Huyện Vân Canh có các dân tộc Kinh, Chăm, Bana, Thái… cùng chung sống, mỗi dân tộc có những nét văn hóa tương đồng và khác biệt. Những năm qua, Vân Canh đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, góp thêm nét mới trong xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.
Từ những việc làm thiết thực
Ông Nguyễn Tấn Liêm, Trưởng Phòng VH-TT huyện Vân Canh, cho biết: “Đảng bộ, chính quyền huyện đã quán triệt sâu sắc, triển khai các chủ trương của Đảng về việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đến các ban, ngành, hội, đoàn thể và người dân. Qua đó, nắm bắt tình hình đời sống văn hóa của người dân, góp phần triển khai thực hiện việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đạt kết quả”.
|
Đám cưới của người Bana (Vân Canh) được chú trọng theo nghi lễ truyền thống. |
Bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể, huyện đã tổ chức khảo sát, thống kê các nhạc cụ, nghi lễ, lễ hội có giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong huyện. Điều đáng mừng là nhiều hộ gia đình các dân tộc Chăm, Bana, Thái vẫn còn giữ lại những nhạc cụ, vật dụng, trang phục và nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện còn lưu giữ khoảng 500 bộ cồng chiêng và nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Nhiều gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn lưu giữ một số hiện vật văn hóa, như: trống lẻ, trống đôi, bộ cồng chiêng 5, cồng chiêng 13, đàn tơ rưng, đàn kơ ní, đàn pró, đàn đinh goong, khèn sừng trâu, khèn le phi, khèn pê rê; các vật dụng trong lao động sản xuất như cấp cưới, cấp đi rừng, gùi, dao, ná, bình vôi, chế rượu… Bên cạnh đó, các loại hình văn hóa phi vật thể như tiếng nói, chữ viết, sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ… vẫn tồn tại và lưu truyền qua các thế hệ. Sự trao truyền này còn được diễn ra trong các hoạt động văn hóa dân gian thông qua lễ hội, hội thi, hội diễn nên càng có điều kiện để bảo tồn và phát triển.
Nhiều nghệ nhân tiêu biểu của huyện đã được cử đi dự các lễ hội cồng chiêng quốc tế và lễ hội trong tỉnh, trong nước, khơi dậy niềm tự hào và lòng quyết tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Các lễ hội như: đâm trâu, cúng đổ đầu, ăn heo ký, cúng cầu mùa, cúng ăn mừng lúa mới, thủ tục ma chay, cưới hỏi, nhận cha, mẹ nuôi… của đồng bào được khôi phục và phát huy. Đặc biệt, thông qua các ngày hội văn hóa, hội diễn, hội thi, huyện Vân Canh đã lồng ghép việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; qua đó thu hút đông đảo các nghệ nhân là đồng bào các dân tộc trong huyện tham gia. Để làm phong phú hơn đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc, Đài TT-TH huyện Vân Canh đã xây dựng chương trình phát thanh tiếng Bana và tiếng Chăm vào những ngày nhất định trong tuần.
Gắn bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế
Hiện nay, phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Vân Canh vẫn duy trì việc dệt thổ cẩm, may váy, áo, khăn, mũ và lưu giữ dây xà nát, kiềng bạc, cộng đồng để sử dụng trong các ngày lễ, tết, hội họp. Nhiều năm qua, tổ phụ nữ dệt thổ cẩm của Chi hội Phụ nữ làng Hà Văn Trên (Canh Thuận) vẫn hoạt động đều đặn. Sản phẩm thổ cẩm do chị em làm ra được đưa đi trưng bày tại các hội chợ trong tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
|
Sự định hướng, nêu gương có tác dụng tích cực trong hình thành ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống ở thế hệ trẻ. |
Thông qua các hình thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Vân Canh được nâng cao rõ rệt. Người dân tích cực tham gia các phong trào xây dựng gia đình, thôn, làng văn hóa, gắn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ.
Đến nay, một số hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm nhiều. Tình trạng tảo hôn, kết hôn không đăng ký, thách cưới cao, đám tang tổ chức ăn uống linh đình, dài ngày… đã giảm; các hình thức mê tín dị đoan, mời thầy cúng chữa bệnh cơ bản được xóa bỏ. Năm 2011, toàn huyện có 75% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; hơn 64% thôn, làng đạt danh hiệu làng văn hóa.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Vân Canh tiếp tục vận động cán bộ và nhân dân trong huyện giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo bền vững.
|