012)